Cắt điện nhiều nơi, Bộ Công thương vẫn khẳng định không thiếu điện mùa nắng nóng
“Nếu cân đối giữa công suất nguồn cũng như nhu cầu điện, có thể khẳng định trong mùa nắng nóng không có nguy cơ thiếu điện, cũng như nguy cơ cắt điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người tiêu dùng” – Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.
Nội dung nổi bật:
- Hiện công suất điện khả dụng cung cấp ở mức 29.500 – 30.000 MW, trong khi đó, ngày nắng nóng nhất công suất cung cấp tối đa chỉ trên 25.000 MW, tức còn dư lượng hơn 4.000 MW.
- Với hiện tượng mất điện ở Hà Nội trong thời gian qua, Cục phó Cục điều tiết Điện lực lý giải là do một số lưới điện bị quá tải dẫn đến mất điện ở một số thời điểm, một số khu vực.
- Với phản ánh chất lượng điện yếu tới mức không đủ chạy quạt ở Bình Định, Cục cho rằng do xảy ra tình trạng quá tải cục bộ tại một số khu vực, một số thời điểm, và sẽ yêu cầu kiểm tra, rà soát lại
“Với tình hình cung cấp điện, hiện nguồn điện của chúng ta đủ để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện”, Cục phó Cục điều tiết Điện lực Phúc cho biết tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công thương chiều 1/6. Cụ thể:
- Tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện: khoảng 35.500 MW
- Công suất khả dụng: 29.500 – 30.000 MW
- Công suất tối đa cung cấp được trong thời gian vừa qua: 25.193 MW (vào ngày 28/5 – ngày nắng nóng đỉnh điểm)
“Với mức công suất cao nhất ghi nhận như trên, chúng ta còn lượng dự phòng còn khoảng 4.000 MW”, ông Phúc cho biết.
Về phương thức huy động điện, đối với các nhà máy nhiệt điện (gồm cả nhiệt điện than, nhiệt điện khí), Cục huy động mức phát điện cao.
Đối với nhà máy thủy điện, việc khai thác sẽ theo biểu đồ đã được định sẵn trên cơ sở phải giữ mực nước đảm bảo từ giờ đến cuối tháng 6. Đặc biệt, các hồ thủy điện miền Trung trong tháng 5 gần như chỉ phát điện theo yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh nhằm phục vụ cho vụ lúa hè thu, cho sinh hoạt và tưới tiêu của địa phương.
Trong tháng 6, nếu lượng nước về không lớn thì việc khai thác vẫn theo biểu đồ. Còn lượng nước về lớn sẽ tăng phát điện của thủy điện.
Với hiện tượng mất điện ở Hà Nội trong thời gian qua, ông Phúc lý giải là do một số lưới điện bị quá tải dẫn đến mất điện ở một số thời điểm, một số khu vực.
“Trong thời gian vừa rồi, do thời tiết nắng nóng, dẫn đến tình trạng sử dụng điện vào tháng 5 tăng 13,5% so với cùng kỳ 2014, trung bình sử dụng điện trong ngày tháng 5 so với tháng 4 cao hơn 8%.
“Với khu vực miền Bắc, tháng 5 nắng lên rất cao, lượng điện sử dụng tăng tới 17%. Riêng Hà Nội, bình quân sử dụng/ngày tăng 28% so với tháng 4. Thời tiết nóng hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày nắng nóng nhất, công suất tiêu thụ cao hơn 20% so với cùng kỳ”, ông Phúc nói.
Lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cho biết, trong thời gian vừa rồi, Cục có yêu cầu nắng nóng trên 36 độ C, cần dừng công tác sửa chữa để đảm bảo cung cấp điện do sinh hoạt.
Ông Phúc cũng kêu gọi người dân sử dụng điện tiết kiệm nhằm giảm bớt hiện tượng quá tải điện ở các khu vực.
Với phản ánh chất lượng điện ở các địa phương rất yếu, đặc biệt ở Bình Định, điện yếu tới mức không đủ chạy quạt, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cho biết có thể do xảy ra tình trạng quá tải cục bộ tại một số khu vực, một số thời điểm.
“Có thể sự việc này xảy ra ở một số địa phương nào đó, còn cụ thể ở chỗ nào ở Bình Định thì chúng tôi chưa biết, sẽ yêu cầu kiểm tra, rà soát lại. Tôi vẫn nghĩ dấy là do tình trạng quá tải cục bộ”, ông Phúc nói.