Bỗng nhiên bị giam hàng vì bộ, ngành không hiểu nhau

08/03/2016 08:25 AM |

Muốn cải cách thủ tục hành chính hải quan, thuế thì quan trọng nhất là cải cách con người.

“Ngay trước khi đến hội nghị này, tôi đã phải liên hệ với một hợp tác xã (HTX) ở Ý để hỏi họ về sự cố một lô hàng xuất khẩu của Việt Nam bị ách tắc”.

Ông Nguyễn Hải Giang, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Liên minh HTX Việt Nam, kể tại hội nghị sơ kết chương trình giám sát trong lĩnh vực thuế và hải quan do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 7-3.

Bỗng nhiên hàng bị giam

Theo ông Giang, một năm trước, ông tháp tùng Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân sang Ý và Đức để tìm hiểu, nghiên cứu về HTX. Tại đây ông đã ký kết với một HTX ở Bologna (Ý) hợp đồng xuất khẩu dài hạn.

Sau khi trở về, Liên minh HTX Việt Nam đã giúp một HTX ở Bắc Ninh thực hiện hợp đồng và xuất khẩu nhiều quần áo, giày dép… Công việc tiến hành rất thuận lợi cho đến cách đây vài ngày.

“HTX của chúng tôi đang xuất khẩu hàng với cách thức như cũ thì bỗng nhiên bị giam hàng ở Hải Phòng mất một tuần. Lý do hết sức đơn giản là trong lô hàng đó, ngoài xuất đi châu Âu còn xuất khẩu sang vài nước châu Á. Thế là thủ tục bị trục trặc” - ông Giang nói.

Lập tức HTX ở Ý gọi điện thoại trực tiếp cho ông Giang và nói: “Chúng tôi bị vướng mắc thủ tục nhưng không biết tại sao”. Rất may hôm đó ông Giang đang trên đường đến Tổng cục Hải quan, gặp được ông Trần Thành Tô, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh. “Sau đó chúng tôi gọi điện thoại cho cơ quan chức năng, rồi gọi đến Bộ Công Thương thì trong vòng 2-3 tiếng đồng hồ, mọi thủ tục được giải quyết ngay” - ông Giang thông tin.

Tìm hiểu thì được biết nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trên là do giữa hải quan và Bộ Công Thương không hiểu nhau nên không tiến hành các thủ tục cho hàng thông quan. “Như vậy, cần phải có sự phối hợp rõ ràng giữa hải quan và các bộ, ngành. Nếu làm được điều này thì doanh nghiệp (DN) sẽ ít gặp khó khăn hơn” - ông Giang kết luận.

Trường hợp trên không phải là cá biệt. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, nhận xét ở Việt Nam sự phối hợp liên ngành, liên cơ quan thường rất khó khăn. Ngành nào cũng có hệ thống quy định riêng của mình và ngành nào cũng hiểu theo cách của mình. Chính điều này làm khổ DN và người dân.

“Điều nghịch lý là ở chỗ các cơ quan nhà nước hay đề nghị DN phải kinh doanh theo chuỗi giá trị toàn cầu, phải liên kết theo chuỗi nhưng bản thân từng cơ quan nhà nước lại đang xác lập lãnh địa riêng của mình, mức độ liên kết đang rất kém” - ông Tuấn thẳng thắn.

Kiến thức không bằng chịu chi

Không ít DN nhận xét rằng quy định về thủ tục hải quan và thuế ở ta rất rủi ro, tạo ra quyền hành cho người thực thi rất lớn, đúng hay sai do họ quyết định. Thế nên có DN mà nhân viên có 10 năm kinh nghiệm đi khai thuế vẫn bị phán sai, bị trả về như thường. Thậm chí ngay cả DN nhờ chính cán bộ thuế đi khai nộp thuế cũng bị sai nốt.

“Cho nên DN ngậm ngùi nói rằng kỹ năng, kiến thức không phải là quan trọng nhất mà thiện cảm từ công chức nhà nước mới là quan trọng nhất. Mà muốn có thiện cảm đó thì phải có quan hệ tốt và chịu chi” - ông Tuấn nói.

Đối diện với những khó khăn và rủi ro thường xuyên xảy ra như vậy, DN phải tìm kiếm đến mối quan hệ cá nhân, làm quen với việc lo lót, chi trả khi làm thủ tục. Khảo sát DN về hải quan do VCCI tiến hành năm 2015 chỉ ra có đến 28% DN phải chi trả chi phí không chính thức thường xuyên.

Bộ trưởng quyết liệt thì mới cải cách được

Liên quan đến những vướng mắc cũng như sự phối hợp chưa tốt giữa hải quan, thuế và các cơ quan liên quan khác, ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho hay theo kết quả đo lường việc cải cách hành chính thì hải quan chỉ chiếm 28%, còn 70% các thủ tục các bộ, ngành khác. Điều này cho thấy nỗ lực cải cách hành chính không chỉ phụ thuộc vào hải quan.

“Do vậy, ngay trong việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia cũng phải thực hiện giám sát các bộ, ngành khác. Chúng tôi rất lo ngại vì việc này còn tùy thuộc vào các bộ trưởng tới đây. Kinh nghiệm của hải quan cho thấy khi gặp những bộ trưởng có chỉ đạo quyết liệt thì việc thực hiện cải cách rất tốt và ngược lại” - ông Bình nói.

Ông Bùi Anh Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho rằng cơ chế một cửa quốc gia là rất tốt. Nhưng các cán bộ thực hiện còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho DN.

“Các DN hay nói rằng đây là cửa khó nhất trong các cửa. Nó khiến các DN phải đi lại nhiều lần, mỗi lần mang đến thì lại bị cán bộ nói là hồ sơ chưa đủ thủ tục… Do vậy, tôi nghĩ cải cách quan trọng nhất vẫn là cải cách con người thực hiện những lĩnh vực này” - ông Quân kết luận.

Giám sát thuế, hải quan 13 tỉnh, thành

Trong năm nay, chương trình phối hợp giám sát về thuế và hải quan do MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện sẽ triển khai tại 13 tỉnh, thành: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ và Bắc Ninh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Mục đích cuối cùng của giám sát phải là đưa tinh thần cải cách thấm nhuần trong cung cách làm việc của từng công chức, cán bộ”.

58% DN cho biết gặp khó khăn trong thủ tục thông quan. Đó là kết quả khảo sát hơn 3.100 DN xuất nhập khẩu năm 2015 do VCCI thực hiện.

Theo CHÂN LUẬN

Cùng chuyên mục
XEM