Thị trường tablet suy giảm hai năm liên tiếp, thời kỳ suy thoái bắt đầu?
Từng được kỳ vọng sẽ liên tiếp bùng nổ nhưng trong 2 năm trở lại đây doanh số máy tính bảng đang đi xuống. Điều gì đang xảy ra?
Hai năm liên tiếp giảm doanh số
Báo cáo của IDC cho thấy quý 3/2016 toàn thị trường tablet bán được 43 triệu chiếc, thấp hơn so với quý cùng kỳ năm 2015 (đạt 50,5 triệu chiếc). Mặc dù tăng so với quý 2 nhưng tất cả các quý đều giảm so với cùng kỳ năm 2015, chắc chắn dẫn đến nguy cơ cả năm 2016 doanh số giảm so với năm 2015, báo hiệu thời kỳ giảm của tablet.
Trước đó, từ biểu đồ trên cho thấy, doanh số 2015 của tablet cũng giảm so với năm 2014. Con số thống kê này bao gồm máy tính bảng tiêu chuẩn và máy tính bảng với bàn phím có thể tháo rời (như Asus Transformer…).
Nếu thống kê phân loại theo hệ điều hành thì Android vẫn đang thống trị về thị phần khi chiếm đến 65% trong khi các tablet iPad chạy iOS của Apple lại là những thiết bị bán chạy nhất. Apple vẫn là một trong những nhà sản xuất tablet bán chạy khi chiếm 25,8% thị phần.
Mặc dù doanh số tablet đang giảm, nhưng Apple vẫn thể hiện sự vượt trội khi gia tăng thị phần. Samsung giữ vị trí Á quân với 15,6%, tiếp đến là Lenovo với 6,6%. Thật thú vị khi Amazon cũng có mặt trong top 5 nhà sản xuất tablet có doanh số hàng đầu với 4% thị phần.
Hiện vẫn chưa có kết quả doanh số của quý 4 – vốn là mùa mua sắm trong năm – nhưng nhìn từ thời vàng son của năm 2013, 2014 thì vẫn có thể nhận định rằng doanh số của quý 4 sẽ khó lòng thoát khỏi chuỗi suy giảm đã từng xảy ra với các quý liền trước.
Theo IDC, sẽ có khoảng 183,4 triệu tablet sẽ được bán ra trong năm 2016, tương ứng với tỉ lệ giảm 11,5% so với 2015.
Những nguyên nhân khiến thị trường suy giảm
Về tổng quan, có nhiều lý do dẫn đến sự suy giảm doanh số máy tính bảng.
Đầu tiên, người dùng thường không duy trì thói quen thường xuyên thay đổi máy tính bảng như với smartphone, nhiều người thường dùng xuyên suốt một chiếc máy tính bảng ít nhất vài năm.
Thêm vào đó, người dùng thường làm rơi smartphone trong khi chiếc tablet của họ vẫn nằm an toàn trên mặt bàn do đặc thù thiết kế - tablet không thể bỏ túi áo, khó cầm một tay.
Tiếp nữa, việc dùng smartphone thường xuyên hơn khiến cho hiệu suất pin của máy giảm mạnh sau mỗi năm, nhưng số lần sạc máy tính bảng lại ít hơn rất nhiều do tần suất sử dụng khiêm tốn hơn.
Người dùng thường xuyên lấp đầy điện thoại với hình ảnh, ứng dụng, nhạc trong khi bộ nhớ tablet thường còn dung lượng trống khá dư dả, thỉnh thoảng mới có thêm phim hoặc trò chơi mới.
Tóm lại thì cũng giống như một chiếc TV, việc mua sắm tablet mới chỉ thực sự đến khi có những lí do đặc biệt xuất hiện.
Bên cạnh đó, sự xâm lấn của những thiết bị lai phablet với màn hình lớn đến hơn 6 inch nên sẽ khiến người dùng cảm thấy không cần thiết phải mua một thiết bị có màn hình chỉ lớn hơn smartphone của họ một chút. Thậm chí nhiều người dùng còn không biết công dụng thực sự của một chiếc tablet: thiết bị giải trí, hỗ trợ cá nhân hay xử lý công việc?
