Thị trường đã là đại dương đỏ, vì sao Shark Dzũng vẫn quyết định đầu tư 2 tỷ đồng vào startup tìm việc này?

13/08/2018 10:52 AM | Kinh doanh

“Mảng này cạnh tranh khá khốc liệt. Trên thị trường đã có khá nhiều người chơi lớn và cũng mười mấy năm nay. Tuy nhiên, tôi tin tiềm năng của mảng này nếu làm tốt thì vẫn tồn tại, không phải người thắng dành là người dành tất cả”, shark Dzũng nhận xét.

Một thế hệ thích nhảy việc

Hiện nay trên thế giới, thế hệ baby boomer (sinh năm 1946 - 1964) và thế hệ X (sinh năm 1964 - 1984) đang lùi về sau để thế hệ Y (sinh từ 1980 đến 1994) và Z (1995-2012) tiếp tục làm thay đổi bộ mặt của thị trường lao động. Đây là những thế hệ được sinh ra ở thời kỳ kinh tế tốt hơn, được chú trọng giáo dục nên họ cũng có những nhu cầu và mong đợi công việc khác nhau. 

Họ đi làm không chỉ để kiếm tiền mà còn để thỏa mãn niềm đam mê và thú vui. Thế hệ này thường muốn thay đổi để được trải nghiệm các công việc khác nhau cho đến khi tìm được công việc phù hợp với tính cách và đam mê của mình. Vì vậy họ thường không muốn gắn bó lâu dài và trung thành với một nhà tuyển dụng nào.

Tại Việt Nam, khảo sát của Anphabe trên 26.000 người làm việc cũng cho thấy chỉ có 13,8% nhân viên thật sự gắn kết với công ty, 46,9% nhân viên gắn kết, 36,8% thờ ơ và 2,5% rất không gắn kết. Đáng chú ý, trong số 39,3 % nhân sự thờ ơ với công ty thì có tới 67% vẫn ở lại. 33% còn lại tìm cơ hội để chuyển đổi môi trường làm việc. 

Đặc điểm không gắn kết này một phần do nền kinh tế công nghệ 4.0, việc chuyển dịch cơ cấu việc làm đang diễn ra rất nhanh, nhiều việc làm bị mất đi bởi AI, tự động hoá nhưng cũng rất nhiều việc làm mới được sinh ra. Bối cảnh đó cộng với sự năng động chủ động tìm kiếm việc làm mới của các bạn trẻ kéo theo tiềm năng phát triển của thị trường dịch vụ tìm kiếm việc làm.

Mảng này cạnh tranh khá khốc liệt. Trên thị trường đã có khá nhiều người chơi lớn và cũng mười mấy năm nay. Tuy nhiên, tôi tin rằng mảng này nếu làm tốt thì vẫn còn tồn tại, không phải the winner takes it all (người thắng là người có tất cả)”, Shark Dzũng nhận xét khi quyết định đầu tư vào một dự án startup cung cấp giải pháp tìm kiếm việc làm trong chương trình Shark Tank mới đây.

Theo giới thiệu của nhà sáng lập kiêm CEO Phạm Thanh Hải, JobsGO là một trong những nền tảng tìm kiếm việc làm trên di động đầu tiên tại Việt Nam. Dự án này hy vọng với một chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm mọi lúc mọi nơi.

Thị trường đã là đại dương đỏ, vì sao Shark Dzũng vẫn quyết định đầu tư 2 tỷ đồng vào startup tìm việc này? - Ảnh 1.

Tìm việc bằng điện thoại liệu có trở thành mốt?

Ý tưởng của JobsGO được cho là khá mới mẻ khi phần lớn các công cụ tìm kiếm hiện nay đều tập trung vào công cụ website. Và để tìm việc, người dùng thường tạo hồ sơ trên các trang website này đính kèm hồ sơ gửi đến nhà tuyển dụng đăng tuyển nếu có.

Điểm mới theo giới thiệu của CEO Phạm Thanh Hải là JobsGO là nền tảng trên điện thoại, có thể đăng nhập qua tài khoản Facebook và không cần hồ sơ đính kèm. Tháng 5/2017, đội ngũ của anh cho ra mắt ứng dụng, sau 1 năm thu được lượng ứng viên hoạt động hàng ngày là 10.000 người dùng, 1.500 lượt ứng tuyển mỗi ngày, trung bình 1 phút có 1 lượt người dùng mới tìm đến ứng dụng.

“JobsGO tham vọng 3 năm trở thành nền tảng tuyển dụng và tìm kiếm hàng đầu Việt Nam, sau đó 5 năm có thể ra khu vực”, CEO này tự tin về tiềm năng của ứng dụng mặc dù thị trường đầy cạnh tranh khốc liệt.

Tới Shark Tank với hy vọng huy động 2 tỷ đồng cho 5% cổ phần, JobsGO may mắn nhận được cái gật đầu từ shark Dzũng với lời đề nghị 2 tỷ đồng cho 10% cổ phần cùng yêu cầu cam kết CEO Phạm Thanh Hải phải gắn bó 3 năm với dự án. Shark Dzũng vốn là gương mặt đầu tư mát tay khi từng đầu tư vào các dự án công nghệ như Tiki, Foody, CleverAds…

Hai điểm khác biệt của JobsGO từ phía người tìm việc và nhà tuyển dụng mà hiện chưa nền tảng nào phát triển đã ghi điểm để vị shark này rót vốn.

