7 chính sách có hiệu lực từ 1/1/2016 bạn nhất định phải biết

28/12/2015 14:53 PM |

Từ 1/1/2016, nhiều chính sách có hiệu lực như: Vợ sinh con, chồng được nghỉ tối đa 14 ngày; Công dân từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân; Tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu và bia; Trốn nghĩa vụ quân sự có thể bị xử lý hình sự…

Vợ sinh con, chồng được nghỉ tối đa 14 ngày

Theo Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc trong trường hợp sinh thường; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Luật cũng quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp lao động nữ khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thay vì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con như Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.

Công dân từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân


Mẫu mặt trước và mặt sau của Thẻ căn cước công dân. Nguồn: EZLaw.

Mẫu mặt trước và mặt sau của Thẻ căn cước công dân. Nguồn: EZLaw.

Luật căn cước công dân lấy tên gọi của giấy tờ về căn cước công dân là thẻ Căn cước công dân để thay cho tên gọi "Chứng minh nhân dân" như hiện nay. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân để bảo đảm tính ổn định của các thông tin về nhân dạng của công dân đã được quy định trong Luật. Thẻ Căn cước công dân chỉ phải đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Thẻ Căn cước công dân có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ này được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch

Luật hộ tịch gồm có 7 chương và 77 điều. Luật có những quy định cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân (như: đơn giản hóa và cắt giảm nhiều giấy tờ không cần thiết khi đăng ký hộ tịch; cải tiến phương thức nộp hồ sơ để người dân lựa chọn – nộp trực tiếp, gửi qua bưu chính hoặc qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến khi điều kiện cho phép; giảm thời hạn giải quyết đối với hầu hết các việc hộ tịch).

Luật hộ tịch cũng quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây.

Tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu và bia


Ảnh: Thanh Niên.

Ảnh: Thanh Niên.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tăng từ 65% lên 70% từ ngày 01/01/2016 và 75% từ ngày 01/01/2019; với rượu dưới 20 độ, thuế suất thuế TTĐB là 30% từ ngày 01/01/2016 và 35% từ ngày 01/01/2018.

Đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia, thuế suất thuế TTĐB cũng tăng thêm 5% lên 55% từ ngày 01/01/2016, 60% từ ngày 01/01/2017 và 65% từ ngày 01/01/2018.

Trốn nghĩa vụ quân sự có thể bị xử lý hình sự


Ảnh: Tuổi trẻ.

Ảnh: Tuổi trẻ.

Luật nghĩa vụ quân sự quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi (hiện nay là đến hết 25 tuổi) đối với công dân đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ để học chương trình đào tạo đại học, cao đẳng.

Để đảm bảo cho công dân chủ động chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ; đồng thời, tạo điều kiện cho địa phương trong xây dựng, thực hiện kế hoạch gọi công dân nhập ngũ hàng năm, Luật nghĩa vụ quân sự đã quy định cụ thể thời điểm gọi công dân nhập ngũ được thực hiện vào tháng 2 hoặc tháng 3 hằng năm.

Các trường hợp không có mặt đúng thời gian, địa điểm kiểm tra khám sức khỏe ghi trong giấy gọi; làm sai lệch kết quả phân loại nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự; Không có mặt đúng thời gian, địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt từ 800.000 – 2,5 triệu đồng.

Đã bị phạt tiền mà còn tái phạm, đối với công dân vi phạm sẽ bị phạt tù 3 tháng đến 5 năm tùy theo mức độ vi phạm. Đối với cán bộ nếu đã bị phạt tiền mà còn tái phạm thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tùy theo mức độ vi phạm.

Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 6

Với 7 chương, 50 điều, Luật tổ chức Chính phủ quy định cụ thể số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Bổ sung đơn vị được kiểm toán là cơ quan quản lý sử dụng công

Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 bổ sung đơn vị được kiểm toán là: Cơ quan quản lý sử dụng công; đối với các doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM