Chủ tịch VFF lên tiếng vụ “lừa” Nhà nước hơn 100 tỷ

22/10/2013 11:32 AM |

Lách luật bằng cách đổi tên để có thêm tiền đầu tư từ Nhà nước và FIFA

Nội dung nổi bật:

- Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF được đầu tư xây dựng với gần 140 tỷ đồng, ngân sách chiếm 80-85%, còn lại do VFF và nguồn hỗ trợ từ FIFA. Tuy nhiên nhưng suốt 6 năm qua những gì trung tâm làm được gần như không có.

- Chủ tịch VFF thừa nhận "lách luật" đáng lẽ trung tâm có tên là Trung tâm Tập huấn bóng đá quốc gia nhằm giúp các đội tuyển quốc gia có nơi ăn tập chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế nhưng để có thêm tiền đầu tư từ Nhà nước và FIFA, VFF đã đặt tên là Trung tâm đào tạo trẻ.


Những ngày qua, báo chí và dư luận liên tiếp lên tiếng về việc trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF đã hoạt động sai mục đích, thậm chí là đã “lừa” tiền của Nhà nước, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí lớn. Xung quanh vấn đề này, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã lên tiếng để rộng đường dư luận.

Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF được đầu tư xây dựng với tổng gần 140 tỷ đồng, ngân sách chiếm 80-85%, còn lại do VFF và nguồn hỗ trợ từ FIFA. Với diện tích xấp xỉ 7,2 héc ta, Trung tâm bao gồm 4 sân bóng đá 11 người (3 sân cỏ tự nhiên và 1 sân cỏ nhân tạo). Ngoài ra còn có khu nhà đa năng, phòng tập thể lực, 4 sân tennis, 2 khu nhà nghỉ VĐV, khu văn phòng làm việc và khu bể bơi, massage hồi phục chức năng VĐV…

Trung tâm có mục tiêu vận hành một cách chuyên nghiệp, là nơi tập huấn các đội tuyển trẻ quốc gia hằng năm trước các giải thi đấu quốc tế; Đào tạo VĐV năng khiếu bóng đá quốc gia; Bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, HLV làm công tác phát triển bóng đá trẻ của cả nước.

Chủ tịch, VFF, Nguyễn Trọng Hỷ, ĐTVN, tỷ đồng
Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định không có gì khuất tất

Cơ sở vật chất và tiêu chí hoạt động như vậy, nhưng suốt 6 năm qua những gì trung tâm làm được gần như không có. Trong khi, cũng 6 năm ấy, Học viện HA Gia Lai sau khi ra đời, đã có một lứa cầu thủ U19 đầy tiềm năng, thậm chí còn đang được kỳ vọng là tương lai của bóng đá nước nhà. Chính điều này đã gây ra phản ứng trong dư luận, đòi hỏi VFF phải có câu trả lời rõ ràng.

Trước những thông tin trên báo chí những ngày qua, Chủ tịch VFF đã lên tiếng. Theo ông Hỷ, ngay từ khi mới thành lập năm 2007, trung tâm đáng lẽ có tên là Trung tâm Tập huấn bóng đá quốc gia nhằm giúp các đội tuyển quốc gia có nơi ăn tập chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế. Tuy nhiên, để có thêm tiền đầu tư từ Nhà nước và FIFA, VFF đã đặt tên là Trung tâm đào tạo trẻ. Trong khoảng thời gian đó đến nay Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF mới chỉ trong giai đoạn hoàn thiện, nên tại đây chỉ phục vụ việc tập huấn các đội tuyển trước khi lên đường làm nhiệm vụ.

Cũng theo ông Hỷ, trung tâm ngoài nhiệm vụ tập huấn cho các đội tuyển trẻ trước khi lên đường làm nhiệm vụ, thì theo sự chỉ đạo của Tổng cục TDTT, VFF được phép thành lập đào tạo lứa cầu thủ U16 với mục tiêu hỗ trợ các CLB để chuẩn bị cho Asiad Hà Nội 2019. Đó là lý do, cách đây 6 tháng, VFF đã xin được kinh phí để phục vụ cho việc đào tạo cho bóng đá nữ và nam chuẩn bị cho kỳ Asiad Hà Nội 2019 (khoảng 8 tỷ mỗi năm). Theo kế hoạch, từ nay cho đến Asiad 2019, VFF chỉ tập trung đào tạo lứa U16 nam và U19 nữ, chứ không tuyển chọn thêm các lứa kế cận.

