Biến động tỷ giá: “Bong bóng tâm lý phồng rồi sẽ xẹp”

26/08/2015 10:36 AM |

Hiệu ứng tâm lý có cả trong hệ thống ngân hàng, góp phần dẫn đến những căng thẳng không đáng có...

Chiều 25/8, Thường trực Chính phủ họp về tình hình kinh tế vĩ mô. Về biến động của tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Chúng ta đã điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam khá lớn, và không có lý do gì để tiếp tục phá giá đồng tiền Việt Nam nữa”.

Sáng cùng ngày, Thống đốc cũng có một cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại, để quán triệt quan điểm không tiếp tục điều chỉnh tỷ giá.

Trước đó, ngày 24/8, tỷ giá USD/VND thể hiện căng thẳng khi các ngân hàng nâng cao giá mua vào. Đến ngày 25/8, một số thành viên đã áp giá mua chỉ còn cách trần 7 VND (mua chuyển khoản).

Sau cuộc họp với Thống đốc cùng lãnh đạo các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, diễn biến của thị trường đã được Ngân hàng Nhà nước dự liệu, quan điểm điều hành cũng đã rõ ràng, còn lại là tâm lý thị trường.

Ông nói với phóng viên:

- Chiều 24/8, người ta nói nhiều về tin đồn chấn động ở Trung Quốc. Chứng khoán toàn cầu sụt giảm mạnh. Chứng khoán trong nước cũng có phiên hoảng loạn. Diễn biến tỷ giá USD/VND cũng chịu ảnh hưởng trong bối cảnh này, đặc biệt là tâm lý.

Đã nhiều lần chúng ta chứng kiến hiệu ứng bong bóng tâm lý trên thị trường chứng khoán và tiền tệ. Vì nó gắn chặt tới lợi ích, tài sản và túi tiền của mỗi người, ngay cả các ngân hàng thương mại cũng vậy.

Đã dự liệu trước

* Ông nói “các ngân hàng thương mại cũng vậy” là sao?

Tức là trong chính hệ thống các ngân hàng thương mại cũng có tâm lý tăng tỷ giá, dù đã qua hai lần điều chỉnh. Họ cũng phải nắm bắt xu hướng để định hình các quyết định kinh doanh, tất nhiên là trong các khuôn khổ pháp lý.

Các ngân hàng bám sát phản ứng từ khách hàng, doanh nghiệp. Ví dụ như có một bộ phận doanh nghiệp có tâm lý quan ngại, muốn chủ động nguồn ngoại tệ trước và tập trung mua dù chưa đến kỳ thanh toán, khiến hiệu ứng cầu tăng lên. Khách hàng lo xa, ngân hàng cũng phải lo xa chứ.

Tại cuộc họp vừa rồi, Thống đốc đã nhấn mạnh đến yếu tố tâm lý này ngay tại các ngân hàng. Quan điểm và khẳng định của Thống đốc về định hướng giữ ổn định tỷ giá từ nay đến những tháng đầu năm tới đã rõ ràng, nên tâm lý đó cần tháo gỡ, để tránh góp phần tạo nên những căng thẳng không đáng có.

Tôi thì thấy rằng, qua hai lần điều chỉnh vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đã tạo sân chơi mới cho các ngân hàng thương mại, thì các ngân hàng thương mại cũng phải “fair-play”, đồng thuận với định hướng để giữ ổn định chung.

* Vậy theo ông, những dấu hiệu căng thẳng hiện nay chủ yếu do tâm lý thị trường?

Đúng vậy. Tâm lý là bong bóng dễ bị thổi phồng và tạo hiệu ứng, tạo hiện tượng găm giữ và khan cung thiếu thực chất trên thị trường ngoại tệ.

Còn cân đối cung - cầu ngoại tệ thực của nền kinh tế thì không có nhiều thay đổi đột biến trong những tháng cuối năm, dù thặng dự cán cân tổng thể dự báo không thuận lợi như năm ngoái.

Nhưng bong bóng tâm lý nào phồng lên quá rồi cũng phải xẹp. Chính sách và định hướng của Ngân hàng Nhà nước đã dự liệu rồi, chỉ chờ tâm lý xẹp thôi.

Tất nhiên, bình ổn thị trường không chỉ là điều chỉnh, bán ra can thiệp và chờ đợi, mà còn nhiều biện pháp hỗ trợ khác, như xử lý vấn đề tâm lý nói trên chẳng hạn.

Mặt khác, tôi nghĩ người dân cũng cần cảnh giác, bởi nhiều kẻ có thể lợi dụng hiệu ứng tâm lý để tung tin đồn trục lợi.

