Thành Thành Công và cuộc chơi lớn vào ngành năng lượng sạch
So với các nước đang phát triển trong khu vực châu Á và trên thế giới, Việt Nam được nhận định là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số như hiện nay, nhu cầu sử dụng điện sẽ còn cao hơn nữa. Trong khi đó, việc khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt.
Cuộc chơi lớn của Thành Thành Công
"Trước đây 10 năm chúng tôi đã quan tâm đến năng lượng sạch nhưng suất đầu tư trên trời không tiếp cận được. So sánh với cách đây 2-3 năm tới thời điểm này, công nghệ đã giảm 40% nên hiện nay có thể đầu tư", Chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công (TTC)- Đặng Văn Thành chia sẻ với tạp chí Forbes hồi 2017.
Tính đến thời điểm đầu năm 2019, tập đoàn này sở hữu 16 nhà máy thủy điện. Trong đó có 14 nhà máy hiện hữu, 2 nhà máy đang xây dựng. Ngoài ra có 9 nhà máy nhiệt điện sinh khối với đầu vào là bã mía, chiếm 63% công suất nhiệt điện tại các nhà máy đường tại Việt Nam.
Với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền (Huế) có 145.560 tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt với công nghệ và thiết bị hiện đại, sản lượng khoảng 60 triệu kWh/năm. Dự kiến đến năm 2019, nhà máy này sẽ mở rộng công suất thêm 29,5 MW, với diện tích 38,5 ha, đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu thụ điện năng trong tương lai.
Ngoài việc khánh thành Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền, Công ty cổ phần Điện Gia Lai sẽ chính thức đưa vào hoạt động Nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa (Gia Lai). Dự án có công suất 49 MW, tổng vốn đầu tư trên 1.406 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong mảng năng lượng mặt trời này, TTC đang triển khai 6 nhà máy được bổ sung quy hoạch, vận hành trước tháng 6/2019. Kế hoạch chiến lược đến năm 2020, TTC sẽ nâng tổng công suất lên khoảng 1.000 MW tại các tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời…
Theo kế hoạch, TTC sẽ đầu tư 22.000 tỷ đồng để xây dựng và vận hành 20 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam. Đến năm 2020, Tập đoàn TTC sẽ trở thành tổ chức tư nhân đầu tư hàng đầu về năng lượng sạch ở Việt Nam.
Để đạt mục tiêu đó, TTC sẽ đầu tư mạnh vào điện năng lượng mặt trời và điện gió. Theo kế hoạch đến năm 2020, tổng công suất 4 lĩnh vực trong ngành năng lượng của TTC sẽ đạt 1.422 MW, tăng gần 5 lần so với mức 289 MW năm 2017. Trong đó, điện mặt trời dự kiến đạt 1.000 MW (chiếm 70%), thủy điện 230 MW (chiếm 16%), nhiệt điện 152,1MW (chiếm 11% ) và điện gió 40 MW (chiếm 3%).
Mục tiêu của TTC là rất lớn, nhưng vốn tự có của doanh nghiệp này tại các dự án chỉ chiếm khoảng 30%, nên phần còn lại sẽ được Tập đoàn đàm phán với các ngân hàng, tổ chức tài chính… Trong đó, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) sẵn sàng cung cấp nguồn tài chính và các hỗ trợ khác về kỹ thuật, đồng thời kêu gọi các đối tác cùng đầu tư vào ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch tại Việt Nam.
Xu hướng toàn cầu
Việc chuyển đổi từ sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu lửa…) sang sử dụng năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng chung của toàn cầu. Việc đưa vào sử dụng năng lượng tái tạo nhanh và hiệu quả có ý nghĩa quan trọng trong an ninh năng lượng, giảm thiểu biến đổi khí hậu và có lợi ích về kinh tế không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam (nơi có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời).
Để kích thích nguồn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng sạch, năm 2011 Chính phủ đã ban hành quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo đó Chính phủ chấp nhận mua điện mặt trời với giá 9,35 cent/kW, mức giá đưuọc giới đầu tư vào ngành năng lượng nhận định đủ choi là hấp dẫn để đầu tư khi tiến bộ về công nghệ đagn khiến suất đầu tư giảm nhanh.
Cú huých từ chính sách đang tạo một cuộc chạy đua nước rút giữa các nhà đầu tư khi các điều kiện ưu đãi chỉ có giá trị với các dự án khởi công từ đầu năm 2017 đến giữa năm 2019.
Sang năm 2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo đó với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện được nâng lên mức 9,8 cent/kWh. Ngoài ra, dự án điện mặt trời còn được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… theo quy định hiện hành.
Tín hiệu tích cực từ Chính phủ khiến nhiều ngân hàng mạnh dạn đầu tư vào các dự án năng lượng sạch. Có thể kể dến như VCB cấp tín dụng đối với Công ty cổ phần BP Solar để tài trợ dự án Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 với tổng giá trị là 785 tỷ đồng. Dự án Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 có công suất 46MW với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, nằm tại xã Hữu Phước, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đây là một trong số những dự án điện năng lượng mặt trời được triển khai sớm nhất tại tỉnh Ninh Thuận và dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2019.
Hoặc HDBank dành tới 7.000 tỷ đồng để triển khai chương trình tài trợ dự án điện mặt trời kéo dài đến năm 2020. Cụ thể, ngân hàng này sẽ tập trung vào các dự án trong quy hoạch phát triển điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào dự án điện quốc gia đến năm 2020. Đặc biệt, Ngân hàng ưu tiên các dự án có khả năng đấu nối trước ngày 30/6/2019.