Về phía người tìm việc, với việc điện thoại, các thiết bị mobile ngày càng phổ biến như hiện nay, mô hình của JobsGO giúp họ xem nhanh những cơ hội việc làm mới cho mình ở mọi lúc, mọi nơi. Với các tính năng đẩy tin và định vị, người dùng có thể tiếp cận nhanh nhất được với những cơ hội việc làm hấp dẫn ở ngay gần mình, từ đó tạo ra lợi thế trong việc ứng tuyển sớm. Có thể xem hiện JobsGO đang đặt cược vào sự chuyển dịch người dùng tìm việc từ nền tảng web qua nền tảng mobile.

Về phía nhà tuyển dụng, nhờ việc người tìm việc đã được xác định tiêu chí phù hợp nên các hồ sơ ứng tuyển có độ tương thích cao. Ngoài ra, hồ sơ của ứng viên cũng được cập nhật thường xuyên so với trạng thái tĩnh trước đây của các nền tảng web. Nhà tuyển dụng có thể tiếp cận được tập ứng viên đang không tìm kiếm việc làm tích cực, không lên các trang tìm việc, nhưng vẫn muốn nghe và cân nhắc các cơ hội mới nếu có.

Cơ chế đề nghị matching cũng là điểm gây tò mò với shark Linh. Theo giải thích của JobsGO, cơ chế này được dựa trên việc xử lý dữ liệu lớn (Big Data) và học máy (Machine Learning). Hệ thống tự động phân tích các dữ liệu ban đầu do người dùng cung cấp bao gồm thông tin về kinh nghiệm, kỹ năng, địa điểm làm việc, mức lương, giới tính... và kết hợp cả các tương tác khác của người dùng trên ứng dụng (ví dụ như người dùng yêu thích, hay một công việc từng apply trước đó) để có thể lọc ra danh sách các công việc phù hợp nhất.

Về nhà sáng lập Phạm Thanh Hải, hồ sơ LinkedIn cho biết anh tốt nghiệp Đại học kỹ thuật Nanyang (NTU), sau đó ở lại và định cư tại Singapore. Anh Hải bắt đầu khởi nghiệp ngành công nghệ từ năm 2004 ngay sau khi hoàn thành khóa học.

Trong Shark Tank, CEO này cũng chia sẻ cuối năm 2017 đã gọi vốn thành công 100.000 USD cho 20% cổ phần tại thung lũng Silicon. Theo chia sẻ của JobsGO, đội ngũ này tham gia xây dựng và góp ý về sản phẩm từ những ngày đầu tiên từ xây dựng chiến lược, hướng đi đến những chi tiết nhỏ nhất của sản phẩm.

Về mô hình kinh doanh, JobsGO cho biết sẽ có doanh thu từ phía nhà tuyển dụng cho chi phí đăng tuyển. Theo đó, mỗi lần đăng tuyển thu phí từ 1 - 1,5 triệu đối với người tuyển dụng và không thu tiền với ứng viên.

“Tuy nhiên như anh không bao giờ đăng tuyển. Anh mua cơ sở dữ liệu của các công ty cung cấp dịch vụ với mong muốn ví dụ cần 1.000 sales, cần bao nhiêu quản lý, xác suất phỏng vấn từ 50 - 70%. Việc của họ là sàng lọc cho tôi 1.000 - 1.300 hồ sơ”, shark Hưng phản biện lại mô hình của JobsGO.

Thậm chí shark này còn ví von khi người ta đã tìm việc thì bất kỳ ai mở rộng vòng tay thì họ đều sẵn sàng đón nhận, giống như cô gái 20 tuổi có nhiều tiêu chuẩn chọn chồng nhưng đến 30 - 40 tuổi thì thế nào cũng gật miễn là có người đến với mình. Người tìm việc cũng như vậy.

Nhà sáng lập JobsGO lại cho rằng, việc mua cơ sở dữ liệu xác suất ứng viên phù hợp với công việc không thể cao bằng việc sử dụng ứng dụng bởi họ đã chủ động quan tâm tới công việc. Ví dụ một người học đại học Ngân hàng có nền tảng tiếng Anh nhưng không nhất thiết phải làm ngân hàng miễn là có tư duy đấy và làm kinh doanh cho công ty có mức lương tốt hơn.

“Nhưng công nghệ này các công ty có nền tảng dữ liệu ứng viên, khách hàng cực lớn có thể phát triển ứng dụng này ngay lập tức”, shark Hưng lo ngại.

Là người đầu tư và am hiểu ngành công nghệ, shark Dzũng tin tưởng vào JobsGO mặc dù biết rằng còn nhiều việc để làm. Việc đặt cược của JobsGO và vị shark này hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi và cần thời gian để chứng minh sức mạnh của công nghệ có thể thay đổi lại mô hình của một ngành nghề cạnh tranh khốc liệt.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM