Siêu bong bóng tại các nền kinh tế mới nổi

23/08/2015 22:10 PM |

Có điều gì đó tồi tệ đã và đang xảy ra bên trong những nền kinh tế mới nổi vừa mới đây vẫn được xem là đang dần hình thành sự ảnh hưởng to lớn trong nền kinh tế toàn cầu, thậm chí là ảnh hưởng tới cả tương lai của thế giới.

Việc tìm kiếm nguyên nhân khiến các thị trường mới nổi bất ổn đang được “khoanh vùng”: giá cả hàng hóa, sự bùng nổ khai thác dầu khi đá phiến trong vài năm trở lại đây khiến giá dầu lao dốc, lãi suất của Mỹ, sự bất thường của khí hậu hay Trung Quốc... Tuy nhiên, có một câu trả lời đơn giản và đã tồn tại lâu đời, mang theo tính truyền thống hơn nhiều, đó chính là chính trị.

Hãy nhìn vào Brazil. Tại đây đã từng có một nền kinh tế được xem là sẽ tăng trưởng mãi mãi. Vậy mà trong 2 năm qua, kinh tế Brazil gần như đã chựng lại, giống như một quả bong bóng đang xẹp dần. Giá các loại hàng hóa xuất khẩu chính của Brazil đang giảm nhưng không giúp thúc đẩy xuất khẩu vì nguyên nhân là do nhu cầu giảm, đặc biệt từ Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của nước này.

Tuy nhiên, ngoài sự suy thoái của một nhóm ngành như nông nghiệp hay công nghiệp khai khoáng, bản thân kinh tế Brazil còn có những bất ổn khác.

Hay nhìn sang Indonesia. Nền kinh tế này vẫn đang mở rộng, nhưng với tốc độ tăng trưởng 4,7% trong quý vừa qua thì Indonesia vẫn đang gây thất vọng. Tốc độ này là không đủ để theo kịp đà tăng nhanh của dân số nước này – điều sẽ gây ra sự mất cân bằng trong tương lai.

Có thể thấy điều tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà tăng trưởng kinh tế đã giảm xuống còn 2,3% quý vừa qua, ít nhất mức tăng này cũng nhanh hơn tốc độ gia tăng dân số, nhưng vẫn rất ảm đạm so với mức 9% của những năm 2010 và 2011.

Nam Phi, tốc độ tăng trưởng đã giảm trong vài năm trở lại đây. Ngay cả trong thời điểm giá vàng và một loại hàng hóa là nguồn xuất khẩu chính của Nam Phi tăng cao trên toàn cầu và tạo ra những cơn bong bóng vàng và bùng nổ khai thác tài nguyên thì mức nghèo đói của nước này vẫn không tạo ra được sự cải thiện nào.

Trường hợp của Trung Quốc, chính sự chậm lại trong nền kinh tế là lời giải thích phù hợp nhất cho việc tại sao tăng trưởng kinh tế nước này liên tục sụt giảm. Tại Trung Quốc, nhiều chuyên kinh tế độc lập đang quay sang làm công việc yêu thích của họ trong suốt giai đoạn căng thẳng kinh tế này, đó là cố gắng nghiên cứu, xây dựng ra những chỉ số tính toán GDP của riêng mình khi mà họ không còn tin vào những số liệu thống kê chính thức của chính phủ nữa nữa. Theo công bố chính thức của chính phủ Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của nước này đang ở mức ổn định 7% mỗi năm, khớp với mục tiêu được tuyên bố của chính phủ, nhưng theo tính toán của riêng những nhà kinh tế độc lập thì mức tăng trưởng đó chỉ rơi vào khoảng 4% - 6% mỗi năm và còn tiếp tục giảm.

Từng có một câu thần chú đại ý rằng “câu chuyện tăng trưởng của những nền kinh tế mới nổi vẫn sẽ là những câu chuyện đẹp, có hậu” dù có đứng trước sự thay đổi của tăng trưởng kinh tế, sự biến dạng của những thị trường tài chính, thị trường hàng hóa toàn cầu. Câu “thần chú” này mang tới một ngụ ý rằng, các ban lãnh đạo doanh nghiệp, những nhà chiến lược đầu tư vẫn luôn tin rằng những nền kinh tế mới nổi được sinh ra là để phát triển nhanh hơn những nền kinh tế đã phát triển.

