2 điểm đáng gờm khiến Shark Phú rót gần 5 tỷ vào startup này dù nhận xét 'các em dù đi đầu nhưng có thể chết ngay lập tức'

09/08/2018 13:50 PM | Kinh doanh

Trong tập 6 chương trình Shark Tank vừa qua, dự án sản xuất cầu thông minh của CTCP Dô Ta nhận được lời đề nghị 4,65 tỷ đồng cho 20% cổ phần từ Shark Phú thông qua công cụ trái phiếu chuyển đổi trong năm đầu tiên.

Dù bị Shark Phú nhận xét "các em đi đầu nhưng có thể chết ngay lập tức" nhưng không thể phủ nhận dự án startup của 2 anh em Đỗ Hoàng Nam và Đỗ Hoàng Việt trong Shark Tank Việt Nam tập 6 có những lợi thế hấp dẫn nhất định.

Về thị trường và sản phẩm

Theo hai nhà sáng lập Dô ta, thị trường Việt Nam hiện có 45 triệu xe máy, tăng thêm 3 triệu xe mỗi năm. Trong khi đó tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh nhà thường được tôn cao nền và các giải pháp được đưa ra hiện tại gồm dốc bê tông, cầu hàn thủ công hoặc tận dụng ván gỗ. Tuy nhiên đại diện Dô ta cho rằng những giải pháp này đều không an toàn vì trơn trượt, cồng kềnh và xâm lấn vào không gian công cộng.

Sản phẩm cầu thông minh có khối lượng từ 1,9kg của Dô Ta được thiết kế từ hợp kim nhôm, dập lỗ, chịu được tải trọng 300kg và thay đổi được kích thước từ 25-75 cm. Sản phẩm cơ khí này được ghép với nhau bằng bulong, giảm tối đa không gian cất trữ, nhỏ gọn.

"Giải pháp này hữu dụng, smart, nhẹ, lần đầu tiên tôi thấy", shark Hưng nhận xét sau khi trực tiếp xem xét sản phẩm.

Nếu gõ cụm từ "bán nhà trong ngõ" lên Google, chỉ trong 0,67 giây công cụ tìm kiếm này cho ra 32,9 triệu kết quả. Con số này để thấy thị trường nhà thổ cư tại các ngõ hẻm, ít không gian để dắt xe máy ra vào tại các đô thị lớn như Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh là rất lớn. Từ đây có thể thấy thị trường tiêu thụ cho cầu xe thông minh của startup này khá tiềm năng.

Chiến lược kinh doanh của Dô Ta cũng khá tốt khi tập trung vào 1 sản phẩm như nhận xét của Shark Linh. Startup này nghĩ tới việc kết hợp cùng các hãng xe lớn như Honda, Piago để phân phối sản phẩm khi dẫn chứng ra 1 năm có tới 400.000 xe Vision được bán ra.

Cách tiếp thị và phân phối này hiện khá phổ biến với những sản phẩm thường đi kèm khi mua xe máy mới như khóa chống trộm, tấm ốp trang trí, bảo hiểm xe. Chọn cách đi thông mình như vậy Dô ta có thể tận dụng được tập khách hàng lớn từ các thương hiệu mà không tốn quá nhiều chi phí xây dựng kênh phân phối.

2 điểm đáng gờm khiến Shark Phú rót gần 5 tỷ vào startup này dù nhận xét các em dù đi đầu nhưng có thể chết ngay lập tức - Ảnh 1.

Ngoài ra điểm khá thú vị với sản phẩm Dô Ta chính là đơn giản và không mất chi phí đào tạo người dùng so với những sản phẩm phức tạp khác. Việc này cũng tiết kiệm chi phí cho Dô Ta khá lớn bởi khi là sản phẩm hay dịch vụ tiên phong thường các startup sẽ cần thời gian để người tiêu dùng tìm hiểu, trải nghiệm dịch vụ và từ đó được biết đến rộng rãi.

Một CEO doanh nghiệp nhỏ từng chia sẻ có startup dù ý tưởng hay nhưng vẫn thất bại vì không đủ nguồn lực để đào tạo khách hàng thói quen mới.

Trong một thảo luận về khởi nghiệp, giám đốc vận hành quỹ đầu tư IDG Venture Việt Nam Đường Thu Hương từng chia sẻ một ý tưởng không cần quá cao sang phức tạp, đời thường, đơn giản, bền vững, khó copy, có khả năng mở rộng chính là những yếu tố hội đủ để lọt vào mắt xanh của IDG khi rót vốn đầu tư.

Sản phẩm của Dô Ta nếu xét trên những yếu tố trên đáp ứng phần lớn tuy nhiên điểm yếu chính là dễ bị copy. Đây cũng là điều Shark Phú lo ngại.

Lợi thế am hiểu về luật

"Em có tính khi bán ra, người ta bắt đầu copy và bán rẻ đi, các em sẽ hết biên lợi nhuận nếu giảm giá theo thì các em tính sao?", Shark Phú đặt câu hỏi.

Dô Ta thừa nhận cái copy được là thiết kế nhưng nguyên vật liệu và giá thành gia công ăn vào số lượng, sản lượng lớn thì sẽ rẻ hơn. Điểm thứ 2 là lợi thế người dẫn đầu, có thiết kế mới, tăng năng suất, tăng sản lượng từ đó giảm được giá thành.

"Nhưng em không có nhà máy. Như anh là Sunhouse, anh có nhà máy, làm được từ nhôm, có kênh bán hàng, biết giá vốn nên có thể bán rẻ hơn nên các em mặc dù là người đi đầu nhưng có thể chết luôn lập tức", Shark Phú phản biện.

Đổi lại phía Dô Ta cho rằng hiện họ đang đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và các công ty lớn không dại gì dính vào cuộc chiến pháp lý.

"Em làm lỗ tròn, họ làm lỗ vuông thì nó không bị trùng", shark Phú lật lại vấn đề. Đáp lại nhà sáng lập Startup này khẳng định nếu làm như vậy về đăng ký kiểu dáng thì không bảo vệ được nhưng đăng ký sáng chế thì vẫn bảo vệ được. Câu trả lời này khiến Shark Phú không còn hỏi thêm về sản phẩm.

Vấn đề bằng sáng chế được Dô Ta tự tin sẽ được cấp bởi Việt và Nam từng tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội và Luật quốc gia. Họ cũng từng có thời gian làm tại văn phòng luật của Úc.

Am hiểu luật được xem là lợi thế rất lớn với startup Dô Ta khi hợp tác đầu tư cũng như quá trình thẩm định chi tiết về sau này. Ngay trong mùa Shark Tank trước, Shark Khoa đã từng chia sẻ:

"Các bạn startup nên chuẩn bị thật kỹ khi muốn tham gia Shark Tank hay đi gặp bất kỳ nhà đầu tư nào. Yếu tố căn bản, bắt buộc là các bạn phải có sự tư vấn luật về tài chính. Due Diligence (hoạt động thẩm định) giờ rất đơn giản, đi gặp luật sư họ cho mình list luôn.

Tại sao ngay từ đầu mình không làm chuyện đó, phí tư vấn vài triệu hoặc và chục triệu, không phải là quá lớn khi có đứa con tinh thần quá hoài bão. Khi làm cái đó rồi nhà đầu tư vào cũng sẽ nhẹ đầu, tin tưởng mình hơn, quá trình người ta xuống tiền cho mình cũng nhanh hơn. Không làm thì nhà đầu tư vào họ phải làm. "Những gì anh nói làm sao tôi tin, tôi chỉ tin con số thực tế"".

Ngoài ra, việc am hiểu luật cũng sẽ giúp startup tránh được những rủi ro pháp lý trên thương trường như trường hợp startup Triip.me từng gặp khi đối diện với pháp đình Singapore hoặc Vinamit từng phải chiến đấu giành lại thương hiệu tại thị trường Trung Quốc cách đây vài năm.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM