Thất nghiệp tại Mỹ thời Corona: Bài học từ quá khứ và hành động của nước Mỹ

28/03/2020 14:00 PM | Kinh doanh

Rút kinh nghiệm từ những bài học đau thương trước đó, khi dịch Covid – 19 tác động mạnh tới các doanh nghiệp toàn quốc, Quốc hội Mỹ đã có được sự đồng thuận sớm khi đưa ra gói cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD vào ngày 26/3 vừa qua.


Tỷ lệ thất nghiệp của luôn là vấn đề được quan tâm ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ. Khi người lao động thất nghiệp, họ mất đi khả năng đóng góp cho nền kinh tế, giảm sức mua và có thể dẫn đến hiệu ứng domino khiến nhiều người lao động khác cũng mất việc làm. Với việc dịch Covid – 19 phát tán mạnh ở Mỹ, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động hay thậm chí phá sản, khiến số lượng lao động thất nghiệp ở đất nước cờ hoa tăng mạnh. So với những cuộc khủng hoảng trước đây, liệu Covid – 19 có mang lại tỷ lệ thất nghiệp cao hơn cho Hoa Kỳ? Và liệu gói cứu trợ 2,000 tỷ của Quốc hội Mỹ có phát huy hiệu quả như mong muốn?

Thất nghiệp tại Mỹ thời Corona: Bài học từ quá khứ và hành động của nước Mỹ - Ảnh 1.

Tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp của Mỹ tính từ năm 1929 đến năm 2019. (Nguồn data: The Balance tổng hợp)


Ngày hôm qua, Mỹ đã công bố có khoảng 3,3 triệu người đã điền vào đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần vừa qua, tăng lên từ 281.000 người vào cuối tuần trước. Con số này vượt qua kỷ lục 695.000 yêu cầu trợ cấp nộp vào ngày 2 tháng 10 năm 1982. 4 bang Florida, New York, Texas và California, đặc biệt là bang California, nơi đầu tiên ban bố lệnh giới nghiêm tại Hoa Kỳ, có tổng số người điền vào đơn trợ cấp thất nghiệp là 496.000 người, cao nhất nước Mỹ.

Thất nghiệp tại Mỹ thời Corona: Bài học từ quá khứ và hành động của nước Mỹ - Ảnh 2.

Đây là dấu hiệu cho một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng mà Hoa Kỳ phải đối mặt, khi các công ty đóng cửa, các tiểu bang đưa ra những điều luật hạn chế di chuyển để ngăn chặn người dân tụ tập trong nỗ lực ngăn chặn virus corona phát tán trong cộng đồng. Điều này dẫn đến số lượng lao động bị sa thải tăng cao kỷ lục, làm những người này phải điền đơn xin trợ cấp, gây ra nhiều thiệt hại cho nước Mỹ. 

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất tính từ tháng 2 năm ngoái, vào khoảng 3,5%, thấp nhất trong 50 năm qua. Ông Mnuchin, bộ trưởng tài chính Mỹ cũng cho rằng, số lượng người xin trợ cấp thất nghiệp tăng cao trong tuần qua không nói lên được nhiều điều. Nhưng đây chưa hẳn đã là điều tốt cho nước Mỹ khi nhìn vào những con số trong quá khứ, khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này thường tăng rất mạnh sau các cuộc khủng hoảng.

Thất nghiệp tại Mỹ thời Corona: Bài học từ quá khứ và hành động của nước Mỹ - Ảnh 3.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua (Ảnh: Bộ Lao động Hoa Kỳ)

Nhìn về cách đây gần 100 năm, vào năm 1929, khi thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ với việc chỉ số Dow Jones giảm 24.8% chỉ trong 1 phiên giao dịch, chỉ 1,5 triệu người thất nghiệp. Tuy nhiên, việc giá cổ phiếu giảm quá mạnh đã khiến các công ty gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nguồn tiền để duy trì hoạt động kinh doanh, dẫn đến hơn 100.000 công ty phá sản. Đến năm 1931, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 15,9%, tương đương với 8 triệu người không có việc làm.

