Thị trường F&B nhuốm màu Covid: 17% gặp khó về thanh khoản, nhiều DN cạn vốn, chỉ đủ cầm cự 1-3 tháng nữa

21/10/2021 11:28 AM | Kinh doanh

Covid-19 đang "ăn mòn" ngành thực phẩm và nông nghiệp, báo cáo Vietnam Report cho biết. 91% gặp khó về Logistics và phân phối, 17% doanh nghiệp gặp khó về thanh khoản. Có nhiều doanh nghiệp dòng tiền chỉ đủ duy trì 1 - 3 tháng...

Bức tranh ngành thực phẩm - đồ uống (F&B) Việt Nam đang "nhuốm màu" Covid-19, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho biết trong nghiên cứu về thị trường ngành mới đây.

Theo đó, trước năm 2020, thị trường F&B Việt Nam liên tục tăng trưởng và được đánh giá đầy tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2021-2025) là 4,98%. Quy mô thị trường dự kiến đạt 678 triệu USD với lượng người dùng dự kiến sẽ đạt 17,1 triệu vào năm 2025. 

Đứng trước đại dịch COVID-19, hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong ngành đã và đang đối mặt với bài toán sống còn. Năm 2020, có gần 48% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng không chịu tác động của đại dịch hoặc mức độ tác động ít, không đáng kể. 

Tuy nhiên, tác động kéo dài của đại dịch đến doanh nghiệp trong ngành trở nên rõ nét hơn sau đợt bùng phát vào tháng 4, và trở nên nghiêm trọng hơn kể từ tháng 7 với tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động ở mức nghiêm trọng đã lên tới hơn 91%. Điều này cho thấy sức chống chọi của doanh nghiệp đã có dấu hiệu đuối dần.

Khảo sát cũng phản ánh những khó khăn lớn nhất mà ngành F&B đang phải đối mặt. Trong đó, đáng chú ý nhất là vấn đề liên quan đến logistics và phân phối (chiếm 91%) khi mà một số vùng kinh tế trọng điểm của nước ta buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, kéo theo đó là đứt gãy nguồn lao động, nguyên vật liệu và cả chuỗi cung ứng... Một số biện pháp của Chính phủ như mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" hay cơ chế "luồng xanh" tỏ ra chưa phù hợp với tất cả các địa phương do đặc điểm mỗi địa phương khác nhau, gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa.  

Thị trường F&B nhuốm màu Covid: 17% gặp khó về thanh khoản, nhiều DN cạn vốn, chỉ đủ cầm cự 1-3 tháng nữa - Ảnh 1.

Khó khăn về logistics cũng là nguyên nhân khiến cho dự báo kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm nửa cuối năm giảm khoảng 30%. Cụ thể, thời gian và chi phí lưu kho tăng, dễ dẫn đến tình trạng "quá date" trước khi đến tay người tiêu dùng do các mặt hàng này đều có thời gian sử dụng ngắn. 

Các chuyên gia đánh giá COVID-19 đang "ăn mòn" ngành thực phẩm và nông nghiệp. So với năm trước, một số thách thức mới nảy sinh cùng với tác động lâu dài và nghiêm trọng của đại dịch đối với nền kinh tế, đó là: Làn sóng lây nhiễm/bùng phát COVID-19 mới (95%); Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu (60%). Một số thách thức khác đến từ bên trong doanh nghiệp mà trên 35% số doanh nghiệp F&B vấp phải trong quá trình thích ứng với những tác động của dịch bệnh bao gồm: (1) Đảm bảo an toàn y tế và lao động tại nơi làm việc; (2) Khả năng nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu chi phí để đáp ứng nhu cầu; (3) Mức giảm quy mô nhân sự/năng suất; (4) Khả năng quản lý hiệu quả các mô hình làm việc từ xa và tại chỗ kết hợp. 

Trao đổi với Vietnam Report, đại diện một số doanh nghiệp trong ngành cho biết, do đặc thù ngành sử dụng lực lượng lao động lớn, chi phí xét nghiệm cho lao động sẽ trở thành một gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp nếu không có được sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Bên cạnh những khó khăn trên, khoảng 17% số doanh nghiệp F&B cho biết đang gặp thách thức về tính thanh khoản. Trả lời phỏng vấn của Vietnam Report, đại diện một số doanh nghiệp trong ngành cho biết, ngay cả khi có lượng dự trữ tiền mặt lớn, các doanh nghiệp lớn trong ngành cũng sẽ gặp khó khăn nếu tình trạng giãn cách xã hội tiếp tục duy trì. Khảo sát mới đây của VnExpress cũng chỉ ra rằng, dòng tiền của 46% doanh nghiệp đã cạn, chỉ đủ để doanh nghiệp duy trì hoạt động từ 1-3 tháng nữa.

Đánh giá triển vọng ngành trong 6 tháng cuối năm 2021, phần lớn doanh nghiệp tỏ ra thận trọng hơn so với thời điểm cách đây một năm. 78% số doanh nghiệp cho rằng nửa cuối năm kinh doanh sẽ khó khăn hơn, tăng gấp đôi mức 37% của năm trước. Dẫu vậy, có đến 80% doanh nghiệp trong ngành tỏ ra tin tưởng vào sự phục hồi nhanh chóng của Việt Nam sau đại dịch.

Bình An

Từ khóa:  F&B , Vietnam report
Cùng chuyên mục
XEM