Thị trường Mỹ: Vào khó, ra dễ

25/05/2016 08:34 AM | Kinh tế vĩ mô

Trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama không lâu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack cùng một số doanh nghiệp (DN) Mỹ đã có chuyến khảo sát thị trường Việt Nam.

Ông Tom Vilsack đánh giá, TPP hứa hẹn mở rộng cửa thị trường cho nông sản Việt Nam. Theo đó, sau thanh long, chôm chôm, nhãn thì xoài và vú sữa là 2 loại quả đang được đàm phán để nhập vào thị trường Mỹ.

Liên quan đến xuất khẩu nông sản vào thị trường này, ông Huỳnh Quang Đấu - Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận, cơ hội là có nhưng đường đi vẫn còn lắm gian nan.

* Mỹ là thị trường lớn nhất trong số 12 nền kinh tế tham gia TPP. Mỹ cũng là đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo ông điều đó có tạo ưu thế cho những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ, đặc biệt là nông sản?

- TPP được xem là hiệp định thương mại chất lượng nhất từ trước đến nay, các thành viên TPP chiếm đến 30% thương mại toàn cầu, với nhiều thị trường lớn mà bất kỳ DN nào cũng muốn đưa hàng hóa vào, nên cơ hội là có. Tuy nhiên, các thị trường lớn trong khối như Mỹ, Canada hay Nhật Bản đều đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, nhất là nông sản hữu cơ.

Mà muốn có nông sản hữu cơ thì phải áp dụng đồng bộ những quy trình sản xuất, công nghệ từ khâu chọn giống, canh tác, thu hoạch và sau thu hoạch. Đây là thách thức với nông dân bởi nếu mình họ thì không thể "tự bơi" trong hội nhập được.

* Như vậy là phải có các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc...

- Mỹ là quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại, cho nên trong thương mại hai chiều, Việt Nam vẫn được xem là thị trường tiềm năng của họ. Nhiều DN Mỹ, hiệp hội về nông nghiệp thuộc các bang của họ đã sang Việt Nam khảo sát thị trường. Do vậy, về phía Việt Nam, theo tôi, Nhà nước, mà cụ thể là các bộ, ngành liên quan phải có định hướng cụ thể trong việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.

Chẳng hạn, thông qua ý kiến của DN cũng như sự hỗ trợ của tham tán thương mại ở Mỹ, Bộ Công Thương có thể xây dựng mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường này, phổ biến cho nông dân về các tiêu chuẩn canh tác, thu hoạch, chất lượng sản phẩm tương thích với yêu cầu khi xuất khẩu sang Mỹ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì định hướng, quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp với từng loại sản phẩm. Còn Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ định hướng, giới thiệu những máy móc, công nghệ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Hiện nay, về lý thuyết thì nước ta có định hướng cho nông sản nhưng thực tế thì chưa thấy gì cụ thể. Thậm chí, ngay như DN trong lĩnh vực nông sản vẫn chưa được hỗ trợ nhiều về vốn, lãi suất khi vay tiền để đầu tư thiết bị, mức lãi suất vẫn cao, dao động từ 10 - 11,5%.

* Hệ thống bán lẻ tại Mỹ lớn nhất thế giới, việc đưa nông sản của Việt Nam vào đấy hiện nay ra sao, thưa ông?

- Đưa hàng hóa có thương hiệu (không phải hàng gia công) vào thị trường Mỹ là không dễ. Nông sản xuất sang Mỹ phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm phải có số lượng, chất lượng ổn định, kích cỡ đồng đều, đẹp mắt.

Muốn vậy, DN phải kiểm soát được các khâu từ giống, vùng trồng, thu hoạch cho đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không đạt phải mạnh tay hủy lô hàng, thậm chí là để nông dân chứng kiến, nhằm giúp họ tiếp cận với cách làm ăn, quan hệ thương mại trong hội nhập. Khi đã xác định sản phẩm xuất khẩu thì DN phải đăng ký thương hiệu ngay để các cơ quan quản lý của Mỹ cấp chứng nhận.

Thời điểm tôi điều hành Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Antesco. Được vậy cũng phải mất 5 năm, thông qua một số Việt kiều, công ty ở Mỹ Antesco mới từng bước đưa được hàng hóa có thương hiệu riêng vào Mỹ. Nếu ngay từ đầu, vào thẳng hệ thống bán lẻ Mỹ sẽ rất khó vì ngoài vấn đề chứng nhận chất lượng còn phải đáp ứng sản lượng, giá.

* Việc xây dựng thương hiệu riêng cho nông sản vào thị trường Mỹ từng được Antesco tiến hành như thế nào?

- Xây dựng thương hiệu mất nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi sự kiên trì. Gắn bó với ngành rau quả 27 năm, tôi mất 10 năm để xây dựng thương hiệu cho Antesco. Việc tiến hành các thủ tục ở Việt Nam không khó nhưng khi sang Mỹ, họ rà soát rất kỹ và cho rằng cách phát âm giống với tên của nhà bán lẻ Tesco.

Chúng tôi đã giải thích chữ "An" đầu là viết tắt của "An Giang" nên mới được chấp nhận. Song, điều quan trọng để sản phẩm được người tiêu dùng Mỹ chấp nhận thì chất lượng tốt và ổn định mới là yếu tố then chốt.

* Cám ơn ông!

Theo DUY KHUÊ

Cùng chuyên mục
XEM