IPO doanh nghiệp nhà nước: Đón "sóng M&A"

15/08/2015 14:44 PM |

Nới room sở hữu ngân hàng (NH) đang là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài nhất là khi làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) dự báo sẽ còn nhiều hấp dẫn trong thời gian tới.

Thời gian qua, cổ phiếu NH vẫn hấp dẫn NĐT nước ngoài, nhưng do chưa có sự rõ ràng về xử lý nợ xấu, tái cấu trúc, nên họ vẫn còn e ngại rót vốn. Đã có những quỹ lớn đầu tư vào cổ phiếu NH nhưng lại rút vốn như trường hợp Saigon Asset Management (SAM).

Theo giải thích của ông Louis Nguyễn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SAM: "Tình trạng ấy là do cổ phiếu NH lên xuống thất thường và chưa tăng trưởng ổn định, lợi nhuận cũng chưa bền vững ở giai đoạn tái cơ cấu, xử lý nợ xấu".

Đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, việc xử lý nợ xấu vẫn còn khó khăn nhất định, buộc NH gia tăng khoản dự phòng, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Song, cổ phiếu của các NH lớn của Việt Nam vẫn tăng bình quân 23% trong 3 tháng qua, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2013 và gấp đôi mức tăng của khu vực. Theo Bloomberg, cổ phiếu của các NH Việt Nam đang tăng nhanh nhất châu Á.

Niềm tin của các NĐT vào ngành NH đang tăng lên sau khi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua 123 nghìn tỷ đồng nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của ngành đã giảm từ 17% xuống 3,25% sau 2 năm tái cấu trúc.

Tại diễn đàn M&A vừa diễn ra mới đây, TS. Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng cho biết: "Cơ quan quản lý đang gấp rút để có văn bản hướng dẫn chi tiết về việc nới room cho khối ngoại và dự kiến ban hành trong tháng 8".

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết, sau hơn 3 năm đẩy mạnh tái cấu trúc ngành, đã giảm 12 tổ chức tín dụng yếu kém và lành mạnh hệ thống NH, thị trường vàng. NHNN đã chủ động xử lý những yếu kém trong hệ thống, kể cả áp dụng những biện pháp mạnh.

Chẳng hạn, những NH thua lỗ đã phải bán lại với giá 0 đồng (VNCB, OceanBank, Gbank) và tái cơ cấu theo chỉ định của NHNN. Sau quá trình tái cơ cấu, năng lực tài chính của các NHTM dần được cải thiện và nợ xấu từng bước được xử lý. Nợ xấu của hệ thống sẽ được kiểm soát dưới 3% vào cuối năm nay.

Cũng theo Phó thống đốc, NHNN sẽ kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và đẩy mạnh cải thiện hệ thống như: tăng năng lực tài chính, xử lý nợ xấu, sáp nhập, hợp nhất giữa các tổ chức tín dụng, tạo cơ hội cho các tập đoàn tài chính nước ngoài trong việc góp cổ phần.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (IPO - DNNN) cũng là chủ đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo ông Nhữ Đình Hòa - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS), hiện còn khoảng 380 DNNN sẽ phải IPO.

Trong số này có nhiều hàng hóa tốt như Tổng công ty Viễn thông (MobiFone), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Xi măng...

Tuy nhiên, theo ông Hòa, tiến trình IPO diễn ra vẫn còn chậm. Để thúc đẩy tiến độ nhanh hơn, ông Hòa kiến nghị thay đổi vài quy định trong IPO để phù hợp với tình hình thực tế.

Chẳng hạn, việc chuyển đổi từ một DNNN thành công ty cổ phần phải thực hiện trong 3 tháng là rất ngắn, không dễ thực hiện với đa số DN. Do đó, nên chia quá trình này thành hai giai đoạn: chuyển thành công ty cổ phần trước, sau khi tìm được nhà đầu tư chiến lược rồi thì IPO.

Để thúc đẩy quá trình IPO diễn ra nhanh và hiệu quả hơn, ông Hòa cho rằng, cần tăng tỷ lệ bán ra cho NĐT. Cũng phải nhìn nhận rằng, quá trình IPO bị chậm còn một phần nguyên nhân nằm ở chính các DNNN.

Phần lớn các đơn vị này chưa chịu minh bạch, chưa có cơ chế công bố thông tin theo quy định. Theo khảo sát của BVS tại hơn 100 website DNNN, chỉ có khoảng 20% số DN làm theo quy định.

Về các vấn đề IPO khiến NĐT lo lắng, ông Tiến cho biết, đang có kiến nghị với Chính phủ để cải thiện. Chẳng hạn, sắp tới, DNNN sau khi chuyển thành công ty cổ phần sẽ được niêm yết lên sàn Upcom trước.

Sau một thời gian quen với kỷ luật thị trường và bán hết vốn, DN sẽ tiến hành IPO và tiến tới niêm yết. Sau khi IPO, DN sẽ được giám sát tài chính chặt chẽ, các thông tin được công bố rộng rãi để nhà đầu tư đánh giá hiệu quả.

Công tác chuẩn bị bán đấu giá cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. DNNN phải rà soát các phương án cổ phần hóa để tìm phương án phù hợp, sau đó mới tính đến giá trị DN.

IPO gắn liền với tái cơ cấu tài chính, giúp DN rũ bỏ hết các khó khăn về tài chính. Quá trình này giúp đưa doanh nghiệp về giá trị thực và có diện mạo mới.

Theo Ý NHI - N.DƯƠNG

Cùng chuyên mục
XEM