* Đã dự liệu rồi, cụ thể là thế nào, thưa ông?

Việc điều chỉnh tỷ giá và biên độ giao dịch vừa qua của Ngân hàng Nhà nước đã dự liệu những tác động từ sự mất giá của đồng Nhân dân tệ và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào tháng 9 tới. Thống đốc cũng đã nhấn mạnh là đã chủ động điều chỉnh khá lớn.

Lần điều chỉnh ngày 19/8 vừa qua, thông điệp Ngân hàng Nhà nước đưa ra cũng đã rõ ràng, giữ ổn định thị trường và tỷ giá trong biên độ cho phép, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm tới, giữ ổn định bằng mọi biện pháp.

Lo lãi suất hơn là tỷ giá

* Như ông nói ở trên, có các biện pháp hỗ trợ khác chứ không chỉ là điều chỉnh và bán ngoại tệ ra can thiệp, cụ thể như thế nào?

Tôi nhớ trong lần tỷ giá có biểu hiện căng thẳng cuối năm 2013, có tình huống Ngân hàng Nhà nước có thể dùng liệu pháp mạnh là tăng dự trữ bắt buộc để hút bớt tiền đồng về. Đó cũng là một biện pháp để xử lý tỷ giá chẳng hạn.

Nhưng hiện nay, biện pháp đó không đặt ra. Tôi có nói vui là, Ngân hàng Nhà nước không làm gì lúc này cũng đã có thể gián tiếp tác động đến các dòng tiền liên quan đến tỷ giá.

Vì thế này, vừa rồi và hiện nay các ngân hàng dùng tiền đồng tập trung mua ngoại tệ để đóng trạng thái phòng rủi ro, doanh nghiệp cũng vay tiền đồng để mua ngoại tệ…, tiền đồng thời điểm này không dư thừa nhiều như trước.

Nếu Ngân hàng Nhà nước không bơm ra hỗ trợ, cầu tiền đồng tăng lên hoặc chính các ngân hàng và doanh nghiệp phải thả ngoại tệ ra để chuyển đổi, chứ làm sao găm giữ mãi được.

Cứ ngồi ôm ngoại tệ chờ tỷ giá lên, Ngân hàng Nhà nước thì đã khẳng định là không điều chỉnh nữa, trong khi vốn thì cần đưa vào sản xuất kinh doanh, như vậy đâu hẳn là lợi và dễ chứ.

Nhưng thực tế Ngân hàng Nhà nước vẫn phải điều tiết vốn, vì lãi suất liên ngân hàng đang tăng cao. Một mặt phải bình ổn tỷ giá, mặt khác lại phải hạn chế lãi suất tăng lên.

Tôi lại còn lo lãi suất tăng lên hơn là tỷ giá, vì lãi suất là chi phí tất cả các doanh nghiệp đều phải chịu chứ không theo nhóm xuất khẩu hay nhập khẩu lợi như với tỷ giá. Mà doanh nghiệp nói chung cũng mới chỉ được hưởng lãi suất thấp vài năm lại đây thôi.

Cho nên, tại cuộc họp vừa rồi, Thống đốc cũng chưa tính đến việc tăng lãi suất để xử lý tỷ giá. Nhưng, cùng lúc phải thực hiện hai mục tiêu lớn là hạn chế lãi suất tăng và ổn định tỷ giá như hiện nay là khó khăn.

* Như ông nói ở trên thì chưa rõ các giải pháp cụ thể hỗ trợ cho bình ổn tỷ giá hiện nay?

Tôi thấy Ngân hàng Nhà nước vẫn đang bám sát và làm đó thôi. Như điều tiết vốn để cân đối lãi suất trên liên ngân hàng, bán ra can thiệp, thậm chí bán dưới giá trần.

Mà nếu căng thẳng kéo dài thì không loại trừ có các biện pháp mạnh, vì Ngân hàng Nhà nước đã nói sẽ dùng mọi biện pháp để can thiệp.

Còn hiện nay, như tôi thấy ở trên vẫn là xử lý tâm lý thị trường. Ngân hàng Nhà nước khẳng định và bảo vệ định hướng của mình như đã nêu, thị trường sẽ tin tưởng.

Nhìn lại, tôi thấy chính niềm tin mà Ngân hàng Nhà nước tạo được về lãi suất, tỷ giá trong bốn năm qua đã giúp chúng ta chống đỡ những cú sốc bên ngoài tốt hơn, nếu không thì có lẽ những ngày qua đã chao đảo lắm rồi.

Theo Hoàng Việt

Cùng chuyên mục
XEM