Vào thời điểm ban đầu, tổng thống Mỹ lúc đó là ông Hobert Hoover cho rằng đây không phải là vấn đề quá lớn (giống như ông Mnuchin), và các doanh nghiệp tại nước này sẽ tìm ra giải pháp. Nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại, khi tỷ lệ thất nghiệp cứ không ngừng tăng lên và đạt đỉnh vào năm 1933, với trên ¼ số người dân Mỹ không có việc làm. Phải đến khi tổng thống Roosevelt tung ra kế hoạch kinh tế với tên gọi "New Deal", tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ mới giảm dần và về dưới 5% vào năm 1942.

Thất nghiệp tại Mỹ thời Corona: Bài học từ quá khứ và hành động của nước Mỹ - Ảnh 4.

Tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục của Mỹ năm 1933 khởi nguồn từ sự đổ vỡ của phố Wall (Ảnh: Doug McHenwood)

Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã dẫn đến hàng loạt ngân hàng phá sản, tiêu biểu là Lehmann Brother đã khiến hàng triệu người mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ năm 2017 chỉ là 5%, nhưng đã tăng gấp đôi 2 năm sau đó vì cuộc khủng hoảng. 800 tỷ USD đã được bơm ra thị trường, tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn không ngừng gia tăng, khi lần lượt đạt 9,9% và 9,3% vào 2 năm tiếp theo. Chỉ đến khi FED tung ra gói hỗ trợ kinh tế thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ và giảm lãi suất, mới giúp cho tỷ lệ lạm phát của Mỹ giảm mạnh và đạt mức lý tưởng 5% vào năm 2015, trước khi tiếp tục giảm xuống mức 3,5% vào năm 2019.

Thất nghiệp tại Mỹ thời Corona: Bài học từ quá khứ và hành động của nước Mỹ - Ảnh 5.

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 khiến tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng mạnh và chỉ giảm sau năm 2011 (Ảnh: IRBC)

Rút kinh nghiệm từ những bài học đau thương trước đó, khi dịch Covid – 19 tác động mạnh tới các doanh nghiệp toàn quốc, Quốc hội Mỹ đã có được sự đồng thuận sớm khi đưa ra gói cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD vào ngày 26/3 vừa qua. Trong đó, 350 tỷ đô la sẽ được dành cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, 500 tỷ USD được dành cho các ngành công nghiệp, 50 tỷ USD được dành cho ngành hàng không, cùng các khoản tiền khác được chia đều cho dịch vụ y tế, trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ các tiểu bang. Với khoản hỗ trợ này, những doanh nghiệp gặp khó khăn tại đây sẽ được hưởng nhiều sự hỗ trợ để có thể duy trì hoạt động tới khi dịch bệnh chấm dứt, đem lại nhiều công ăn việc làm cho những người dân Mỹ sau giai đoạn khủng hoảng.

Như vậy, sau thời gian tương đối chủ quan với dịch bệnh dẫn đến việc Mỹ trở thành nước có số người nhiễm corona cao nhất thế giới, vượt qua cả Trung Quốc – nơi khởi nguồn của dịch bệnh lần này, Quốc hội Mỹ đã hành động rất nhanh, bỏ qua những mâu thuẫn giữa 2 Đảng để có thể đồng thuận một gói cứu trợ kỷ lục dành cho đất nước. Quy mô và tính chất của khoản trợ cấp này nhiều khả năng sẽ giúp nước Mỹ giảm bớt đáng kể những gì mà dịch bệnh đã làm với nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, với việc dịch bệnh đã lây lan quá mạnh, liệu chính sách này có mang lại hiệu quả như những gì Roosevelt hay FED đã làm trước đó?

Tiến Đạt

Cùng chuyên mục
XEM