Thầy giáo ở Vũ Hán sau hai tháng phong tỏa: 'Không dễ trở lại cuộc sống như trước'
Cuộc sống của Yu Wong, 26 tuổi, giáo viên ở thành phố Vũ Hán đã thay đổi nhiều khi thành phố của anh bị phong tỏa. Khi lệnh phong tỏa này được dỡ bỏ từng bước, bắt đầu từ ngày 26/3, anh thú nhận: “Không dễ dàng để có thể trở lại cuộc sống bình thường như trước”.
Thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) là nơi bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới, và cũng là thành phố đầu tiên bị phong tỏa để ngăn dịch bệnh lây lan. Đây là cuộc tấn công mạnh mẽ đối với chủng virus mới gây ra bệnh viêm phổi cấp.
Dưới đây là chia sẻ của Yu Wong.
Buổi sáng đầu tiên, ngày 23/1, khi thành phố bắt đầu phong tỏa, cuộc sống của đất nước chúng tôi đã thay đổi. Chúng tôi đối diện với dịch bệnh, khóa cửa ở trong nhà và nhận được rất nhiều tin xấu. Chúng tôi sợ hãi, lo lắng và phẫn nộ.
Sau khi chứng kiến những thảm họa trong quá khứ, tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã được chuẩn bị về tinh thần. Thế nhưng, chẳng có gì chuẩn bị cho một - con - người như tôi.
Trong vòng hai tháng qua, tôi đã trải qua quá nhiều điều tồi tệ, kinh hoàng. Tôi và mọi người dân Vũ Hán đã nỗ lực hết sức mình để vượt qua.
Nhiều người đã cố gắng đưa lên mạng xã hội những gì đã xảy ra với họ trong cuộc sống hàng ngày. Tôi nghĩ đấy cũng là một cách để đối phó với nó. Đôi khi, để vượt qua một điều gì đó, bạn phải giả vờ như nó không tồn tại.
Giờ đây, sự kiên nhẫn đó đã được đền đáp. Lệnh phong tỏa Vũ Hán được dỡ bỏ từng bước. Thế nhưng, chẳng dễ dàng để "trở về từ cõi chết". Cuộc sống của chúng tôi đã hoàn toàn thay đổi. Để trở lại với cuộc sống như xưa đòi hỏi chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều chướng ngại vật.
Tôi rời khỏi nhà vào ngày 29/3 sau khi thành phố được gỡ lệnh phong tỏa. Đó là một ngày mùa Xuân lạnh giá. Tuy nhiên, so với nhiệt độ thời tiết -10 độ trước kia, cảm giác ấm áp hơn thế rất nhiều.
Có một đội ngũ nhân viên y tế, họ vẫn túc trực bên ngoài một khách sạn. Tôi không biết họ có rời đi hay không.
Trên đường phố, tôi thấy không ít người đi lại, đạp xe đi làm. Một chiếc xe buýt vụt qua. Giờ đây, một số bến tàu điện ngầm đã mở cửa trở lại, cho dù vẫn chưa có nhiều chuyến tàu chay. Trước đây, không ít người kêu ca, phàn nàn về công tác kiểm tra an ninh ở bến tàu, nhưng khi mà cả Vũ Hán đối diện giữa cái sống và cái chết do COVID-19, thì việc đó đã trở nên quen thuộc như cơm ăn nước uống hằng ngày.
Ngay khi thành phố từng bước gỡ lệnh phong tỏa, nhiều người trong số những bạn học của tôi đã chụp hàng ngàn bức ảnh về hồ Đông. Người khác đăng những bức ảnh văn phòng làm việc của họ, thậm chí cả những dịch vụ giao hàng của Starbucks hay McDonald. Họ vui sướng và thấy những thứ này đã bắt đầu trở lại bình thường.
Nhưng, có lẽ với không ít người, ngày cuối cùng trước lệnh phong tỏa dỡ bỏ, sẽ rơi vào trạng thái giằng co, giống như tôi. Sau hai tháng ở nhà, tôi đã quen với việc dạy học online, thi thoảng mới đi ra ngoài và quen với sự yên tĩnh trong nhà và nhìn ngắm cuộc sống bên ngoài cửa sổ.
Bước ra ngoài, nhìn thấy một thành phố đang hồi sinh trở lại, lại nghe thấy tiếng ồn ào, cảm thấy lạ lẫm. Một số người bạn của tôi cũng cảm thấy như vậy. Một mặt, họ muốn quay trở lại cuộc sống bình thường. Mặt khác, thật khó thay đổi trở lại một cách bất - thình - lình sau khi đã cố gắng thích nghi với cuộc sống chật hẹp trong suốt thời kỳ phong tỏa.
Trong suốt thời COVID -19 bùng phát, 10 ngày một lần tôi được phép đến bệnh viện để đưa đồ ăn cho bà của tôi bị đột quỵ. Khi dịch bệnh ở thời kỳ tồi tệ nhất, chúng tôi luôn nhìn thấy xe cứu thương tại cửa ra vào phòng cấp cứu, các nhân viên y tế trong bộ trang phục màu vàng đứng cạnh. Chúng tôi thường nhìn thấy các gia đình khóc lóc.
Vào ngày 29/3, bệnh viện này đã trở nên vắng lặng. Chỉ có xe cứu thương nằm trơ trọi ở bãi đỗ xe cùng những chiếc xe hơi khác. Không còn nhiều gia đình lo lắng chờ đợi bên ngoài phòng cấp cứu như trước nữa. Bên ngoài phòng của bà tôi, hai hoặc ba nhân viên y tế chậm rãi đi lại, không vội vã.
Trên đường trở về nhà, thật ngạc nhiên khi trên đường phố xuất hiện rất nhiều xe ô tô. Tôi bước xuống xe và đi bộ về nhà, dọc bờ sông Wuchang. Công viên vẫn vắng vẻ như sa mạc, cỏ mọc tràn ra cả lối đi bộ. Vẫn có một số ít người giống tôi, quên cả lạnh giá, đi bộ ra ngoài và nhìn ngó xung quanh.
Tôi nhìn thấy một người đàn ông trung niên ngồi bất động dưới đất, bạn gái anh ta đứng cạnh đó và cố gắng kéo anh ta đứng lên. Không ai trong hai người đeo khẩu trang. Cảnh này đã nhắc tôi cảnh tượng hồi đầu bùng phát dịch COVID - 19 khi người ta dễ dàng ngã gục trên đường. Mọi người sợ không ai dám tới gần, chỉ nhìn từ xa.
Tôi không biết tôi đã lấy hết can đảm từ đâu, nhưng tôi đã bước tới chỗ họ, đưa cho họ những chiếc khẩu trang mà tôi có, và nhắc người đàn ông cứ ngồi yên dưới đất nếu anh ấy cảm thấy không khỏe. Câu trả lời mà tôi nhận được hoàn toàn bất ngờ: Anh vừa chia tay bạn gái.
Anh ấy đã bị tình yêu đánh gục sau khi trụ vững trước đại địch COVID-19.