FED nâng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước nói gì?

17/12/2015 12:45 PM |

Đại diện NHNN cho biết, thị trường trong mấy ngày gần đây có chút biến động là do tâm lý, còn mối quan ngại Fed nâng lãi suất đã được phản ánh trong diễn biến tỷ giá từ trước. Với NDT, phó Thống đốc cho rằng Trung Quốc sẽ không để NDT giảm mạnh nữa...

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết bức tranh tiền tệ cuối năm 2011 và bây giờ đã có sự khác hẳn. Năm 2011, GDP tăng 6,2%, lạm phát 18,13% thì năm 2015, GDP đạt trên 6,5% và lạm phát ở mức thấp trong khi nhu cầu trong nước về tiêu dùng và đầu tư tăng lên. Đó là bức tranh sáng sủa về chính sách vĩ mô.

Về hoạt động tiền tệ và ngân hàng, lãi suất năm 2011 từ 20—25%, còn đến nay lãi suất ngắn hạn vào khoảng 6-9%, lãi suất trung và dài hạn 9-11%, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bức tranh tín dụng tăng cao trên 30%, tích tụ nợ xấu, tín dụng được kiểm soát phù hợp với tăng trưởng kinh tế, tập trung sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ giá thường xuyên biến động, vàng lên cơn sốt đến nay đã ổn định thị trường vàng, chống được vàng hóa và ổn định thị trường ngoại tệ là những thành công quan trọng của ngành ngân hàng.

Hoạt động hệ thống ngân hàng năm 2011 đứng trước nguy cơ đổ vỡ hiện hữu tuy nhiên đến nay đã duy trì ổn định, thanh khoản tốt.

Bà Hồng cho biết những năm trước đây, giáp Tết, NHNN rất vất vả vì căng thẳng thanh khoản. Gần đây, NHNN không cần tái cấp vốn cho thị trường, chứng tỏ thanh khoản các ngân hàng rất tốt…

Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh phương châm của cơ quan điều hành xuyên suốt thời gian qua và sắp tới là kết hợp tỷ giá và lãi suất nâng cao lợi tức nắm giữ của VND, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tìm ra giải pháp điều hành tốt, tiến hành thanh tra giám sát chặt.

Lý giải vấn đề tỷ giá tăng lên kịch trần mấy ngày vừa qua, bà Hồng cho biết đây chủ yếu do yếu tố tâm lý trước kỳ họp của FED và giảm giá của đồng NDT.

“Cung cầu qua theo dõi trên thị trường vẫn diễn ra bình thường, mặc dù tăng kịch trần nhưng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp không có gì đột biến. Chỉ có sáng nay, sau khi FED đầu giờ, thị trường có vẻ cũng tăng lên nhưng giờ đã giảm, giao dịch mua bán lại diễn ra bình thường”, Phó Thống đốc cho biết.

Ngoài ra, trong tháng 10 và tháng 11 có xuất siêu, dòng vốn tiếp tục vào Việt Nam, kiều hối tăng mạnh đã hỗ trợ tích cực thị trường.

Về việc FED nâng lãi suất tác động thế nào đến Việt Nam, bà Hồng chỉ ra thực tế quan ngại về FED gần như đã được bao gồm trong diễn biến tăng tỷ giá từ cuối năm 2014 và đầu 2015, rõ ràng thị trường đã kỳ vọng điều này rồi.

Tại Việt Nam hiện nay, dòng vốn ngắn hạn chiếm thị phần ít, còn lại chủ yếu là dòng vốn trung dài hạn vì thế nhìn chung tác động thực sự của FED không phải là ngay lập tức mà sẽ tác động từ từ.

Đối với việc đồng NDT liên tục giảm giá, đó là phản ứng khi FED chuẩn bị họp. Theo bà, Trung Quốc cũng không để NDT giảm mạnh nữa. Ngày 1/12, Thống đốc NHTW Trung Quốc có phát biểu rằng không có lý do gì để NDT giảm mạnh nữa.

“Thị trường trong mấy ngày gần đây có chút biến động là do tâm lý, sắp tới NHNN sẽ tiếp tục theo dõi và thực hiện các biện pháp cần thiết”, bà Hồng nhấn mạnh lần nữa.

Về việc sắp tới Việt Nam tham gia AEC, TPP sẽ tác động như đến nào đến ngành ngân hàng, bà Hồng cho biết hệ thống ngân hàng là ngành dịch vụ trong nền kinh tế, vì thế sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, mở rộng dịch vụ tài chính phục vụ nền kinh tế và thực hiện cam kết trong các hiệp định đã ký kết.

Theo Kim Tiền

Cùng chuyên mục
XEM