Với các nhà tiếp thị thì tablet là một thiết bị “thần thánh” với hiệu suất cao: một chiếc Surface 3 có thể thay thế máy tính xách tay, iPad dành cho các nhà khí hậu hoặc sinh vật biển, Galaxy Tab dành để ghi chú công việc và làm việc với các tập tin. Nhưng liệu có mấy người thực sự muốn dùng tablet cho những mục đích trên?
Có một thực tế rằng, gần như tất cả các máy tính bảng bán chạy trên Amazon đều có màn hình khiêm tốn, cấu hình khiêm tốn… Mặc cho tất cả những lời quảng cáo như xử lý tập tin văn phòng hay kèm theo bút cảm ứng, người dùng tablet vẫn thích dùng tablet để lướt web, mạng xã hội nhiều hơn dùng nó để tạo ra các slide PowerPoint phục vụ công việc. Khi có sự bối rối về mục đích sử dụng, bản thân người tiêu dùng muốn sắm một chiếc tablet sẽ có thêm nhiều lí do để phân vân, đắn đo trước khi quyết định chính thức mua máy tính bảng về dùng.
Đang tồn tại một vòng lặp kém lạc quan, khi doanh số giảm thể hiện người dùng không mấy mặn mà với tablet nữa. Khi sức hút của tablet không còn tồn tại thì các nhà phát triển cũng không quan tâm đến việc phát triển mới hay nâng cấp ứng dụng dành riêng cho tablet. Khi số lượng và chất lượng ứng dụng đủ tốt dành cho tablet sụt giảm thì đây lại là nguyên nhân tiếp tục kéo giảm doanh số máy tính bảng do người dùng không còn cảm thấy thú vị trong trải nghiệm ứng dụng trên các thiết bị màn hình lớn này.
Cạnh tranh là một trong những yếu tố sống còn cho sự phát triển, và việc thiếu vắng cạnh tranh cũng là nguyên nhân chính dẫn đến giảm động lực để nâng cấp hay trình làng những siêu phẩm máy tính bảng mới. Có đến hàng chục smartphone đầu bảng tham gia vòng chiến sau mỗi năm và mang theo nhiều vũ khí chiến lược của từng nhà sản xuất. Tablet thì không như vậy, Apple hiện vẫn đang ung dung khôi đầu về mặt doanh số khi bỏ xa đối thủ kế cận là Samsung khoảng 3 lần và thâu tóm hầu hết lợi nhuận trong thị trường máy tính bảng. iPad vẫn là những cái tên giúp người dùng còn nhớ đến sự tồn tại của những máy tính bảng, mặc cho các lời quảng bá của tablet Samsung Galaxy hay Microsoft Surface.
Dự báo lạc quan
Nhưng đừng vội bi quan quá lâu, dự báo của IDC cũng thể hiện rằng tình hình kinh doanh tablet sẽ sớm khá khẩm hơn với sự tăng trưởng trở lại vào năm 2018.
Công ty nghiên cứu thị trường này cũng tiên đoán doanh số máy tính bảng cụ thể sẽ sớm quay lại mốc 194,2 triệu máy vào năm 2020 khi phần lớn kỳ vọng cho sự tăng trưởng được đặt lên vai các khách hàng doanh nghiệp với những máy tính bảng có bàn phím tháo rời.
Theo dự báo quý của IDC, cả nền tảng Windows và iOS gần như đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng doanh nghiệp và phiên bản Android mới nhất cũng đã sẵn sàng bước vào cuộc đua tam mã khi đã cải tiến khả năng đa nhiệm, tính năng bảo mật. Sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong thời gian thời gian tới giữa các nền tảng dành cho máy tính bảng sẽ góp phần tạo động lực cho sự tăng trường trở lại.