3 vấn đề tái cơ cấu mãi vẫn chưa 'chín' của kinh tế Việt Nam
Bên cạnh những thành tích đạt được như kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh cải thiện, xu hướng hồi phục tăng trưởng kinh tế ngày càng rõ nét thì còn có 3 vấn đề tái cơ cấu lớn nổi cộm.
Mới đây, viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố báo cáo về đánh giá, giám sát quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.
Bên cạnh những thành tích đạt được như kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh cải thiện, xu hướng hồi phục tăng trưởng kinh tế ngày càng rõ nét thì còn có 3 vấn đề lớn nổi cộm. Tờ Saigon Times đã nêu rõ ra 3 vấn đề này:
Tái cơ cấu ngân hàng thương mại: Câu hỏi về VAMC
- Hệ thống tín dụng vẫn còn là điểm nghẽn, nhu cầu đầu tư công lớn dẫn đến đầu tư tư nhân bị lấn át, vốn trên thị trường ngân hàng đang chuyển dịch sang thị trường trái phiếu.
- Sử dụng VAMC để bào mòn nợ xấu tỏ ra không hiệu quả khi nợ xấu vẫn còn (được đưa ra ngoại bảng) và ngân hàng đẩy chi phí này sang khách hàng (doanh nghiệp và người gửi tiền), từ đó lãi suất cho vay thực cao hạn chế việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
- Cơ chế hoạt động của VAMC thiếu minh bạch (là người nắm lợi thế về thông tin trên thị trường mua bán nợ xấu so với người muốn mua) và thiếu nguồn lực để xử lý nợ xấu.
Tái cơ cấu đầu tư công: Câu hỏi về hiệu quả
- Tái cơ cấu đầu tư công chỉ mới dừng lại ở siết chặt kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí. Luật đấu thầu và nghị định về hợp tác công tư đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống do thiếu văn bản hướng dẫn.
- Hầu hết các dự án đầu tư công đều do doanh nghiệp nhà nước thực hiện, cơ quan lựa chọn, phê duyệt dự án, giám sát dự án lại là cơ quan chủ quản của các DN này nên tạo cơ hội cấu kết để trục lợi. Đồng thời các doanh nghiệp không có sức ép buộc phải giảm chi phí thực hiện dự án.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Câu hỏi về cơ chế
- Tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, chất lượng còn có nhiều vấn đề. Một số doanh nghiệp thực chất chỉ chuyển đổi hình thức từ DNNN sang công ty cổ phần khi tỷ lệ bán cổ phẩn cho tư nhân chỉ rất nhỏ hoặc không tìm được đối tác mua lại cổ phần, không có nhà đầu tư chiến lược đủ mạnh để thay đổi cơ chế quản trị doanh nghiêp.
Nguyên nhân là do cơ chế cơ quan chủ quản đồng thời là cơ quan quản lý nhà nước. Việc chưa tách chức năng quản lý nhà nước khỏi chức năng chủ sở hữu khiến quá trình tái cơ cấu DNNN chỉ mang tính hình thức.
- Hạn chế, yếu kém lớn nhất của DNNN hiện nay là cơ chế hoạt động của DNNN nói chung và thể chế quản trị DNNN nói riêng còn nhiều điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường:
Thứ nhất, thể chế hiện nay vẫn tạo cho DNNN nhiều lợi thế tiếp cận nguồn lực hơn so với doanh nghiệp khu vực tư nhân, thiếu cạnh tranh, không tạo được áp lực nâng cao hiệu quả.
Thứ hai, một số hoạt động của DNNN chưa thật sự hướng tới cơ chế thị trường, nhiều DN có lợi thế cạnh tranh bằng giá cả do hạch toán chi phí không phản ánh đầy đủ hao phí sử dụng các nguồn lực. Trong nhiều trường hợp chưa quán triệt nguyên tắc kỷ luật tài chính và ràng buộc ngân sách cứng đối với DNNN.