6 tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm mạnh
Sau 6 tháng đầu năm 2015, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,49 tỷ USD, bằng 80,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Nếu so với những năm gần đây thì vốn cam kết mới trong 6 tháng qua đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm. Theo đó, thu hút FDI 6 tháng đầu năm của các năm trước từ 2012 đến 2014 lần lượt là 6,38 tỷ USD, 10,47 tỷ USD và 6,85 tỷ USD.
Trước đó, Cục Đầu tư Nước ngoài đã đưa ra dự báo vốn FDI đăng ký có thể đạt 18 tỷ USD trong năm nay. Thực tế, từ đầu năm đến nay, vẫn chưa có một dự án nào có vốn cam kết lên quá 1 tỷ USD.
Về số vốn FDI thực hiện sau 6 tháng, ước tính các dự án đã giải ngân được 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% với cùng kỳ năm 2014.
Xuất khẩu của khu vực này đạt 54,88 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của khu vực đạt 48,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm 60% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2015, khu vực FDI xuất siêu 6,07 tỷ USD.
Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của nhà đầu tư nước ngoài với 338 dự án đầu tư đăng ký mới và 190 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 4,18 tỷ USD, chiếm 76,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 11 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 465,5 triệu USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ 3 là lĩnh vực Bán buôn bán lẻ sửa chữa với 119 dự án đầu tư mới và 26 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 276,5 triệu USD.
Đã có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,52 tỷ USD, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.
BritishVirginIslands đứng vị trí thứ 2 với số vốn là 684,8 triệu USD chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư, Thổ Nhĩ Kỳ đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 660,2 triệu USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư.
Hiện tại, có 42 tỉnh thành phố thu hút được dòng vốn FDI, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn nhất với tổng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,12 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đồng Nai đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,03 tỷ USD, chiếm 18,8%. Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 433,7 triệu USD, chiếm 7,9%.