Châu Á có thể rơi vào tình trạng căng thẳng tín dụng sau khi Fed nâng lãi suất
USD tăng giá sau khi Fed nâng lãi suất sẽ khiến các doanh nghiệp châu Á gặp nhiều khó khăn.
Giới phân tích cho rằng vì chi phí đi vay tăng lên sau khi Fed nâng lãi suất lần đầu tiên trong 9 năm, châu Á có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tín dụng trong tương lai. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tính đến cuối quý II, lượng tín dụng bằng USD cấp cho các tổ chức phi ngân hàng ở bên ngoài nước Mỹ đã lên tới 9.800 tỷ USD, trong đó các thị trường mới nổi đã chiếm tới 3.300 tỷ USD. Ở một vài thị trường mới nổi lớn, số nợ bằng USD cấp cho người đi vay không phải là ngân hàng đã tăng gấp đôi so với quý I/2009.
Thời gian vừa qua, USD đã tăng giá mạnh so với nhiều đồng tiền mới nổi. Sau quyết định hôm qua của Fed, đồng bạc xanh được dự báo sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Andrew Tilton, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Goldman Sachs, lưu ý rằng nhiều nền kinh tế châu Á đang có gánh nặng nợ tăng cao.
“Nhiều nước châu Á có nhiều nợ hơn so với người ta vẫn nghĩ, nếu dựa trên thước đo thu nhập bình quân đầu người. Một số trường hợp đáng lưu ý là Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng sau thời kỳ nợ tăng quá nhanh sẽ là giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm lại”, Tilton nói.
Các khoản nợ bằng USD luôn là một mối lo ngại của các thị trường mới nổi vì USD tăng giá sẽ khiến việc trả nợ khó khăn hơn.
Theo Tilton, nếu nguồn cung USD bị thắt chặt, các doanh nghiệp ở thị trường mới nổi sẽ phải quay lại tìm vốn ở thị trường nội địa. Do đó nếu thị trường nội địa không đủ mạnh, chi phí sẽ nhanh chóng tăng cao. Đó là một rủi ro có thể thấy được ngay trước mắt”.
Tuy nhiên, chuyên gia này vẫn khẳng định rằng một cuộc khủng hoảng như giai đoạn cuối những năm 1990 sẽ không lặp lại ở châu Á vì lần này người đi vay chủ yếu là các công ty phi tài chính.
“Với một công ty phi tài chính, họ có thể chống đỡ các cú sốc bằng cách giảm bớt chỉ tiêu lợi nhuận hay cắt giảm chi phí trước khi đi đến lựa chọn cuối cùng là phá sản. Điều này hoàn toàn khác so với một ngân hàng”.
Trong khi đó Rob Subbaraman – chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Nomura – cho rằng đây chính là “gót chân Achilles” của châu Á. “Châu Á có mức độ mất cân bằng tài chính cao gấp 4 lần so với các thị trường mới nổi khác. Thanh khoản trên thị trường có thể nhanh chóng cạn kiệt".
Những nhận định này đã được phản ánh trong lựa chọn đầu tư của Nomura cho năm 2016. Đối với các cổ phiếu châu Á, Nomura tập trung vào những công ty có tiền mặt dồi dào để đề phòng trường hợp căng thẳng tín dụng.