Thay "áo mới" bộ nhận diện, Viettel tuyên bố: Khách hàng không cần nói mà Viettel tự hiểu và phục vụ tức thời!
Quyết định tái định vị thương hiệu trong lúc kinh doanh đang "lên như diều gặp gió", Viettel hy vọng khách hàng có thể nhìn nhận rõ hơn tính sáng tạo và công nghệ trong những công việc mà Tập đoàn này đang thực hiện, cũng là để phù hợp với chiến lược phát triển thời đại mới.
Ngày 7/1, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã chính thức chia tay bộ nhận diện thương hiệu cũ để khoác lên mình "chiếc áo" hoàn toàn mới.
Cụ thể, màu xanh chủ đạo được đổi thành đỏ, thể hiện sức trẻ, khát khao và đam mê.
Câu slogan "Say it your way - Hãy nói theo cách của bạn" được rút gọn lại thành "Your way - Theo cách của bạn". Theo lời Tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng, có thể hiểu trước đây khách hàng muốn Viettel phục vụ gì thì cần nói ra, nhưng bây giờ thì khách hàng không cần nói nữa mà Viettel hiểu ý và phục vụ tức thời.
Nói cách khác, trước đây Viettel phục vụ, chăm sóc khách hàng như những cá thể riêng biệt nhưng làm thủ công, còn bây giờ sẽ là công nghệ cao, tự động hóa với AI, Big Data và Robotics. Điều đó cũng thể hiện việc chuyển đổi của Viettel trở thành một công ty cung cấp dịch vụ số.
Bộ nhận diện mới của Viettel.
Ngoài ra, câu slogan không còn dấu ngoặc kép để phù hợp với các nền tảng số, dấu "chấm" trên chữ "i" là dấu hiệu của giao tiếp người dùng trên nền tảng số. Chữ được viết thường thay vì in hoa để tạo sự gần gũi.
Tái định vị thương hiệu tỷ đô
Chia sẻ thêm về lý do tái định vị thương hiệu giữa lúc Tập đoàn đang kinh doanh tốt, thương hiệu được đánh giá có giá trị 5,8 tỷ USD - đứng đầu Việt Nam và Đông Nam Á, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết:
"Lý do quan trọng nhất là Viettel đã có sự thay đổi lớn trong chiến lược phát triển. Năm 2019, khi Viettel tròn 30 tuổi, chúng tôi đưa ra tuyên bố về sứ mệnh mới của Viettel là "Tiên phong kiến tạo xã hội số". Với sứ mệnh này, Viettel đã xác định phải chuyển dịch từ nhà khai thác viễn thông trở thành nhà cung cấp dịch vụ số.
Chính vì vậy, trong 2 năm qua, Viettel đã hình thành nên 6 lĩnh vực chủ đạo để kiến tạo xã hội số gồm: Hạ tầng số; Giải pháp số; Nội dung số; Tài chính số; An ninh mạng và Nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Đến hết năm 2020, cả 6 lĩnh vực này của Viettel đã thực sự hình thành về chiến lược, bộ máy vận hành và thực tế sản phẩm dịch vụ cung cấp cho xã hội".
Do đó, việc tái định vị để phù hợp với chiến lược, hành trình phát triển mới là điều tất yếu.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel
Bên cạnh đó, việc thay đổi bộ nhận diện hiện đại, năng động hơn, Viettel mong muốn khách hàng có thể nhìn nhận rõ ràng hơn những nỗ lực, cam kết sáng tạo, phát triển công nghệ mà Tập đoàn đã và đang theo đuổi.
"Chúng tôi phải thay đổi nhận diện thương hiệu như là một lời cam kết mạnh mẽ, quyết tâm từ ngay chính nội bộ của Viettel để thay đổi cảm nhận của khách hàng và xã hội về chính mình".
Bên cạnh đó, bộ nhận diện thương hiệu cũ dù đã gắn bó với Viettel 16 năm nhưng hiện không còn phù hợp, gây khó khăn trong việc nhận biết trên các nền tảng số.
Thay đổi quan trọng nhất
Không chỉ là sự thay đổi đơn thuần về mặt "ngoại hình", Tổng giám đốc Viettel cho biết đó còn là một sự khẳng định, rằng "trong thời đại số, Viettel sẽ không đi một mình".
"Con đường mà chúng tôi xác định sẽ đi trong giai đoạn phát triển thứ 4 là "Tiên phong kiến tạo xã hội số". Điều đó có nghĩa là chúng tôi xây dựng những thứ cốt lõi, căn bản nhất, mang tính nền tảng nhất.
Còn sáng tạo trên đó, ứng dụng công nghệ trên đó để giải quyết các bài toán của cuộc sống thì cần nhiều người. Vì vậy, Viettel cởi mở hơn, hợp tác hơn. Đó cũng là lý do mà hình khối của logo được giản lược để thể hiện sự cởi mở, thân thiện. Chữ Viettel được viết thường để thể hiện sự gần gũi, trẻ trung".
Không những vậy, vị Thiếu tướng nhấn mạnh đây là “thay đổi tuyệt đối” chứ không phải Viettel vẫn là nhà khai thác viễn thông và thêm dịch vụ số, bởi nếu như vậy thì thì cái thêm sẽ “yếu”, như “chỉ là phụ thôi”.
"Khi chúng tôi đã xác định sứ mệnh của Viettel là tiên phong, chủ lực trong xây dựng xã hội số ở Việt Nam, thì không thể yếu được, không thể phụ được. Tuy nhiên, cũng phải nhớ rằng, hạ tầng viễn thông vẫn là nền tảng cơ bản và quan trọng cho việc cung cấp dịch vụ số. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ, không ngừng cập nhật về công nghệ và vùng phủ cho hạ tầng này.
Thực tế, các tuyên bố, cam kết của Tập đoàn Viettel cũng không phải cứ đưa ra là hiển nhiên thành hiện thực. Nó được tích lũy, hình thành từ chính lao động của người Viettel, từ mỗi hành xử, ứng xử của người Viettel với khách hàng, với công việc, với xã hội và với chính bản thân mình", vị thuyền trưởng của Tập đoàn chia sẻ.