Cần trên 4.000 tỷ để hấp thụ hết các đợt IPO trong tháng 12
Tháng 12 chứng kiến một loạt doanh nghiệp lớn IPO, gồm có Tổng Công ty Cảng hàng không, Tổng Công ty Sonadezi, Hà Nội Railways...
Trong tháng cuối cùng của năm 2015, gần 20 doanh nghiệp lớn nhỏ sẽ tổ chức chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng thông qua 2 sở Giao dịch Chứng khoán. Tổng giá trị huy động dự kiến của các đợt IPO này lên đến đến trên 4.000 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp lớn đồng loạt IPO
Đợt IPO đáng chú ý nhất thuộc về Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – đơn vị đang độc quyền khai thác tất cả các sân bay dân dụng tại Việt Nam.
ACV sẽ tiến hành đấu giá 77,8 triệu cổ phiếu vào ngày 10/12 với giá khởi điểm 11.800 đồng – tương ứng giá trị huy động dự kiến 918 tỷ đồng.
Thông tin từ HoSE cho thấy có 306 nhà đầu tư đã đăng ký tham gia đấu giá, với tổng lượng đặt mua lên đến 114 triệu cổ phần – gấp rưỡi lượng đấu giá.
Đáng chú ý nhất là nhà đầu tư nước ngoài đặt mua gần 85 triệu cổ phần. Đây là đợt IPO hiếm hoi mà nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra hào hứng sau khi “án binh bất động” trong suốt cả năm 2015.
Với lượng đặt mua như trên thì đợt IPO của ACV chắc chắn sẽ bán được 100%.
Một đợt IPO và đấu giá cổ phần lớn trong tháng 12/2015
Xét về giá trị dự kiến huy động, đợt IPO của ACV chỉ đứng thứ 2 sau đợt IPO của Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp – Sonadezi. Sonadezi chào bán ra công chúng 131 triệu cổ phần với giá khởi điểm 10.200 đồng – tương đương 34,9% vốn điều lệ dự kiến.
Sonadezi là cùng với Kinh Bắc City, Becamex, VSIP, Idico là những đơn vị phát triển khu công nghiệp lớn nhất tại Việt Nam. Hiện Sonadezi và các đơn vị thành viên đang vận hành hơn 10 khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh 2 tổng công ty trên, trong tháng 12 còn có các đợt IPO đáng chú ý của Công ty Du lịch Phú Thọ, M&C Bình Dương, Hà Nội Railways, Sài Gòn Railways, Mía đường Tây Ninh (Tanisugar)…
Công ty Du lịch Phú Thọ- đơn vị quản lý Công viên Đầm Sen – sẽ chào bán công khai 25,5% cổ phần và chào bán 23,8% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Hai đơn vị chủ chốt của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam – Sài Gòn Railway và Hà Nội Railways lần lượt IPO vào các ngày 7/12 và 10/12. Hai đơn vị này quản lý hầu hết các ga đường sắt lớn trên cả nước cũng như trực tiếp khai thác các tuyến vận tải đường sắt quan trọng.
Đợt IPO của Mía đường Tây Ninh (Tanisugar) được chú ý với sự xuất hiện của Tập đoàn Thành Thành Công trong danh sách cổ đông chiến lược. Theo đó, Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) và Đường Biên Hòa (BHS) sẽ mua toàn bộ 41% cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược. Một lượng cổ phần tương đương được đấu giá công khai và nhà nước chỉ giữ lại 17% vốn điều lệ sau cổ phần hóa.
Bên cạnh các doanh nghiệp IPO, Bộ Giao thông vận tải cũng tiến hành đấu giá để thoái toàn bộ 92,9% cổ phần tại Cienco 6, tương ứng giá trị thoái vốn hơn 450 tỷ đồng. Năm ngoái, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thoái hết vốn nhà nước tại Cienco 1 và Cienco 4.
Nhiều đợt IPO bị “ế nặng”
Do các đợt IPO diễn ra liên tục nên không tránh khỏi việc có một số doanh nghiệp kém hấp dẫn nhà đầu tư.
Toàn bộ hơn 7,2 triệu cổ phần đấu giá của Sài Gòn Railways đã được mua hết trong khi phiên IPO của Hà Nội Railways lại khong được quan tâm khi chỉ có 247 nghìn cổ phần được đặt mua trên tổng lượng chào bán hơn 11,3 triệu cổ phần.
Công ty Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thái Nguyên – chủ đầu tư khu công nghiệp Sông Công – cũng ở trong tình cảnh tương tự khi nhà đầu tư chỉ đặt mua 80.500 cổ phần trên tổng lượng chào bán 15,9 triệu cổ phần.
Ở trong tình huống ngược lại, một số doanh nghiệp nhỏ lại tỏ ra rất hấp dẫn nhà đầu tư. Có 2 nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư đã đăng ký mua 100% lượng đấu giá của Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex).