Lý do Shark Phú luôn chất vấn startup “nếu có đối thủ mạnh hơn họ làm y hệt thì sao”: Sunhouse đã từng gặp bài toán tương tự, gần như “không có lời giải” từ một đối thủ Hàn Quốc
Tại thời điểm ấy, đối thủ vẫn kinh doanh có lãi dù sản phẩm chỉ được bán ở mức giá vốn mà Sunhouse đang sản xuất.
Xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 1 và mùa 2, Shark Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse gây ấn tượng với nhiều khán giả nhờ phong cách đầu tư khá "rắn": Đa phần các thương vụ đều yêu cầu có tài sản thế chấp hoặc người sáng lập phải về làm thuê cho Sunhouse nếu thất bại.
Không chỉ vậy, Shark Phú còn được nhớ đến với câu hỏi quen thuộc: Nếu có đối thủ lớn hơn, mạnh hơn họ làm y xì em, thì em xử lý thế nào?
Trong khi các điều kiện đầu tiên, theo Shark Phú lý giải ở một bài phỏng vấn trước đây, là để startup kiên trì, bền gan, không vì chán nản mà bỏ cuộc giữa chừng, thì câu hỏi phía sau, trên thực tế lại là vấn đề mà chính chủ tịch Sunhouse gặp phải trong những ngày đầu khởi nghiệp.
Sunhouse thành lập năm 2003 và chính thức ra mắt sản phẩm ra dụng đầu tiên một năm sau đó. Nhờ chiến lược hợp tác với thương hiệu bếp ga Rinnai mà sản phẩm Sunhouse được nhiều người tiêu dùng biết đến, thâm nhập vào từng hộ gia đình Việt Nam.
Tuy nhiên, giữa lúc bắt đầu đứng vững, Sunhouse đã gặp phải một đối thủ cạnh tranh "khó nhằn" trên thị trường. Đây là công ty Hàn Quốc, có bề dày kinh nghiệp trong ngành gia dụng, lại lập nhà máy tại Việt Nam trước Sunhouse hàng chục năm. Khi nhìn thấy nguy cơ cạnh tranh từ "cá bé" Sunhouse, công ty Hàn quyết định theo chiến lược cạnh tranh bằng giá, bán sản phẩm ở mức giá rất thấp.
"Hồi đó nhà máy của tôi phải nhập toàn bộ nguyên liệu từ nước ngoài về, chưa tự chủ được nguyên liệu nên giá thành cao. Giá của Sunhouse luôn cao hơn giá bán của đối thủ này", Shark Nguyễn Xuân Phú chia sẻ trong chương trình Đường tới thành công của VTC News cách đây 5 năm.
"Thực sự là một bài toán không có lời giải".
Theo Shark Phú, lý do công ty Hàn Quốc làm được như vậy là bởi họ đã đầu tư trước, đã tự chủ trong mảng sản xuất với 90% lượng nhôm tấm làm ở Việt Nam. Mặc dù bán bằng giá vốn của Sunhouse nhưng đối thủ vẫn có lãi trong khi Sunhouse lại chịu lỗ.
Để thoát ra khỏi tình huống khó khăn này, Shark Phú đi đến quyết định tiếp tục đầu tư khá mạo hiểm, dồn toàn bộ vốn liếng ở lĩnh vực khác để xây dựng nhà máy sản xuất nhôm, nhà máy sản xuất quai núm vào năm 2005, 2006.
"Đây là bước đi thực sự cách mạng vì giúp giá thành của chúng tôi giảm xuống. Năm 2007 Sunhose thực sự chiếm lĩnh thị trường vì đã tự chủ được quá trình sản xuất và giá cả cạnh tranh, bắt đầu kinh doanh có lãi".
Đến nay Sunhouse đã có chỗ đứng trên thị trường kinh doanh thiết bị gia dụng Việt Nam. Năm 2016, doanh thu Sunhouse là 1,8 nghìn tỷ đồng.
Sau này nhìn lại, Shark Phú cho biết quá trình ra quyết định chống lại công ty Hàn Quốc là quá trình rất đơn độc: dù là người sáng lập Sunhouse, được nhiều người ủng hộ nhưng thực tế họ không tin tưởng lắm.
Tuy nhiên ông khẳng định cạnh tranh là yếu tố cần thiết vì chỉ khi cạnh tranh "chúng ta mới phải suy nghĩ và chỉ khi chúng ta suy nghĩ, chúng ta mới có cải tiến để đi lên". Trong bối cảnh Việt Nam mở cửa, các tập đoàn đa quốc gia tràn vào, cạnh tranh sẽ là cuộc chơi của nhiều ông lớn có tiềm lực tài chính, sẵn sàng lỗ vài năm vì luôn có những thị trường khác để hỗ trợ.
"Đây là bài toán còn khó khăn hơn nhiều giai đoạn trước", Shark Phú kết luận.