Thị trường thuốc đông y Trung Quốc bùng nổ vì đâu?

13/09/2017 14:17 PM | Xã hội

“Thuốc đông y đang ở thời kỳ hoàng kim”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói.

Với lịch sử 2.500 năm, ngành thuốc đông y Trung Quốc (TCM) luôn tự hào về hệ thống chữa trị của mình. Điều đáng ngạc nhiên hơn là cùng với sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc, TCM cũng đang phát triển và mở rộng nhanh chóng.

Ông Fang Yuan là một trong 10.000 thương lái ở làng thuốc bắc Bozhou, nơi tập trung buôn bán những nguyên liệu thuốc bắc của ngành thuốc cổ truyền Trung Quốc. Tại đây, người ta buôn bán đủ loại thuốc đông y, từ trầm kỳ nam, ếch khô cho đến dương hoàn của hươu, sừng hươu. Có thể nói, chợ thuốc Bozhou là nơi định giá chính cho thị trường thuốc đông y Trung Quốc.

Câu chuyện của Bozhou là minh chứng rõ nét cho sự bùng nổ của ngành TCM. Số bệnh viện chỉ chuyên chữa trị bằng đông y hoặc đông tây y kết hợp tại Trung Quốc đã tăng từ 2.500 năm 2003 lên 4.000 vào cuối năm 2015.

Thị trường thuốc đông y Trung Quốc bùng nổ vì đâu? - Ảnh 1.

Đặc biệt, số chứng chỉ cấp hành nghề đông y vào năm 2011 đã tăng vọt 50% lên tới 452.000. Chính phủ nước này cũng đã cấp chứng chỉ an toàn thực phẩm và dược phẩm cho khoảng 60.000 vị thuốc, gần tương đương với 1/3 số vị thuốc đang lưu thông trên thị trường. Vào năm 2015, số liệu chính thức cho thấy các bác sĩ và bệnh viện đông y đã đón tiếp 910 triệu lượt khám bệnh, tương đương 16% tổng số và tăng 14% so với năm 2011.

Câu chuyện thuốc đông y này thực sự gây ấn tượng với các chuyên gia nước ngoài, nhất là sau khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911 và TCM bị các bác sĩ cũng như nền khoa học phương Tây nghi ngờ sâu sắc. Các học giả Phương Tây cho rằng nhu cầu đối với thuốc đông y Trung Quốc ngày càng tăng hiện nay phần lớn là do thu nhập của người dân tăng, qua đó kích thích niềm tin rằng nếu sử dụng những thực phẩm chức năng bổ dưỡng đông y, họ có thể tránh được nhiều bệnh tật.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của đông y phải kể đến công của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chủ tịch Tập đã gọi đông y là “hòn ngọc của khoa học truyền thống Trung Quốc” và thừa nhận rằng mình có sử dụng thuốc đông y.

“Thuốc đông y đang ở thời kỳ hoàng kim”, Chủ tịch Tập tuyên bố.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc này thậm chí đã kêu gọi những chuyên gia, thấy thuốc đông y tích cực phát triển, truyền bá loại hình chữa bệnh này ra ngoài thế giới. Kể từ năm 2012 khi Chủ tịch Tập lên nắm quyền, chính quyền Bắc Kinh đã liên tục nhấn mạnh rằng thuốc đông y Trung Quốc có vị thế tương đương với cái gọi là “Tây y” và ban hành một loạt chính sách, kế hoạch để phổ biến loại hình chữa bệnh này cho mọi người từ nay đến năm 2020.

Thị trường thuốc đông y Trung Quốc bùng nổ vì đâu? - Ảnh 2.

Liều thuốc của riêng mình

Đầu năm 2016, chính quyền Bắc Kinh đã đề ra một kế hoạch phát triển TCM trong vòng 15 năm tới. Theo đó, y học cổ truyền nên có được vị thế bình đẳng với Tây y và cũng nên được kiểm định, phân loại tiêu chuẩn như các loại thuốc Tây.

Những tài liệu trong Sách Trắng (White Paper) của Trung Quốc cuối năm 2016 cho thấy TCM sẽ đóng vai trò chủ chốt trong quá trình tái cơ cấu ngành y tế do có mức giá cả phải chăng.

