Thị trường F&B: Lãi như mở chuỗi nhà hàng?

01/05/2016 16:13 PM | Kinh doanh

Nhiều chuỗi nhà hàng đồ ăn thức uống do doanh nghiệp địa phương sáng lập không ngừng mở rộng. Trong khi các nhà đầu tư tài chính vẫn cho rằng đang tìm những khoản đầu tư mới để bỏ vốn. Phải chăng đây là lĩnh vực dễ kiếm lời?

Cùng với Huy Việt Nam, năm 2015, thương vụ thu hút đầu tư khiến giới truyền thông chú ý là việc chuỗi nhà hàng - cà phê Kafe Group thông qua sự hỗ trợ của Phó chủ tịch Huy Việt Nam, ông Dennis Nguyễn trong vai trò một Angel Investor đã huy động thành công 5,5 triệu USD (trong vòng gọi vốn đầu tiên) từ các quỹ đầu tư tại London và Hong Kong, trong đó có quỹ đầu tư tư nhân Cassia Investment (Hong Kong), quỹ đã đầu tư vào nhiều công ty thuộc lĩnh vực F&B ở khu vực châu Á.

Số tiền huy động sẽ được sử dụng cho mục tiêu mở rộng hệ thống nhà hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Sau đợt huy động 5,5 triệu USD, Giám đốc Điều hành Kafe Group Đào Chi Anh cũng chia sẻ, trong vòng 2 năm tới, Công ty sẽ tiến tới việc niêm yết trên sàn chứng khoán ở London hoặc Hong Kong để huy động thêm vốn từ các quỹ ngoại.

Hiện tại, dịch vụ nhà hàng vẫn được xem là lĩnh vực có sức hút với giới đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.

Chad Ovel - Tổng giám đốc Mekong Capital cho biết, chuỗi nhà hàng luôn hấp dẫn nhà đầu tư, vì hiện nay 99% nhà hàng ở Việt Nam là mở theo dạng riêng lẻ, ít theo dạng chuỗi. Quanh đi quẩn lại, thị trường chỉ một vài tên tuổi tự phát triển nhà hàng theo mô hình này (không kể nhà hàng nhượng quyền), điển hình như Nam An Group, Kafe Group, Huy Việt Nam, Golden Gate, TNG Holdings.

Theo Chad Ovel, quỹ mới của Mekong Capital là Mekong Enterprise Fund III., Ltd (MEF III) cũng đặc biệt chú ý đến lĩnh vực nhà hàng, điều này có thể thấy qua ban cố vấn của Mekong Capital có sự xuất hiện của nhân vật chính trong quá trình phát triển 12.000 nhà hàng cho chuỗi thức ăn nhanh KFC.

Tuy nhiên, theo đại diện của Mekong Capital, để tìm được khoản đầu tư khả thi cũng không phải chuyện đơn giản, bởi ngoài tầm nhìn của nhà sáng lập chuỗi, mục tiêu phát triển nhà hàng mới cũng quyết định đến thành bại của toàn bộ hệ thống, khả năng mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.

"Theo tôi, để phát triển bền vững một chuỗi nhà hàng, tốc độ mở rộng phải được khống chế dưới 50% mỗi năm vì đây là ngành đòi hỏi nhân lực có chuyên môn, được huấn luyện bài bản, phục vụ tốt, việc phát triển nhanh quá sẽ dễ làm hỏng hệ thống", Chad bày tỏ quan điểm.

Liên quan đến việc gọi vốn đầu tư để phát triển chuỗi nhà hàng, ông Huy Nhật - Chủ tịch HĐQT Công ty Huy Việt Nam, cho biết, hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư tài chính quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp thực phẩm và đồ uống (Food&Beverage - F&B) ở Việt Nam, cụ thể là mảng dịch vụ nhà hàng ăn uống, nhưng để thuyết phục họ bỏ vốn, chí ít doanh nghiệp phải có mô hình nhà hàng đặc trưng, có nguồn khách ổn định tại chỗ và chiến lược rõ ràng.

