1/1/2016: Ôtô nhập tăng giá mạnh
Các hãng ô tô nhập khẩu khẳng định, với cách tính thuế đang xây dựng hiện nay thì từ 1/1/206, giá ôtô nhập khẩu sẽ tăng giá mạnh.
Các hãng nhập khẩu ôtô vừa có đơn gửi lên Thủ tướng phản ánh về việc liên tục thay đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), gây khó khăn kinh doanh. Theo đó, 8 DN nhập khẩu chính hãng cho biết, Nghị định số 108/2015/NĐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB vừa được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 lại sắp bị thay thế.
Loạn vì cách tính thuế?
Quốc hội đang thảo luận để sửa đổi bổ sung Luật Thuế TTĐB, dự kiến cũng có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Theo dự thảo, cách tính thuế TTĐB bị thay đổi khác đi so với hướng dẫn của Nghị định 108/2015/NĐ-CP vừa ban hành hôm 28/10.
Cụ thể, trong Dự thảo trình Quốc hội đề nghị sửa đổi bổ sung khoản 1 và khoản 2 điều 6 Luật Thuế TTĐB như sau: “Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán ra, nhưng không được thấp hơn mức tỷ lệ (%) do Chính phủ quy định, so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra”.
Điều này trái ngược với hướng dẫn trong Nghị định 108/2015/NĐ-CP là: “giá làm căn cứ tính thuế là giá do DN bán ra, không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu”.
Các DN cho biết, nếu áp dụng quy định này, sẽ không thể nào tính được giá bán xe cho các hợp đồng từ ngày 1/1/2016 và DN cũng không dám bán xe, vì bán là bị truy thu thuế ngay. Việc sửa đổi với nội dung hoàn toàn khác biệt, trong thời gian quá ngắn sẽ tác động đến sự ổn định của thị trường.
Một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh xe nhập khẩu cho biết, có thể lấy ví dụ vụ Sabeco bị truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế TTĐB. Sabeco, đã lập ra một hệ thống tiêu thụ bao gồm công ty con do mình nắm 100% vốn. Thuế TTĐB được tính, kê khai qua giá bán ra của công ty mẹ.
Sau đó, công ty con của Sabeco lại thành lập hàng chục công ty cháu, đơn vị liên kết tại các vùng với tỷ lệ sở hữu 90-94% và bán các sản phẩm qua hệ thống đại lý. Với mô hình nhiều cấp này, Sabeco đã hạ giá bán tại nơi sản xuất, nhưng tăng dần trong khâu thương mại., khiến số thuế nộp giảm thiểu.
Để ngắn chặn tình trạng này, cơ quan soạn thảo đã đưa ra quy định: “đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán ra, nhưng không được thấp hơn mức tỷ lệ (%) do Chính phủ quy định, so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra”.
Tuy nhiên do không quy định tỷ lệ (%) cụ thể là bao nhiêu, nên DN lo ngại khi bán hàng sẽ không biết bị tính thuế như thế nào?
Giá xe tăng mạnh?
Ngoài lo ngại đó ra, còn lo ngại lớn hơn nữa khiến 8 DN nhập khẩu đưa ra đề nghị lùi thời gian áp dụng Nghị định 108/2015/NĐ-CP sang ngày 1/7/2016 thay vì từ 1/1/2016.
Từ vụ Sabeco, Kiểm toán Nhà nước cũng đề xuất khắc phục "lỗ hổng về chính sách" trong cách tính thuế TTĐB. Việc áp thuế TTĐB với các cơ sở thương mại nói chung mà không chỉ rõ độc lập hay không độc lập của các đơn vị này với nhà sản xuất, nhập khẩu, dẫn đến nhiều hiểu lầm.
Chính vì vậy, tại Nghị định 108/2015/NĐ-CP đã quy định, cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở không có quan hệ công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất và là cơ sở đầu tiên trong khâu lưu thông thương mại. Quan hệ công ty mẹ, công ty con được xác định theo quy định của Luật DN”.
Hiện có 3 mô hình kinh doanh mà cả DN sản xuất, lắp ráp xe trong nước lẫn nhập khẩu đang áp dụng, đó là nhà nhập khẩu (hoặc nhà sản xuất) tách riêng với nhà phân phối và đại lý bán lẻ; tiếp đến là nhà nhập khẩu (hoặc nhà sản xuất) với nhà phân phối là một, chỉ tách riêng đại lý bán lẻ và thứ 3 là nhà nhập khẩu (hoặc nhà sản xuất) với nhà phân phối và đại lý bán lẻ là một, không tách riêng.
Theo quy định mới, những DN đang kinh doanh theo mô hình nhà nhập khẩu (hoặc nhà sản xuất) tách riêng với nhà phân phối và đại lý bán lẻ sẽ chịu mức thuế TTĐB tăng thấp nhất. Bởi, giá tính thuế được tính dựa trên giá bán ra của nhà nhập khẩu (hoặc nhà sản xuất) có hóa đơn xuất hàng cho nhà phân phối.
Còn với mô hình thứ hai, sẽ chịu mức thuế TTĐB cao hơn, do nhà nhập khẩu (hoặc nhà sản xuất) với nhà phân phối là một, nên giá tính thuế sẽ căn cứ trên trên hóa đơn xuất hàng cho đại lý bán lẻ.
Và với mô hình kinh doanh thứ 3, nhà nhập khẩu (hoặc nhà sản xuất) với nhà phân phối và đại lý bán lẻ cùng trong một DN, sẽ có mức thuế chịu cao nhất, do bị tính trên hóa đơn xuất ra từ đại lý bán lẻ cho khách hàng.
Theo đó, giá tính thuế vào thời điểm này đã cộng thêm nhiều chi phí, kể cả lợi nhuận của các khâu phân phối và bán lẻ. Như vậy chi phí thuế sẽ đội lên và giá bán sẽ tăng cao. Cả 8 DN nhập khẩu ô tô nêu trên đều đang kinh doanh theo mô hình thứ 3.
Một số tính toán cho thấy với thời điểm tính thuế này, giá xe nhập khẩu có thể tăng từ 15%-30% tùy mẫu.
Vì vậy, các DN nhập khẩu ô tô vừa lo ngại Nghị định 108/2015/NĐ-CP bị thay đổi, lại vừa muốn lùi thời gian thực hiện Nghị định này thêm 6 tháng. Lý do các DN đưa ra, là để nghiên cứu hiểu đúng cách tính thuế mới, áp dụng và lập kế hoạch hoạt động, đầu tư nhân sự và tránh xáo động kinh doanh, người lao động, thị trường, người tiêu dùng. Cũng có thể hiểu, đó là thời gian thay đổi mô hình kinh doanh, theo hướng tách nhà nhập khẩu với phân phối và đại lý bán lẻ, thành các đơn vị độc lập. Tuy nhiên, việc nay không thể làm nhanh được.