Đến tháng 7/2017, lần đầu tiên Trung Quốc ban hành bộ luật đông y, qua đó quy định những tiêu chuẩn về thuốc bắc cũng như những thành phần nguyên liệu được bao gồm trong đó. Bộ luật này cũng quy định cách gieo trồng các vị thuốc, như cấm sử dụng các hóa chất hay quy định tiêu chuẩn sản xuất viên nén thuốc đông y tại các nhà máy.

Tuy nhiên, bộ luật mới này cũng nới lỏng việc hành nghề y. Trước đây, một bác sĩ đông y phải trở thành bác sĩ Tây y trước rồi mới được thi lấy bằng đông y. Hiện tại, một người hoàn toàn có thể lấy bằng hành nghề đông y thông qua các bài kiểm tra tại địa phương cũng như nhận được sự giới thiệu từ 2 thầy thuốc đông y khác. Động thái này khiến nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng lăng băm sẽ gia tăng.

Thị trường thuốc đông y Trung Quốc bùng nổ vì đâu? - Ảnh 3.

Chính quyền Bắc Kinh cho rằng việc sử dụng những nguyên liệu thuốc có nguồn gốc tự nhiên giá rẻ sẽ nâng cao được khả năng phòng bệnh của người dân với chi phí thấp hơn. Số liệu chính thức cho thấy những bệnh nhân nội trú trong các bệnh viện đông y tiêu tốn ít hơn 24% so với các bệnh viện thường. Con số này là 12% đối với bệnh nhân ngoài.

Với tiêu chuẩn mới, chính phủ Trung Quốc đã thu hồi 81 giấy phép sản xuất thuốc đông y của các doanh nghiệp, qua đó làm giấy lên hy vọng chấn chỉnh ngành thuốc đang bị nới lỏng này.

Hiếm bằng chứng

Mặc dù vậy, các nhà khoa học Phương Tây vẫn chưa tìm thấy được nhiều bằng chứng về hệ thống đông y với cơ thể con người. Những thử nghiệm lâm sàng ban đầu cho thấy các phương pháp điều trị TCM có hiệu quả với một số loại bệnh như đau nửa đầu hay béo phì. Một số thí nghiệm cũng cho thấy kết quả tích cực khi kết hợp đông tây y trong chữa trị tâm thần phân liệt.

Tuy nhiên, những nghiên cứu diện rộng cùng các bằng chứng khoa học với đông y vẫn còn nghèo nàn. Viện sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH) đã xem xét 70 báo cáo về các trường hợp thí nghiệm điều trị bằng đông y và kết luận 41 trong số đó có quy mô quá nhỏ hoặc không đủ bằng chứng khoa học để chứng minh. Trong số 29 trường hợp còn lại, dù kết quả khá tích cực nhưng các mẫu thử nghiệm không khách quan hoặc thiếu sót.

Thị trường thuốc đông y Trung Quốc bùng nổ vì đâu? - Ảnh 4.

Hơn nữa, chuyên gia Su Chuen Li của trường đại học Newcastle nhận định các nghiên cứu về đông y cho thấy chúng có lợi ích nhưng không đáng kể trong vai trò chữa bệnh. Chuyên gia Martin Taylor của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Bắc Kinh nhận định TCM mang tính chất phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hầu hết các bác sĩ đông y sẽ tinh chỉnh liều thuốc khi kê đơn cho từng bệnh nhân và phải thăm viếng thường xuyên chứ chưa có một hệ thống kê đơn thống nhất.

Trong khi đó, những loại thuốc đông y được sử dụng rộng rãi ngày nay lại mang thiên hướng thực phẩm chức năng hơn là chữa trị 1 loại bệnh nào đó cụ thể.

Ngoài ra, chuyên gia Meng Ahibin của viện động vật học Bắc Kinh (IZB) cho biết khoảng 22% trong số 112 vị thuốc đông y phổ biến nằm trong danh sách các loài sắp tiệt chủng. Một số nguyên liệu khó có thể trồng hay nuôi dưỡng mà phải săn bắn, khai thác từ thiên nhiên, ví dụ như sừng tê tê.

Mặc dù trang trại Trung Quốc có nuôi tê tê nhưng cung không đủ cầu và nạn buôn lậu tê tê vẫn diễn ra thường xuyên bất chấp lệnh cấm trên toàn thế giới.

BT

Cùng chuyên mục
XEM