Ai mua vàng khi tỷ giá tăng vọt?
Tỷ giá biến động, giá vàng tăng 1 triệu đồng mỗi lượng, Ngân hàng (NH) Nhà nước tuyên bố sẵn sàng bán ngoại tệ.
Khách hàng mua bán vàng tại tiệm vàng Mi Hồng quận Bình Thạnh, TP HCM.
Sáng nay, 19/8, sau khi NH Nhà nước tăng tỷ giá bình quân từ 21.673 đồng/USD lên 21.890 đồng/USD, đồng thời biên độ giao dịch tỷ giá nới rộng +/-3%, lập tức giá vàng và giá mua - bán USD tăng vọt, nhưng chưa cán mức trần 22.547 đồng/USD.
Lúc 9h, NH Ngoại Ngoại thương (Vietcombank) niêm yết giá bán ngoại tệ 22.380 đồng/USD, mua vào 22.280 đồng/USD. NH Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) mua vào, bán ra với giá ngang bằng Vietcombank. Tuy nhiên, một số NH cổ phần lại mua - bán ngoại tệ cao hơn 50-70 đồng/USD. Tại NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), giá mua vào 22.250 đồng/USD, bán ra 22.450 đồng/USD. Trong khi đó, NH Á Châu mua vào 22.320 đồng/USD, bán ra giá ngang Eximbank…
Theo giới kinh doanh ngoại tệ, do giá mua - bán USD của các NH có khác biệt lớn nên các đầu mối kinh doanh USD tự do vẫn án binh bất động, để nghe ngóng tình hình. Thậm chí, khi khách hàng hỏi giá USD, các chủ tiệm vàng, điểm thu đổi ngoại tệ từ chối báo giá.
Quan sát thị trường trong vài ngày qua, nhất là khi biên độ tỷ giá tăng lên 2% và đồng Nhân dân tệ liên tục bị phá giá vào các ngày từ 11/8 đến 13/8, đồng USD tại các NH đã tăng hết biên độ cho phép, đạt 22.106 đồng/USD. Thế nhưng, trong sáng 19/8, tuy tỷ giá được điều chỉnh mạnh hơn lần trước nhưng giá giao dịch USD tại các NH vẫn còn thấp hơn mức trần 100-160 đồng/USD (giá trần là 22.547 đồng).
Nhiều NH cho biết, do không có nhu cầu mua USD nên thị trường ngoại tệ liên NH không căng thẳng. Mặt khác, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá, con số nhập siêu từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2015 là 19 tỷ USD tác động không nhiều đến cầu USD. Bởi lẽ, có đến 90% nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên liệu sản xuất và thiết bị.
Các loại hàng hóa, máy móc này đều phục vụ cho sản xuất hàng hóa của Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN… để thu về ngoại tệ, trung hòa cho con số nhập siêu từ Trung Quốc.
Giá vàng sáng nay “ăn theo” biến động tỷ giá nên đã tăng vọt lên 35 triệu đồng một lượng, nhưng qua tìm hiểu của PV, thực tế đối tượng giao dịch chủ yếu các doanh nghiệp kinh doanh vàng với nhau. Bởi khi giá vàng tăng đột biến, những “tay chơi” vàng chuyên nghiệp có thể điện thoại cho chủ doanh nghiệp mua 100 lượng, với kỳ vọng giá tăng lên. Khi vàng đạt một mức giá nhất định, họ sẽ bán thu về lợi nhuận, đồng thời nhiều người khác cũng bán vàng rồi chờ giá giảm sẽ mua lại, hưởng chênh lệch.
Trong khi đó, một số NH cho phép khách hàng có thể ký quỹ 10% để mua hoặc bán vàng. Theo đó, người chơi vàng có thể chốt thời hạn giao dịch, theo hướng bán vàng rồi mua lại trong 2-3 ngày và ngược lại. Điều này lí giải vì sao khi tỷ giá đi lên, giá vàng thường tăng như vũ bão, rồi ngay sau đó lại giảm mạnh.
Cụ thể, lúc 8 giờ ngày 19/8, giá vàng chỉ 34,1 triệu đồng một lượng, nhưng khi thông tin tỷ giá tăng lên, lập tức vàng vọt lên 35 triệu đồng một lượng, và đến 10h, vàng bất ngờ xuống còn 34,6 triệu đồng/lượng. Trước đó, ngày 11/8 và 13/8, vàng cũng đã leo lên gần 35 triệu đồng một lượng và chỉ trong vài ngày sau đó xuống còn 34,1 triệu đồng một lượng.
Để tránh thiệt hại, một số chuyên gia tài chính khuyến cáo người dân cần bĩnh tĩnh trước những tác động của tỷ giá. Bởi giá USD, vàng có thể tăng giảm khó lường khi chính sách điều hành tỷ giá thay đổi. Vì thế, người có nhu cầu ngoại tệ, vàng nên tham gia thị trường khi USD, vàng tăng, giảm giá theo hình răng cưa.