Tham vọng của ông chủ Thế Giới Di Động lớn đến đâu?

22/07/2016 09:20 AM | Kinh doanh

Những mục tiêu khó khăn nhất được ông Nguyễn Đức Tài và CEO Thế Giới Di Động đặt ra nhằm tạo thành một thế lực khổng lồ ở Việt Nam và khu vực.

Ông Nguyễn Đức Tài, đồng sáng lập và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thế Giới Di Động (MWG) cho biết đến năm 2020, MWG sẽ trở thành tập đoàn bán lẻ đa ngành lớn nhất Việt Nam, xếp số 1 ở lĩnh vực thương mại điện tử và mở rộng thành công sang Lào, Campuchia, Myanmar.

Ngoài ra, công ty cũng đặt tham vọng chiếm 30% thị phần điện máy, lấy thị phần của không chỉ các ông lớn trong thành phố mà của cả các cửa hàng nhỏ lẻ vùng xa. Đồng thời, đặt mục tiêu doanh thu tỷ đô cho Điện máy Xanh sau khi Thế Giới Di Động đã đạt được.

Phát biểu trong sự kiện Điện máy Xanh phủ sóng đủ 63 tỉnh thành cả nước và là siêu thị thứ 131 của chuỗi cửa hàng điện máy thuộc MWG, ông Tài cho biết Thế Giới Di Động nói gì làm được nấy. Ông đã đặt mục tiêu phủ Điện máy Xanh hết tỉnh thành trong năm nay thì đã đạt được và khi đã đặt mục tiêu doanh số nào đó thì sẽ sống chết để hoàn thành.

Sự kiện của Điện máy Xanh diễn ra tối 20/7 quy tụ những lãnh đạo quốc gia cao cấp của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới và Việt Nam như Samsung, LG, HTC, Asus, Sony, Electrolux, TCL, Mobiistar, Q-mobile, Asanzo,… Trước mặt hầu hết những lãnh đạo cao nhất của công ty đối tác, ông Trần Kinh Doanh - CEO Thế Giới Di Động - cho biết mục tiêu chiếm 30% thị phần điện máy năm 2017 và sẽ là đối tác bán lẻ lớn nhất của các thương hiệu có mặt. Ông Doanh cũng nói năm sau chuỗi điện máy của MWG sẽ đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD, sau khi chuỗi Thế Giới Di Động đã đạt con số này.

Ông Trần Kinh Doanh, CEO Thế Giới Di Động - Ảnh: H.Đ

Để trở thành chuỗi điện máy lớn nhất về quy mô cửa hàng hiện nay, CEO MWG cho biết đây là một “hành trình tốc độ”. Ban đầu, từ năm 2010, 2011 đến cuối 2014 chuỗi này chỉ mở ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng năm. Từ cuối 2014 đến 2015, tham vọng mở rộng Điện Máy Xanh mới thực sự bắt đầu.

Đầu năm 2015 chuỗi này xây dựng một phần mềm giao hàng để quản lý chính xác và tối ưu quá trình này. Một chiếc TV khi bắt đầu giao hàng sẽ được theo dõi xem mấy giờ được xuất kho, bao lâu thì đến nhà khách hàng và chính xác lúc nào giao xong.

Tháng 8/2015, Điện Máy Xanh lần đầu Bắc tiến thành công với việc mở cửa hàng đầu tiên ở Cao Bằng. Tháng 10/2015 đạt 50 shop, đến cuối năm thì đạt 75 siêu thị, doanh thu khoảng 4,4 ngàn tỷ đồng, chiếm 5% thị phần điện máy cơ bản trong nước.

Kỷ lục doanh thu bắt đầu được phá vỡ khi từ tháng 5/2016, Điện Máy Xanh đạt hơn 100 siêu thị, doanh thu mỗi tháng là 1.000 tỷ đồng. Đến tháng 9 năm nay, ông Doanh nói sẽ mở đủ khoảng 135 siêu thị, đạt kế hoạch năm tài chính. Năm này, doanh thu chuỗi cũng tăng 3 lần so với năm ngoái, khoảng 12 ngàn tỷ đồng, chiếm 14-16% thị phần bán lẻ điện máy.

Như vậy, trong 2 năm đánh nhanh thắng nhanh, ông Doanh cho biết chuỗi điện máy của công ty đã trở thành hệ thống lớn nhất Việt Nam, trở thành đối tác mua hàng lớn nhất của các hãng.

Nhưng chưa dừng ở đó, tham vọng bành trướng được ông Doanh cho biết trong nửa sau 2016 và năm 2017 sẽ “nhanh hơn những gì đã nhanh”. MWG sẽ thử nghiệm các cửa hàng điện máy nhỏ hơn, thâm nhập vào các khu vực tỉnh lẻ, với diện tích tầm 300-400 mét vuông. Những thử nghiệm đầu tiên đã thành công và sẽ mở khoảng 270 shop dạng này, cộng với khoảng 130 shop hiện tại, cuối 2017 công ty sẽ có 400 cửa hàng trên toàn chuỗi.

Không chỉ có ý tấn công vùng miền nhỏ, giành thị phần của các cửa hàng nhỏ, CEO của MWG còn chia sẻ rằng sẽ tích cực làm việc với các hãng, các công ty tài chính để đưa ra các chương trình mua hàng hợp lý, kích thích tiêu dùng. Cuối năm 2017, Điện Máy Xanh sẽ đạt doanh thu gấp đôi con số 12 ngàn tỷ đồng của năm 2016 và lần đầu đạt doanh thu tỷ đô, sau khi chuỗi Thế Giới Di Động đã đạt mục tiêu này.

Tham vọng trở thành tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Thế Giới Di Động là một mục tiêu khó khăn, mặc dù công ty này đã có những bước đi bài bản, từ Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh, sắp tới là trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, còn đó những đại gia bán lẻ và thương mại điện tử lớn tại Việt Nam không dễ dàng để MWG dễ dàng tiến lên bao gồm Coop Mart, BigC hay AEON mall; ở lĩnh vực thương mại điện tử có Lazada, Adayroi…

Tuy vậy, ở lĩnh vực thương mại điện tử đúng là MWG có những thành công nhất định. Theo báo cáo về thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam được Euromonitor International phát hành vào tháng 1/2016, Thế Giới Di Động là công ty chiếm thị phần bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam với 10% thị phần, theo sau là Rocket Internet, tức Lazada và Zalora, đạt 9,3% thị phần.

Theo Hải Đăng

Cùng chuyên mục
XEM