Báo Italy: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng bất chấp khó khăn

01/11/2014 11:00 AM |

Dưới đầu đề "Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế cho năm 2015," Sudestasiatico (Đông Nam Á), mạng tin độc lập của Italy đã có bài viết khá sâu về tình hình kinh tế của Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn do nợ xấu và nhiều vấn đề lớn khác.

Dưới đầu đề "Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế cho năm 2015,"Sudestasiatico (Đông Nam Á), mạng tin độc lập của Italy đã có bài viết khá sâu về tình hình kinh tế của Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn do nợ xấu và nhiều vấn đề lớn khác.

Theo tác giả Roberto Tofani, trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII khai mạc tại Hà Nội vào ngày 20/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề cập đến ba vấn đề toàn cầu chính tác động đến tình hình Việt Nam: kinh tế, xung đột vũ trang và dịch bệnh ở nhiều khu vực của thế giới. 

Ở Việt Nam, trong khi kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định và nền kinh tế quốc gia đang trên đà hồi phục, “vẫn còn nhiều khó khăn, đe dọa sự phát triển bền vững và các vấn đề an ninh xã hội tiếp tục gây lo ngại trong quần chúng nhân dân."

Chủ tịch Quốc hội cũng nói thêm rằng diễn biến phức tạp ở Biển Đông cũng có tác động đáng kể vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Kinh tế là vấn đề chính được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc. Thủ tướng cho rằng, mặc dù triển vọng đến năm 2015 là khả quan nhưng nền kinh tế kém hiệu quả, nợ xấu và nhu cầu nội địa yếu tiếp tục là rào cản cho tăng trưởng. Thủ tướng đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,2 và tạo thêm 1,6 triệu việc làm mới. 

Theo bài báo, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, và đó là một dấu hiệu tích cực. Theo số liệu của chính phủ, sau khi tăng trưởng 5,42% trong năm 2013, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong quý 3 đạt 6,19% so với 5,42% trong quý 2 và 5,09% trong quý 1/2014. 

Tăng trưởng kinh tế phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, trong chín tháng đầu năm nay đạt 7,26% và theo Thủ tướng có khả năng tăng lên 12-14% vào cuối năm nay.

Theo các nhà quan sát, sự tăng trưởng được ghi lại trong những tháng gần đây và dự báo tích cực cho năm tới được thúc đẩy bởi tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất, dù theo Thủ tướng, "cơ cấu kinh tế vĩ mô không bền vững, nền kinh tế đã tăng trưởng và trên đà hồi phục nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn ở mức thấp,".

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, các khoản nợ xấu đã tăng lên 3,9% tổng vốn vay ngân hàng vào cuối tháng 8 từ mức 3,61% vào cuối năm 2013. Hơn nữa, nợ nước ngoài được dự báo sẽ tăng lên 39,9 % GDP trong năm 2014 so với mức 37,3% trong năm 2013, trong khi thặng dư thương mại hàng năm đã được điều chỉnh lên đến 1,5 tỷ USD, từ mức 0,5 tỷ USD theo dự báo trước đó.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tiếp tục kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, với 71 doanh nghiệp đang bán cổ phần trong chín tháng qua (tính đến tháng 9 năm nay) so với 74 doanh nghiệp trong cả năm 2013 và Chính phủ dự kiến sẽ đạt được một tổng số 200 doanh nghiệp vào cuối năm nay. 

Một vài ngày sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ yêu cầu rút lại đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước để giải quyết nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước. Hiện có khoảng một nghìn doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động với tổng số nợ là 80 tỷ USD.

Bài báo cũng trích dẫn lời ông Huỳnh Phong Tranh, Chánh Thanh tra Chính phủ, rằng "tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản lý đất đai, khai thác tài nguyên thiên nhiên, và đầu tư công."

Bài báo nhắc lại rằng, ngoài vấn đề kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đã khiến quan hệ song phương thời gian qua căng thẳng. Hành động của Trung Quốc đã "đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước."

Tuy nhiên, bất chấp sự bế tắc ở Biển Đông, nơi mà cả hai bên cùng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, quan hệ thương mại song phương từ đầu năm đã tăng lên đáng kể với tổng kim ngạch đạt 50,21 tỷ USD trong năm 2013 (tăng 22%) với mức thâm hụt thương mại ở mức 23,7 tỷ USD. 

Trong bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc đạt mức 14,57 tỷ USD, trung bình 2,08 tỷ USD mỗi tháng.

>> Vốn Nhật ồ ạt đổ vào Đông Nam Á

Theo PHẠM ĐỨC HÒA/ROMA 

Cùng chuyên mục
XEM