Tất nhiên điều này là đúng. Những nền kinh tế mới nổi nhập khẩu những công nghệ, thu thập kỹ thuật quản lý tiên tiến từ những nền kinh tế phát triển và sau đó xuất khẩu đi hàng hóa và dịch vụ được sản xuất bởi chính những công nghệ đã nhập khẩu để đưa ra thế giới. Đó là sự kết hợp của nguồn nhân lực giá rẻ và năng suất lao động ngày càng tăng cao tại đây.

Tuy nhiên, có một vấn đề với câu thần chú này đó là, những logic tăng trưởng, phát triển của chính phủ lẫn các nhà đầu tư liệu có phải đã quá chung chung khi gom hàng loạt các nền kinh tế từ châu Á, châu Mỹ La Tinh, châu Phi cho đến Đông Âu lại với nhau. Nếu đây thật sự là một nhóm, chúng phải tuân theo một logic đã được áp dụng trong hàng thập kỷ, có nền tảng trước cả khi các nền kinh tế này bắt đầu tăng trưởng như vũ bão và được chú ý đến. Nhưng điều đó hoàn toàn không xảy ra.

Lý do tại sao điều đó không xảy ra cũng chính là lý do khiến rất nhiều nền kinh tế mới nổi hiện tại đang gặp phải. Chính yếu tố chính trị, chính sách, được hình thành bởi thể chế, chế độ cai trị đất nước là yếu tố chính quyết định khả năng “nổi và ổn định” của các nền kinh tế mới nổi này.

Đó là những gì Brazil đã và đang khó khăn tìm kiếm trong suốt 4 năm đáng thất vọng vừa qua. Brazil sa lầy không phải vì kém may mắn, hay sự mất niềm tin kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân mà bởi những thất bại về mặt chính trị. Chính phủ nước này vẫn chưa sẵn sàng hoặc chưa thể tái cơ cấu lại thành phần kinh tế nhà nước vốn làm ăn không hiệu quả và bị vấy bẩn với một loạt các bê bối tham nhũng.

Còn nữa, Tổng thống nước này, bà Dilma Rousseff tiếp tục tỏ ra sự ưu ái đặc biệt trong việc ủng hộ nền kinh tế chủ nghĩa tư bản do các thành phần kinh tế nhà nước chỉ đạo – trong khi những thành phần do nhà nước quản lý lại không cho thấy sự hiệu quả hoặc ít nhất chính phủ cũng không màng xử lý, tái cấu trúc một cách mạnh tay. Đây chính là điều dẫn tới những vấn đề bất ổn kinh tế của nước này.

Nền kinh tế Brazil, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, và Nam Phi tất cả đều chưa thực hiện vai trò cơ bản đối với hệ thống chính trị: điều hòa việc cạnh tranh giữa các nhóm lợi ích để lợi ích cộng đồng chiếm được ưu thế lớn hơn, từ đó giúp nền kinh tế phát triển linh hoạt, để các nguồn tài nguyên từ chỗ đang bị sử dụng một cách kém hiệu quả sang việc tận dụng một hiệu quả hơn. Một nền kinh tế “bế tắc” là một nền kinh tế mà không cho phép sự đào thải mang tính sáng tạo, đổi mới hơn và không chịu thích ứng với những bối cảnh, hoàn cảnh mới. Đó là một nền kinh tế tăng trưởng không bền vững.

Nếu những nền kinh tế mới nổi này không đảm bảo được rằng họ vẫn rất linh hoạt, vẫn có khả năng thích ứng tốt với từng thay đổi, điều kiện hoàn cảnh chung của thế giới, thì họ sẽ không thể tiếp tục còn là chính mình nữa – họ sẽ chìm chứ không thể còn “nổi” được mãi. Và yếu tố quyết định cho tính linh hoạt cũng như khả năng thích ứng này nằm ở chính thể chế chính trị tại những quốc gia. Đó là sự sẵn sàng đấu tranh, dẹp bỏ các nhóm lợi ích, dàn xếp ổn thỏa những mâu thuẫn xã hội cũng như duy trì luật pháp một cách công minh.

Theo Tuấn Anh

Cùng chuyên mục
XEM