Cập nhật Covid-19 ngày 7/4: Thủ tướng Anh có triệu chứng nặng hơn, được chuyển đến bộ phận chăm sóc đặc biệt; dịch bệnh ở châu Âu cho thấy dấu hiệu đạt đỉnh

07/04/2020 07:42 AM | Xã hội

Tính đến ngày 7/4, thế giới ghi nhận tổng cộng 1.342.580 ca nhiễm SARS-CoV-2, với 74.558 trường hợp tử vong và 278.189 người đã hồi phục. Cho đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng và lây lan đến 209 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Mỹ trong 1 ngày xác nhận thêm 27.415 trường hợp nhiễm mới, tổng số ca ở nước này theo đó tăng lên 364.088, có thêm 1.176 người chết, tổng số ca tử vong hiện là 10.792. Thống đốc New York - Andrew Cuomo, cho biết số trường hợp tử vong do nCoV tại bang này đang có dấu hiệu đã chạm đỉnh. Ông cảnh báo thêm rằng, điều khó khăn hiện tại là duy trì việc giãn cách xã hội. Trong 2 ngày liên tiếp, tỷ lệ người chết ở New York  này đã giảm xuống dưới 10%, trong khi con số của tuần trước cao hơn gần gấp 2.

Italy ngày hôm qua ghi nhận số ca nhiễm virus corona thấp nhất trong gần 3 tuần qua, điều này làm dấy lên những cuộc tranh luận về cách thức và thời điểm quốc gia này mở cửa trở lại sau một thời gian dài phong toả. Giới chức y tế nước này báo cáo có thêm 3.599 ca nhiễm mới, trong khi ngày hôm trước là 4.316. Italy ghi nhận thêm 636 trường hợp tử vong, trong khi ngày hôm trước là 525, đưa số tổng số người chết lên 16.523. Từng là ổ dịch lớn nhất châu Âu, hiện tại Italy ghi nhận số ca nhiễm thấp hơn Tây Ban Nha và Mỹ.

Số ca nhiễm virus corona ở Tây Ban Nha tăng 5.029 trong ngày 6/4, lên 136.675, có thêm 700 trường hợp tử vong, nâng tổng số người chết lên 13.341. Cho đến nay, Madrid là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi ghi nhận tới 5.136 trường hợp tử vong. Hiện tại, số ca nhiễm mới ở nước này cũng có dấu hiệu tăng chậm hơn. Theo đó, chính phủ Tây Ban Nha đang cân nhắc về việc nới lỏng lệnh phong toả và dự định tăng cường hoạt động xét nghiệm đối với những người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng.

Đức hiện là ổ dịch lớn thứ 4 thế giới, với 103.374 ca nhiễm, tăng 3.251 so với ngày hôm trước, có thêm 226 người chết, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 1.810. Thủ tướng Angela Merkel mới đây cho biết hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra quyết định nới lỏng lệnh phong toả. Bà một lần nữa nhắc lại sự ủng hộ đối với việc sử dụng Cơ chế Bình ổn châu Âu và đề xuất bảo đảm việc làm của Uỷ ban châu Âu, cho biết EU sẽ cần một kế hoạch cải tổ sau khi đại dịch qua đi.

Đan Mạch cùng với Áo đang dần nới lỏng các biện pháp được thực hiện nhằm kiềm chế sự lây lan của Covid-19. Giới chức Đan Mạch cho biết nước này sẽ thận trọng mở cửa lại các trường mẫu giáo và tiểu học vào ngày 15/4 nếu số ca nhiễm tiếp tục ổn định. Chính phủ cũng bắt đầu đàm phán với các lãnh đạo doanh nghiệp về việc cho phép nhân viên dần trở lại văn phòng.

Số ca tử vong ở Anh cũng có dấu hiệu chậm lại trong 2 ngày liên tiếp, dù đã vượt qua con số 5.000. Nước này hiện có 51.608 ca nhiễm. Sau 1 ngày nhập viện vì bắt đầu có các triệu chứng nặng hơn, ông Boris Johnson đã được chuyển vào bộ phận chăm sóc đặc biệt, theo người phát ngôn của thủ tướng.

Iran là ổ dịch lớn thứ 2 châu Á với 60.500 ca nhiễm và 3.739 trường hợp tử vong. Ngày hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran cho biết nước này sẽ không nhờ đến sự trợ giúp của Mỹ để đối phó với dịch bệnh và kêu gọi Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Tại Đông Nam Á, Malaysia quốc gia ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất khu vực với 3.793 ca và 62 người đã tử vong. Indonesia có số ca tử vong cao nhất khu vực, có 209 trường hợp trong số 2.491 ca nhiễm. Trong khi đó, số người nhiễm mới ở Singapore có dấu hiệu tăng nhanh với 66 ca mới, hiện có 1.375 ca.

Theo Giang Ng

Cùng chuyên mục
XEM