Nói về mục tiêu sắp tới của Huy Việt Nam, ông Huy Nhật tiết lộ, Công ty đang nhắm đến việc mở rộng chuỗi nhà hàng ra thị trường một số nước. Đây cũng là bước đi làm tăng giá trị các thương hiệu do công ty quản lý.

Nói đến lĩnh vực dịch vụ ăn uống, ông Johan Nyvene - Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, đây là lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư tài chính nhưng thực tế ở Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp "tầm cỡ" nên hiếm có cơ hội để nhà đầu tư nhảy vào.

Theo một thống kê về ngành F&B của Việt Nam, xét ở khu vực dịch vụ ăn uống, hiện có trên 540.000 cửa hàng ăn uống, trong đó có 430.000 cửa hàng nhỏ, hơn 7.000 nhà hàng thức ăn nhanh, 22.000 nhà hàng cà phê, bar và hơn 80.000 nhà hàng phát triển bày bản.

Song, trong số này, nhà hàng phát triển theo dạng chuỗi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Lĩnh vực phát triển chuỗi nhà hàng thực chất cũng giống như thuyết con gà và quả trứng, muốn có hệ thống chuỗi nhà hàng quy mô để thu hút nhà đầu tư thì cần có vốn, ngược lại, nếu đã có vốn để phát triển hệ thống lên tầm mới thì liệu chủ doanh nghiệp có cần nguồn tài chính từ quỹ đầu tư?

Theo ông Johan, chuỗi nhà hàng là lĩnh vực, đầu tư "kén khách", không chỉ có vốn, bên đi đầu tư cũng phải có đội ngũ sở hữu kinh nghiệm về ngành và am tường quản trị doanh nghiệp vì phần lớn nhà đầu tư chưa thực sự yên tâm về khâu này trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Hơn nữa, theo HSC, việc định giá quá chênh lệch giữa nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà hàng trong nước đang còn khá xa nên ít có cơ hội cho nhà đầu tư tài chính. Bởi việc định giá kinh doanh chuỗi nhà hàng không chỉ dựa vào số cửa hàng hiện có mà là nhìn vào những giả thiết về sự phát triển của thị trường tiềm năng, chuỗi cửa hàng sẽ mở trong tương lai, dòng tiền trong tương lai ra sao...

Theo ông Louis Nguyễn, điều mà nhà đầu tư quan tâm khi đầu tư vốn vào các chuỗi nhà hàng không chỉ đơn thuần là nhìn lượng khách và doanh thu từ kinh doanh của từng cửa hàng ở hiện tại mà sau 3 hay 5 năm nữa, khi chuỗi đã phát triển đến quy mô nhất định (tạm gọi là sở hữu khối tài sản), họ có thể thu bao nhiêu phần trăm lợi nhuận qua hoạt động IPO, niêm yết hoặc kêu gọi thêm nhà đầu tư.

Đó cũng là lý do giải thích vì sao có nhiều chuỗi nhà hàng chỉ mới vài năm thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ nhưng các nhà đầu tư tài chính vẫn không ngại đổ vốn vào.

Điều này có thể thấy qua trường hợp của KAfe Group (đang sở hữu các nhãn hiệu The KAfe, The KAfe Village, The KAfe Box và The Burger Box cùng 2 dòng đồ uống riêng là trà và cà phê (KAfe Cup) và nước ép trái cây (The KAfe Pressed).

Đầu năm 2016, KAfe Group đã mua lại thương hiệu cửa hàng bánh ngọt Mint Cupcake Creations), khi các quỹ đầu tư ngoại vào, họ mới có 4 cửa hàng ở Hà Nội nhưng hiện đã mở rộng lên 12 cửa hàng tại Hà Nội lẫn TP.HCM.

Cùng chuyên mục
XEM