Về sự hiệu quả trong hoạt động của trung tâm, nhiều ý kiến cho rằng VFF đã thua xa Học viện HAGL của bầu Đức. Về vấn đề này, ông Hỷ nói:“Chúng ta không nên so sánh với Học viện bóng đá HAGL, ở đây cần phải hiểu mô hình của chúng tôi sẽ tương đương với các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ như Viettel, Nam Định, Thanh Hóa, SHB.Đà Nẵng…

Mục tiêu của chúng tôi cũng không phải mở những buổi tuyển chọn từ các lứa tuổi trẻ U10 đến U15, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF sẽ lấy cầu thủ từ 16 tuổi đã được đào tạo bài bản tại các CLB. VFF cũng sẽ không lấy thành tích cho riêng mình, khi các cầu thủ trẻ sẽ được trả về địa phương khi có giải”.

Chủ tịch, VFF, Nguyễn Trọng Hỷ, ĐTVN, tỷ đồng
Chỉ có 2 đội tuyển đang được đào tạo tại trung tâm

Nhiều chuyên gia cho rằng: Các lớp ở Trung tâm cần bắt đầu từ những lứa tuổi ít hơn như 11, 12, 13 thì dễ uốn nắn kỹ thuật cơ bản hơn. Quan trọng là trọng tâm sẽ phải xây dựng những lộ trình cụ thể, kết hợp đào tạo chuyên môn lẫn học văn hóa. Nhưng không như Học viện HAGL, cách tuyển chọn và đào tạo của Trung tâm lại theo kiểu "hái ngọn”. Tức là, Trung tâm đề nghị các CLB gửi các cầu thủ tốt nhất của mình ở lứa U16 để huấn luyện tập trung sau khi thành tài sẽ lại về phục vụ cho CLB.

Tất nhiên, chẳng ai dại gì lại gửi những cầu thủ tài năng của mình cho VFF. Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá SL Nghệ An khẳng định: SL Nghệ An sẽ không bao giờ gửi quân lên Trung tâm, bởi các em đã tập bóng đá lâu rồi nên sửa về chuyên môn sẽ khó.

Về vấn đề này, ông Hỷ đưa ra quan điểm: “Không nhất thiết phải đưa về VFF những cầu thủ tốt nhất, ai có điều kiện thì đưa lên. Hơn nữa, trung tâm không có đầy đủ cơ sở vật chất tốt nhất, nhưng đảm bảo việc học chuyên môn lẫn văn hóa cho các cầu thủ”.

Đáng quan tâm nhất với báo chí và dư luận những ngày qua, chính là việc ông Hỷ thừa nhận đã “lách luật” để có được sự đầu tư kinh phí của Nhà nước cũng như từ FIFA, với tổng số tiền khoảng 140 tỷ đồng.

Ông Hỷ lên tiếng: “VFF không phải là đơn vị trực tiếp cầm tiền, mọi hoạt động đều phải được thông qua Tổng cục TDTT. Số tiền 140 tỷ đồng mà Chính phủ đồng ý đầu tư, từ năm 2007 đến nay chúng tôi chỉ sử dụng vào mục đích xây dựng cơ sở vật chất, đó là những khoản chi cho việc, giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai. Hơn nữa, hiện tại số tiền trên vẫn chưa được giải ngân hoàn toàn, còn một số hạng mục vẫn đang triển khai. Còn về số tiền hỗ trợ của FIFA, họ luôn cử người sang kiểm tra, nên phát hiện sai phạm hay không đúng mục đích ngay lập tức họ sẽ cắt tiền viện trợ”.

Cuối cùng, ông Hỷ khẳng định VFF không làm điều gì khuất tất, trung tâm vẫn hoạt động đúng tiêu chí, không sai mục đích.

Xem thêm:  “Tôi sẽ không làm một chủ tịch VFF tàng tàng”

Theo Song Ngư

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM