Chuyện ăn tiền, móc ngoặc đấu thầu, đầu tư bừa bãi ở Nhật Bản

24/02/2016 14:51 PM |

Không ít người đặt câu hỏi về tính hiệu quả của đồng vốn đầu tư khi mà hàng nghìn ngôi nhà, căn hộ được xây đã nhiều năm mà không một người dân nào muốn chuyển đến ở.

Khu vực bãi biển Kesennuma, tỉnh Miyagi trước thảm họa động đất sóng thần tháng 3 năm 2011 từng là nơi tập trung của nhiều khu nghỉ dưỡng nổi tiếng. Sóng thần đến và cuốn phăng đi tất cả.

Sau đó hoạt động tái thiết đã được khởi động. Một con đập biển chắn sóng thần được xây dựng cao 19,7 mét dầy 9 mét và dài 5k được xây dựng. Tuy nhiên đáng tiếc nó lại là một dự án được cho là rất hao tiền tốn của mà mục tiêu sử dụng chưa được rõ ràng.

Người ta đặt câu hỏi: Tại sao lại xây dựng một con đập khổng lồ như vậy ở khu vực Kesennuma vốn chủ yếu chỉ là nơi canh tác lúa gạo?

Theo một số nguồn tin tại địa phương, khu vực đã được chọn để xây đập bởi khá nhiều quan chức địa phương đã bán lại đất cho chính quyền trung ương ở mức giá rất cao.

Ước tính có đến 2,5 tỷ yên đã được chính phủ chi ra cho tiền đền bù những khoảnh đất mà nếu không có dự án xây dựng đập thì cũng là đất bỏ hoang.

Chi phí xây dựng 5km đập ban đầu được ước tính ở mức 23 tỷ yên nhưng nay đã lên mức 36 tỷ yên. Đây chỉ là một phần trong đại dự án xây dựng đập chắn sóng thần trải dài 400km ở tỉnh Miyagi và Fukushima với tổng số tiền đầu tư lên đến 1 nghìn tỷ yên.

Và đây không phải là dự án duy nhất bị đánh giá là lãng phí. Trong quá trình xây dựng lại những khu vực bị tàn phá nặng nề bởi sóng thần và động đất, còn rất nhiều dự án khác bị đánh giá là vô dụng.

Nó chỉ làm lợi cho một số công ty xây dựng triển khai dự án và một số cá nhân có đất được thu hồi.

Cho đến nay, trong đại dự án trên, mới chỉ có khoảng 17% công việc được hoàn thành. Còn đến 80% dự án được triển khai và đúng ra nó có thể được rà soát lại để bớt đi một số những hạng mục lãng phí.

Thế nhưng xem chừng chưa có quan chức chính phủ hay tỉnh nào của Nhật đề cập đến việc sẽ ngưng thực hiện một dự án nào đó.

Một dự án khác cũng được coi là lãng phí chính là chương trình tái định cư dành cho nạn nhân động dất sóng thần hiện đang được thực hiện tại tỉnh Miyagi.

Khu dân cư mới xây dựng dọc triền đồi với 450 căn nhà cho 450 hộ dân đã được bắt đầu triển khai với chi phí khoảng 40 tỷ yên, tính ra đến gần 100 triệu yên/căn nhà, một con số thực sự đã bị thổi phồng kinh khủng.

Chính quyền tỉnh Miyagi trong khi đó cũng đang xây dựng 15 nghìn căn nhà trong một dự án kéo dài 7 năm với tổng tiền đầu tư 180 tỷ yên. Tính đến cuối năm ngoái, khoảng 7.500 căn nhà đã hoàn thành. Thế nhưng cho đến giờ các căn nhà phần lớn vẫn trống không.

Vì nhiều lý do trong đó lớn nhất là vị trí của những căn nhà trên quá xa xôi, bất tiện, rất nhiều trong số khoảng 200 nghìn người Nhật là nạn nhân của động đất hiện đang sống trong các căn nhà tạm từ chối vào sống ở đây.

Chính vì thế người ta không khỏi đặt câu hỏi chính phủ Nhật tiếp tục thực hiện các dự án trên để làm gì?

Ước tính sẽ có đến 3,5 nghìn tỷ yên sẽ được rót vào những khu vực chịu tác động nặng nề bởi động đất sóng thần để xây đê chắn sóng hoặc chuyển người dân lên sống ở những khu vực có địa hình cao hơn.

Thế nhưng kết quả của những kế hoạch tiêu tốn tiền của là rất nhiều đê chắn sóng được xây dựng ở những khu vực được đánh giá có rất ít khả năng bị sóng thần và những khu nhà được xây dựng ở mà rất ít người dân chấp nhận đến sống.

Một lĩnh vực khác cũng đang tiêu tốn tiền chính là xây dựng đường. Rất nhiều dự án đã phải chờ rất lâu không được phê duyệt thì từ sau năm 2011 nó lại được chấp thuận.

Ví dụ tiêu biểu có thể kể đến là con đường dài 100km nối thành phố Morioka và thành phố biển Miyako ở tỉnh Iwate. Suốt 20 năm trước năm 2011, dự án không được cấp phép, thảm họa năm 2011 dù đau thương nhưng đã mang đến cho tỉnh con đường này.

Ngoài ra, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật cũng đang tiếp tục vận động chính phủ thực thi nhiều dự án khác nữa, ví như xây dựng lại đường cao tốc nối tỉnh Miyagi và tỉnh Aomori.

Những dự án tái thiết vùng động đất sóng thần mang đến nhiều lợi ích cho các công ty trong lĩnh vực xây dựng và hạ tầng, kể cả quy mô lớn và nhỏ.

Ví như công ty Hashimototen đã tăng trưởng rất mạnh trong những năm sau thảm họa động đất để trở thành nhà thầu lớn thứ 2 ở tỉnh Miyagi nhờ mối quan hệ chặt chẽ với nghị sỹ Hạ viện Nhật, ông Akihiro Nishumura.

Ngoài ra, còn có nhiều nghi ngờ rằng công ty này cũng câu kết với Maruhon Gumi để cùng nhau tham gia vào dự án xây 2 hầm trị giá 2 tỷ yên.

Nhiều nhà thầu lớn của Nhật cũng bị nghi ngờ câu kết với nhau và với các chính trị gia để kiếm lợi. Một số cái tên có thể kể đến như Hazama, Maeda đều đã có hoạt động lâu năm ở vùng Tohoku.

Không ít báo chí đã đưa tin rằng bởi kiếm được quá nhiều tiền từ các dự án hạ tầng mà giám đốc của các nhà thầu phụ cho các công ty xây dựng lớn đã liên tiếp mua sắm xe ô tô sang để xài.

Nhiều người đặt câu hỏi vậy nguyên nhân gốc rễ của tất cả những sự hoang phí trên nằm ở đâu? Nó nằm ở chính chương trình tái thiết có quy mô lên đến 26 nghìn tỷ yên trong 5 năm mà chính phủ Nhật đã phê chuẩn.

Trong đó chính quyền các địa phương chỉ có trách nhiệm phân phối nguồn tài chính chứ không phải huy động tiền cho dự án tại địa phương mình.

Chính vì vậy mà theo phân tích của nhiều chuyên gia, khi họ không phải chịu trách nhiệm cho tình hình tài chính của dự án, việc phí phạm là khó tránh khỏi.

Năm ngoái, Cơ quan Tái thiết Nhật đã từng lên tiếng đề nghị các địa phương phải có trách nhiệm đối với các khoản đầu tư tại địa phương mình thế nhưng đề xuất ngay lập tức vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ nhiều phía. Họ khẳng định cơ quan đang cố tình bắt nạt các nạn nhân của vụ sóng thần.

Ngay chính cả nội bộ chính quyền các tỉnh bị chịu tác động nặng nề nhất từ động đất sóng thần cũng lo ngại về khả năng tiền của chính phủ sẽ bị hoang phí. 3 tỉnh bị tác động nặng nề nhất do thảm họa động đất sóng thần bao gồm Fukushima, Miyagi và Iwate.

Thảm họa đã qua được 5 năm, trong khi nhiều nạn nhân vẫn còn chật vật với cuộc sống thì sự hoang phí vẫn tiếp diễn, ở mức độ cao hơn rất nhiều và người dân chẳng có cách nào phản đối.

Theo Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM