40 cách cắt giảm chi phí dễ thực hiện (P.1)

11/07/2015 11:47 AM |

Sau đây là những cách tiết kiệm tiền đơn giản, thực tế và hiệu quả, nhất là khi bạn biến chúng thành các thói quen.

Tiết kiệm tiền có nhiều lợi ích: Bạn sẽ không bị thiếu hụt tiền cho những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Bạn tập trung được vào những điều quan trọng và yêu thích. Bạn có tiền đầu tư để tiền tự sinh ra tiền, không phải cực nhọc mưu sinh cho tới già.

Sau đây là những cách tiết kiệm tiền đơn giản, thực tế và hiệu quả, nhất là khi bạn biến chúng thành các thói quen.

1. Ghi chép tất cả những gì bạn chi tiêu, giữ các hóa đơn để xem lại khi cần

Đây là việc tương đối khó nếu bạn chưa có thói quen nhưng lại hoàn toàn… khả thi. Thời gian đầu bạn sẽ rất khó chịu và ngần ngại khi phải ghi chép rất nhiều các khoản lặt nhặt. Tuy nhiên, nếu thực hiện ghi chép một cách có kỉ luật thì bạn sẽ có cái nhìn thực tế hơn về cách chi tiêu của mình. Thậm chí bạn sẽ bất ngờ vì bạn chi tiêu nhiều hơn bạn tưởng. Ghi chép cũng là một trong những bước cần thiết để dự trù chi phí và tiến lên giàu có.

2. Chia nhỏ mục tiêu tiết kiệm cho từng tuần hoặc tháng thay vì cả năm

Hẳn bạn đã có dự định về mục tiêu tiết kiệm. Mục tiêu sẽ dễ thành hiện thực hơn nếu như bạn chia nhỏ mục tiêu cho từng tuần hoặc từng tháng thay vì theo từng năm. Giả sự bạn muốn tiết kiệm được 24 triệu đồng/ năm. Như vậy, bạn cần tiết kiệm được 2 triệu/ tháng hoặc khoảng 500 ngàn đồng/ một tuần. Từng bước nhỏ đều đặn sẽ khiến bạn cảm thấy “đỡ ngán ngẩm” và tạo cơ hội hình thành thói quen đều đặn.

3. Xem ít tivi hơn

Các chương trình tivi hấp dẫn thường nối tiếp nhau liên tục. Hiện nay có rất nhiều kênh thực tế hay khiến bạn luôn cảm thấy chỉ muốn gắn chặt với chiếc tivi. Nếu bạn sử dụng nhiều thời gian để xem tivi, hãy điều chỉnh lại. Xem tivi ít hơn sẽ tiết kiệm tiền điện và thời gian cho bạn. Bạn sẽ có nhiều thời gian hơn cho những hoạt động hữu ích cần thiết khác

4. Đọc sách nhiều hơn

Thói quen đọc sách là một thói quen tuyệt vời và được coi như một loại thiền. Khi tận hưởng thói quen đọc sách, bạn sẽ ít bắt bản thân đi ra ngoài, tiêu tiền, hay mua sắm để giải trí. Đồng thời, đọc sách giúp bạn có thêm kiến thức, mở rộng chân trời hiểu biết. Bạn trở thành một người tự tin, sâu sắc và giỏi kiến thức. Điều này gián tiếp hoặc trực tiếp liên quan tới việc nâng cao mức thu nhập và mở rộng mối quan hệ hữu ích của bạn.

5. Biết cách giải trí tại nhà

Ngôi nhà bạn là tổ ấm. Đừng quên biến tổ ấm ấy thành nơi bạn có thể giải trí thường xuyên thay vì đi ra ngoài tới các tụ điểm vui chơi, các cửa hàng hay trung tâm mua sắm. Cố gắng không biến việc mua sắm thành một thói quen giải trí. Bạn có thể đọc sách báo, tạp chí, truyện tranh, xem phim online (trong thời gian giải trí hợp lí), vẽ, đánh đàn, chơi cờ, giải đố… Rất nhiều các thú vui không tốn tiền sẽ làm hầu bao bạn mỉm cười.

