Chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh của TSC có những gì?
Chúng tôi vừa thực hiện chuyến thăm Cty Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) với điểm đến chính là nhà máy West Food, công ty con hoạt động trong mảng chế biến trái cây xuất khẩu của TSC.
Năm ngoái, Công ty Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC) trở thành một trong những công ty đáng chú ý nhất trên sàn chứng khoán sau nhiều năm niêm yết trên HOSE.
Công ty đã đạt lợi nhuận hơn 60 tỷ đồng sau hai năm lỗ liên tiếp, giá cổ phiếu TSC cũng đã tăng gấp 4 lần trong năm 2014 và tiếp tục tăng thêm 27% chỉ trong 2 tuần đầu tháng 1/2015.
Cũng trong vòng một năm qua, vốn điều lệ của công ty đã tăng từ mức 83 tỷ lên 738 tỷ đồng. Dấu ấn của quá trình này là TSC trở thành công ty con của FIT Investment, một nhà đầu tư mới trong lĩnh vực nông nghiệp và dược phẩm.
Để tìm hiểu về hoạt động sản xuất của TSC, chúng tôi đã thực hiện chuyến thăm doanh nghiệp với điểm đến chính là nhà máy West Food, một trong 3 công ty con của TSC hoạt động trong mảng chế biến trái cây xuất khẩu.
Dưới đây là các ghi nhận sau cuộc gặp với bà Lê Kim Loan, Giám đốc West Food:
• Nhà máy hiện vận hành 2 dây chuyển chế biến trái cây đóng hộp và 4 dây chuyển cấp đông (IQF). Một dây chuyển IQF nữa sẽ được đưa vào hoạt động trong tháng 7 nâng gấp đôi công suất hiện tại để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng đang vượt khả năng cung cấp.
• Khoảng 90% sản phẩm của West Food được xuất khẩu. Sản phẩm của công ty đáp ứng được các chứng chỉ chất lượng khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
• West Food có lợi thế lớn nhờ nằm giữa vựa trái cây lớn nhất cả nước. Ngoài việc thu mua từ nông dân, công ty cũng tổ chức các vùng nguyên liệu đối với các loại trái cây đặc thù đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật trồng và chăm sóc cao, thông qua hợp tác với các Hợp tác xã của nông dân.
• Khoảng 700 công nhân đang làm việc tại nhà máy với công suất gần như tối đa. Cuối năm ngoái, sau khi đầu tư kho lạnh 1.000 tấn, gần như toàn bộ không gian hơn 30.000 m2 của nhà máy đã được sử dụng vào mục đích sản xuất.
• West Food đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2015 lên 330 tỷ đồng sau khi đã đạt 188 tỷ đồng vào năm ngoái. Động lực chính là việc đưa vào vận hành hệ thống máy móc mới và mở rộng dây chuyền sản xuất.
• Triển vọng mở rộng của West Food ngoài việc nâng cao công suất đóng hộp và đông lạnh hiện tại là sản xuất các loại thực phẩm, nước uống được chế xuất hoàn toàn từ rau quả. Ngoài xuất khẩu, các sản phẩm sẽ hướng đến thị trường trong nước, được đánh giá là đầy tiềm năng dựa trên nhu cầu tiêu thụ của hơn 90 triệu dân.
Trên thực tế, công ty đang xúc tiến kế hoạch đầu tư một tổ hợp chế biến thực phẩm rộng 15ha tại Hậu Giang nhằm nâng công suất lên gấp 3 lần hiện tại. West Food kỳ vọng có thể đạt mức doanh thu nghìn tỷ sau khi tổ hợp này hoàn thành và đi vào khai thác.
• Bà Loan cho biết, sau 20 gắn bó với mảng kinh doanh này, đây là thời điểm công ty đón nhận thành quả nhờ vào sự kiên trì (không tham gia vào trào lưu chế biến thủy sản) và xây dựng uy tín với nông dân, nhà cung cấp, khách hàng…
Đặc biệt sau khi trở thành thành viên của FIT, West Food đã đầu tư mạnh mẽ hơn vào năng lực sản xuất (kho lạnh, dây chuyền) và cải thiện lớn về năng lực tổ chức, quản lý, bán hàng, xây dựng hình ảnh và thương hiệu sản phẩm. Mục tiêu của West Food là trở thành công ty sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống từ hoa quả dẫn đầu đồng thời xây dựng hình ảnh tin cậy của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.
Kết quả kinh doanh của West Food. Đơn vị: Tỷ đồng.
Cũng trong chuyến thăm, chúng tôi cũng đã trao đổi với ông Phan Minh Sáng, CEO của TSC về hai mảng kinh doanh còn lại của công ty này là hạt giống và nông dược.
• Hạt giống là mảng kinh doanh mới đang được công ty triển khai rất mạnh mẽ. Đây là bước tiếp theo của TSC trong chiến lược xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh với mục tiêu là cung cấp giải pháp toàn diện phát triển nông nghiệp từ giống, phân bón, nông dược đến chế biến nông sản và tiêu thụ thực phẩm nông nghiệp.
• Để hiện thực hóa, TSC đã đạt được thỏa thuận phân phối hạt giống độc quyền cho Advanta và Pioneer - những tập đoàn nông nghiệp lớn trên thế giới. Ngay trong năm nay, mảng này được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu 120 tỷ và lãi gộp 36 tỷ cho TSC.
• Đối với mảng kinh doanh truyền thống là nông dược (thuốc bảo vệ thực vật): Công ty Nông dược của TSC đang sở hữu nhà máy lớn nhất khu vực ĐBSCL nhưng thị phần của công ty vẫn chưa tương xứng với quy mô thị trường được ước tính khoảng 15.000 tỷ đồng.
• Trong mảng này, các công ty dẫn đầu có doanh thu lớn là BVTV An Giang, công ty Khử trùng Việt Nam, BVTV Sài Gòn hay Nông dược HAI... Để nâng cao năng lực cạnh tranh, TSC có kế hoạch tăng vốn tại công ty con của mảng nông dược lên 500 tỷ (từ 180 tỷ hiện nay).