Theo dự thảo mới của Bộ Công thương, sản phẩm Samsung, Apple làm ra tại Việt Nam có được gắn "Made in Vietnam"?

15/08/2019 16:25 PM | Xã hội

“Câu chuyện của Samsung có được coi là sản phẩm Việt Nam hay không còn gây nhiều tranh cãi. Nhưng có những sản phẩm cả thế giới công nhận là hàng Việt Nam mà chúng ta không công nhận thì cũng là trớ trêu”, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh nói.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã có cuộc trao đổi với báo chí nhằm làm rõ hơn các vấn đề tại Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

Hàng hoá được xem là hàng Việt Nam, theo Dự thảo Thông tư, phải đạt tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng (VAC) tối thiểu là 30% hàm lượng nội địa chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam.

Đối với quy định về sản phẩm của Việt Nam nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề các nhà máy nước ngoài như Samsung hay sắp tới là Apple đang có kế hoạch dịch chuyển vào Việt Nam thì sản phẩm làm ra có được gắn nhãn "Made in Vietnam" hay không?

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết trong trường hợp Apple đặt nhà máy tại Việt Nam, Bộ Công thương sẽ có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp được ghi nhãn xuất xứ tại Việt Nam hay không.

Còn đối với trường hợp của Samsung, theo ông Khánh, hiện có một số dòng sản phẩm được ghi "made in Vietnam" và mang đi xuất khẩu.

"Câu chuyện của Samsung có được coi là sản phẩm Việt Nam hay không còn gây nhiều tranh cãi. Nhưng có những sản phẩm mà cả thế giới công nhận là hàng Việt Nam, chúng ta không nhận đó là sản phẩm của mình thì cũng trớ trêu.

Dự thảo Thông tư chỉ ra nếu bất cứ sản phẩm nào đạt tiêu chí hàm lượng giá trị 30% hoặc vượt qua tiêu chí về chuyển đổi mã số HS, quy trình gia công đơn giản đều có quyền được công nhận đó là hàng sản xuất ở Việt Nam", ông nói.

Thứ trưởng Khánh cũng cho biết Thông tư nếu được ra đời cũng sẽ có những ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao, công nghiệp ô tô. Bởi lẽ một số sản phẩm thuộc nhóm ngành này đang ghi hoặc mong muốn dán nhãn "made in Vietnam" có thể sẽ phải tháo bỏ do không đáp ứng tiêu chuẩn.

"Chắc chắn chúng tôi sẽ nhận được yêu cầu, góp ý từ các Hiệp hội doanh nghiệp nhằm giảm tỷ lệ này xuống hay thay đổi tiêu chí kia. Đó là điều hết sức nan giải. Mỗi hiệp hội có một cách tiếp cận khác nhau", ông Khánh nói và cho biết khi đưa vấn đề này ra hội thảo sẽ nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp.

Theo T.Công

Cùng chuyên mục
XEM