Bà Tôn Nữ Thị Ninh bức xúc vì Slogan “Vẻ đẹp bất tận” nghe khép nép và xưa quá!
Với slogan du lịch của Việt Nam là Vẻ đẹp bất tận (Timeless Charm), và trước đây là Vẻ đẹp tiềm ẩn (Hidden Charm), Phó Chủ tịch ủy ban Hòa Bình thắc mắc: Ai đọc khẩu hiệu đó và quyết định du lịch sang Việt Nam trước Truly Asia của Malaysia và Amazing Thailand của người Thái?
Nội dung nổi bật:
- “Trong khi quảng bá du lịch ở TPHCM, các từ được sử dụng là Exciting (Thú vị), Vibrate (Đầy sức sống), thì slogan du lịch Việt Nam thường xuyên sử dụng từ Charm. Charm nghe dễ thương, khép nép và tĩnh, đây là từ vô cùng xưa. Trong khi đó, chúng ta đang quảng bá một nước Việt Nam mới, trẻ trung và hướng về tương lai”
- Một du khách đến từ New Zealand sang Việt Nam lần thứ 2 sau chuyến du lịch châu Âu, đã nói rằng: “Châu Âu đẹp, nhưng "chết", lỗi thời rồi. Cuộc sống mới là ở châu Á, là ở Việt Nam”.
- Người ta không đến Việt Nam chỉ vì cái visa. Vấn đề thượng nguồn là Khuyến khích du khách muốn đi Việt Nam.
“Một số năm trở lại đây, tôi không yên tâm với khẩu hiệu của du lịch Việt Nam, thậm chí hơi bức xúc”, bà Tôn Nữ Thị Ninh - Phó Chủ tịch ủy ban Hòa Bình Việt Nam – bày tỏ tại Hội thảo Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới sáng 7/7.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh.
“Các anh gọi là Vẻ đẹp bất tận (Timeless Charm), Vẻ đẹp tiềm ẩn (Hidden Charm). Ai đọc khẩu hiệu đó rồi quyết định sang Việt Nam?”
Bà Ninh chia sẻ, trong khi các khẩu hiệu du lịch quảng bá trên TV rất hấp dẫn thì Timeless Charm tĩnh quá!
Lướt một vòng các khẩu hiệu du lịch của các nước ASEAN, có thể thấy Singapore có Uniquely Singapore (Độc đáo Singapore, mới đây đổi sang YourSingapore – Singapore của bạn), Thái Lan có Amazing Thailand (Kinh ngạc Thái Lan), Truly Asia (Châu Á thực sự) của Malaysia, hay Wonderful Indonesia (Diệu kỳ Indonesia) của Indonesia...
Những slogan du lịch trước nay của Việt Nam luôn chìm ngỉm trước những slogan du lịch của các nước bạn.
“Trong khi quảng bá du lịch ở TPHCM, các từ được sử dụng là Exciting (Thú vị), Vibrate (Đầy sức sống), thì slogan du lịch Việt Nam thường xuyên sử dụng từ Charm. Charm nghe dễ thương, khép nép và tĩnh. Trong tiếng Anh, Charm nghe vô cùng xưa. Trong khi đó, chúng ta đang quảng bá một nước Việt Nam mới, trẻ trung và hướng về tương lai”, bà Ninh nhận xét.
Ngay tại hội thảo, bà Ninh đã đề nghị Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên tính toán xây dựng lại khẩu hiệu, trong đó lưu ý đến đóng góp ý kiến của các bên. “Chúng ta cần tập hợp các du khách Tây ở Hà Nội, TPHCM, hỏi họ thích khẩu hiệu nào, vì sao họ thích... Việc làm khẩu hiệu du lịch của một quốc gia mà chỉ thuê Design (nhà thiết kế - PV) là chưa đủ”, bà Ninh nói.
“Chuyên gia chỉ đưa quan điểm của họ, mà người tiêu dùng không phải chuyên gia, họ chỉ đơn giản là thích đến Việt Nam, thích sống ở Việt Nam”.
Bà Ninh cũng kể câu chuyện một du khách đến từ New Zealand sang Việt Nam lần thứ 2 sau chuyến du lịch châu Âu. Du khách đó nói rằng: “Châu Âu đẹp, nhưng "chết", lỗi thời rồi. Cuộc sống mới là ở châu Á, mà cụ thể là ở Việt Nam”.
“Tại sao chúng ta không quan tâm tới cảm nhận của du khách ở Việt Nam như thế nào?”, bà Ninh đặt câu hỏi.
Đừng khoe khách sạn 5 – 7 sao, hãy xem du khách có vào Việt Nam, có xài tiền ở Việt Nam không đã
Trình bày tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – đã đưa ra một loạt “hiện tượng thú vị” về việc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở Việt Nam rót vốn mạnh vào ngành du lịch – khách sạn, trong đó, ông Tuấn cho biết nổi bật lên như một hiện tượng là doanh nghiệp khách sạn Mường Thanh.
“Đầu năm 2010, Mường Thanh chỉ có 5 khách sạn 3 sao. Tính đến nay, Mường Thanh đã có 30 khách sạn, trong đó có 4 khách sạn 5 sao, 21 khách sạn 4 sao và 5 khách sạn 3 sao. Tổng số khách sạn 4 - 5 sao là 25 khách sạn với 5.200 phòng. Mường Thanh hiện chiếm 10% số phòng đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao và đang đầu tư thêm 18 khách sạn nữa”, ông Tuấn chia sẻ.
Trước thông tin lạc quan trên, bà Ninh đặt dấu hỏi: Xây nhiều khách sạn nhưng du khách có vào? Và vào rồi, du khách có xài nhiều tiền trên lãnh thổ Việt Nam hay không?
Trước nhiều ý kiến về việc mở visa cho nhiều nước để khuyến khích du lịch, bà Ninh cho rằng: “Rào cản visa là quan trọng, nhưng không phải cơ bản”.
“Từ kinh nghiệm giao tiếp nhiều với nước ngoài, tôi thấy rằng người ta không đến Việt Nam chỉ vì cái visa. Vấn đề thượng nguồn là Khuyến khích du khách muốn đi Việt Nam. Tất nhiên, visa khó khăn người ta có thể chần chừ, nhưng đầu tiên là người ta phải hướng tới Việt Nam cái đã”.
“Tôi rất muốn nghe định vị Việt Nam trên bản đồ du lịch, không bằng con số mà bằng thế mạnh, sự khác biệt, bằng sức hút. Chúng ta phải xây dựng hình ảnh, định vị thật rõ ràng. Khi đọc những con số du lịch của Thái Lan và Malaysia, so sánh với những tiến bộ của Việt Nam, chúng ta phải thẳng thừng là cạnh tranh với những nước như thế ở khu vực có nên cạnh tranh về số lượng?
Tôi cho rằng không thể. Chúng ta đến sau, phấn đấu rất nhiều nhưng chỉ đến thế thôi. Phải chăng, chúng ta nên cạnh tranh bằng mức doanh thu trên đầu khách du lịch tới Việt Nam?”, bà Ninh khuyến nghị.
Du khách đến Thái Lan mua tour 1, tiêu xài 10
"Giá tour du lịch đến Thái Lan thấp hơn Việt Nam rất nhiều. Tại sao vậy?", PGS. TS. Phạm Trung Lương – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - đặt câu hỏi.
"Du khách mua tour Thái Lan chỉ mất 100 USD phí tour nhưng tiêu tới 1.000 USD. Được như vậy bởi Thái Lan lấy kinh tế chung làm mục tiêu chứ không chỉ nhắm tới riêng ngành nào".
Trong khi đó, đến Việt Nam, du khách muốn tiêu tiền cũng không được.
"Tôi gặp rất nhiều khách du lịch đến, họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền như sau một chuyến đi trên vịnh, họ muốn về thành phố ở khách sạn cao cấp để chi nhiều tiền hơn, hoặc muốn tìm chỗ biểu diễn nghệ thuật để trải nghiệm về văn hóa Việt Nam. Nhưng không có", ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group) - cho biết.