6. Bỏ đi những thói quen tốn kém và hại sức khỏe như bia rượu, thuốc lá

Bia rượu và thuốc lá là những sản phẩm tương đối đắt tiền, khiến bạn chi tiêu một khoản không hề nhỏ. Đây là những thói quen độc hại. Bỏ thói quen xấu này là một sự tiết kiệm tiền đầy ý nghĩa. Ngoài ra, không hút thuốc và không uống bia rượu thường xuyên sẽ giúp bạn tránh khỏi một khoản tiền chi lớn. Khoản chi này có thể phát sinh trong tương lai bởi các hậu quả nặng nề do bia rượu, thuốc lá gây ra cho sức khỏe của bạn và những người thân sống gần bạn (hút thuốc thụ động).

7. Uống nhiều nước lọc

Uống nhiều nước lọc tốt cho cơ thể và hạn chế các khoản chi cho nước ngọt, bia rượu và các loại nước uống nhiều đường khác. Mỗi khi bạn thèm một loại nước nhiều đường không có lợi cho sức khỏe, hãy thử uống thay bằng một ly nước lọc. Cảm giác no sẽ giảm bớt sự thèm miệng đó.

8. Giảm ăn vặt

Nhiều người có thói quen ăn vặt bánh, kẹo, sô-cô-la một cách thường xuyên. Những khoản chi tuy nhỏ mà thường xuyên sẽ làm túi tiền của bạn than phiền. Vì thế, hãy kiềm chế bản thân, không mua thêm những thứ nho nhỏ tại quầy tính tiền khi đi siêu thị, cửa hàng tạp hóa hoặc cửa hàng tiện lợi.

9. Không bỏ bữa sáng, bữa trưa ăn nhẹ và mang đồ ăn trưa từ nhà tới chỗ làm

Thay vì ăn những bữa trưa mắc tiền, hãy tập trung vào một bữa sáng đầy đủ chất dinh dưỡng. Bữa trưa bạn nên ăn nhanh và mang đồ ăn trưa từ nhà tới chỗ làm. Bạn có thể chế biến đồ ăn ở nhà từ tối hôm trước và mang tới chỗ làm bằng hộp đựng đồ ăn. Như vậy, bạn vẫn có thể ăn những đồ hợp vệ sinh, tự làm, và tiết kiệm được thời gian buổi trưa.

10. Không đi siêu thị, chợ mua đồ ăn dự trữ cho ngày, tuần trong lúc đói

Việc mua thức ăn dự trữ cho ngày, tuần trong khi bạn đang cảm thấy rất đói sẽ khiến bạn mua nhiều hơn nhu cầu thực tế. Vứt bỏ đồ ăn quá hạn, bị hỏng do ăn không hết hay mua quá nhiều là sự phung phí tiền bạc, chi tiêu không hiệu quả và thiếu tính toán, khoa học.

11. Mua theo đúng những gì ghi trong danh sách cần mua khi đi chợ, siêu thị

Chỉ mua những gì cơ bản, cần thiết và đã được ghi rõ vào danh sách cần mua. Những món hàng ngoài danh sách này bạn cần phải bỏ qua và không được thêm vào giỏ hàng. Dùng sức mạnh ý chí và 5 giây hỏi đáp “Tại sao mình lại phải mua món này?” để chỉ thanh toán những món cần thiết đã dự tính trước tại quầy tính tiền.

12. Mua những nhãn hiệu bình thường có cùng chức năng hoặc hợp với cơ thể bạn

Những sản phẩm thiết yếu hàng ngày như dầu gội đầu, dầu tắm, xà bông rửa tay, xà bông giặt, nước lau nhà,… sẽ có mức chênh lệch giá giữa những nhãn hiệu bình thường và những nhãn hiệu lớn (được marketing tốt). Vì thế, nếu chúng có cùng chức năng và tác dụng, chỉ cần chọn những nhãn hiệu hợp với cơ thể bạn, những loại bạn đã dùng và cảm thấy tốt thay vì những nhãn hiệu đắt tiền.

13. Chọn mua vật dụng bền chứ không phải vật dụng rẻ tiền dễ hỏng

Chọn vật dụng bền và giá cả xứng đáng về lâu dài sẽ tiết kiệm cho bạn hơn là mua vật dụng rẻ tiền nhưng thường xuyên hỏng hóc hoặc không dùng được chỉ sau một thời gian ngắn.

14. Nấu ăn tại nhà

Bạn có thể ăn ở ngoài một hoặc hai bữa trong tuần nhưng không nên ăn ngoài thường xuyên vì sẽ rất tốn kém. Nấu ăn tại nhà vừa tiết kiệm tiền, lại vệ sinh, sạch sẽ. Ngoài ra, theo phong thủy châu Á, bếp núc được nấu nướng thường xuyên sẽ mang lại tài lộc cho gia đình.

15. Không nên mua nước đóng chai khi bạn không phải đi công tác hoặc di chuyển thường xuyên

Trừ khi bạn đi công tác và phải thường xuyên di chuyển, bạn hãy tập thói quen đun nước tại nhà và uống nước sôi để nguội. Nước đóng chai thực sự không cần thiết và bạn có thể cắt giảm chúng để giảm bớt gánh nặng tài chính hàng ngày.

16. Quy đổi giá của các đồ vật bạn khao khát sở hữu ra giờ hoặc ngày lương

Bạn thích mua sắm, tốt thôi! Nhưng trước khi trả tiền hãy nhẩm tính giả của món đồ đó theo giờ hoặc ngày lương của bạn. Ví dụ một chiếc túi trị giá 2 triệu, một giờ lương của bạn là 100.000/ tiếng. Như vậy, bạn sẽ cần 20 giờ lao động, tương đương 2.5 ngày làm việc (nếu bạn làm 8 tiếng/ ngày). Quy đổi thế này để bạn có cảm giác chính xác hơn và có thể ra quyết định chi tiêu đúng đắn, hợp lý.

17. Tránh các dịp giảm giá lớn trong năm nếu bạn không có kinh phí cho việc mua sắm

Nếu bạn áp dụng kỉ luật gắt gao đối với việc chi tiêu theo đúng dự trù chi phí hay không có kinh phí mua sắm thì bạn nên chủ động tránh các dịp giảm giá lớn trong năm. Những dịp giảm giá này sẽ khiến bạn “đau thương” vì bạn sẽ thấy rất nhiều món đồ đẹp có giá hời. Còn nếu bạn không thể chịu đựng được nếu không mua sắm trong các dịp giảm giá, bạn phải đảm bảo bạn đã không quá tay vào những dịp bình thường khác trong năm.

18. Nguyên tắc chờ ít nhất 7 ngày trước khi quyết định mua một món đồ đắt tiền

Trước khi mua một món đồ đắt tiền, ngoài việc quy đổi giá sang số giờ, số ngày lương, bạn nên tuân theo nguyên tắc chờ ít nhất 7 ngày. Hãy kiểm soát bản thân! Việc vượt qua chính mình và duy trì ý chí mạnh mẽ còn quan trọng hơn là việc sở hữu một vài món đồ đắt tiền. Hãy chấm dứt vòng luẩn quẩn tiêu tiền cho những thứ không cần thiết, rồi cần tiền, phải kiếm tiền, rồi lại tiêu tiền khi không cần thiết!

19. Cho heo đất ăn những khoản chi bạn cắt giảm được

Đôi khi việc cắt giảm các khoản chi sẽ không cho bạn cảm giác bạn đang tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, nếu bạn cho heo đất ăn những khoản chi bạn cắt giảm được thì cảm giác ấy trở nên rõ ràng hơn. Đồng thời, luôn ghi nhớ trong đầu mục tiêu tài chính tiếp theo của bạn là gì để bạn có động lực tiếp tục tiết kiệm.

20. Tập trung các món tiền lẻ tại một khu vực sau đó đổi thành tiền lớn và cho heo đất ăn

Bạn không nên vứt tiền lẻ lung tung. Tập trung tiền lẻ vào một nơi quy định và khi đủ để đổi thành tờ tiền lớn hơn, bạn hãy cho heo đất ăn. Tích tiểu thành đại vẫn là một tiêu chí đúng đắn để bạn giảm chi phí không cần thiết, tăng thêm số tiền giữ được và tiến tới giàu có.

AlexTu

Cùng chuyên mục
XEM