Thêm 1 công ty bất động sản Trung Quốc vỡ nợ
Sinic có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Evergrande, xếp hạng 41 trong danh sách các công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc theo danh số tính đến tháng 8.
Sinic Holdings Group đã trở thành công ty bất động sản mới nhất của Trung Quốc rơi vào cảnh vỡ nợ, trong bối cảnh nhà đầu tư đang chờ đợi và quan sát liệu trong tuần này "bom nợ" China Evergrande có thể trả lãi đúng hạn cho các lô trái phiếu USD hay không.
Theo Bloomberg, S&P Global Ratings hạ mức xếp hạng tín dụng của Sinic từ CC xuống "vỡ nợ có chọn lọc" sau khi công ty không thể trả gốc và lãi cho lô trái phiếu trị giá 250 triệu USD đáo hạn vào ngày 19/10.
Trước đó Sinic đã cảnh báo sẽ không thể thanh toán số trái phiếu USD này và có thể sẽ kéo theo vỡ nợ chéo đối với 2 lô khác. Cách đây ít ngày, 1 công ty bất động sản khác là Fantasia Holdings cũng bất ngờ tuyên bố vỡ nợ trái phiếu.
Sinic có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Evergrande, xếp hạng 41 trong danh sách các công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc theo danh số tính đến tháng 8. Theo thống kê của Bloomberg, Sinic hiện có dư nợ trái phiếu USD lên tới 694 triệu USD và trong tháng 9 cũng lỡ hẹn với một loạt khoản thanh toán nợ trái phiếu nội địa.
Tình trạng vỡ nợ dây chuyền trong lĩnh vực bất động sản càng làm trầm trọng thêm những rủi ro đe dọa nền kinh tế Trung Quốc. Trong tháng 9, giá nhà ở Trung Quốc sụt giảm lần đầu tiên trong 6 năm trở lại đây. Đầu tư bất động sản cũng giảm lần đầu tiên kể từ năm ngoái.
Để giảm tỷ lệ đòn bẩy, ngăn chặn những nguy cơ đối với toàn bộ hệ thống tài chính, chính phủ Trung Quốc đang ráo riết thực hiện chiến dịch siết chặt quản lý đối với lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên chiến dịch này đang khiến các công ty không thể tìm ra nguồn vốn tái tài trợ, do đó đối mặt với nguy cơ vỡ nợ hàng loạt. Lợi suất trái phiếu USD rác do các công ty bất động sản Trung Quốc phát hành đã tăng vọt lên mức 20% trong tháng 10, cao nhất 1 thập kỷ.
Cổ phiếu của cả Sinic và Evergrande đã bị ngừng giao dịch trên sàn Hong Kong.
Cuối tuần trước, cuối cùng thì Bắc Kinh đã phá vỡ im lặng và khẳng định có thể kiểm soát những rủi ro liên quan đến Evergrande. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn cần có những chính sách quyết đoán hơn để vực dậy niềm tin của thị trường.