Tem nhận diện có đảm bảo thịt sạch?

17/12/2016 08:54 AM | Xã hội

Ngày 16.12, người tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã có thể kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thịt heo qua quét mã vạch trên tem điện tử dán trên miếng thịt từ điện thoại thông minh (smartphone) tại 349 điểm bán thuộc các kênh phân phối hiện đại (gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm). Dù vậy, nhiều người tỏ ra băn khoăn chất lượng thịt heo dù có tem nhưng liệu có đảm bảo sạch?

Truy xuất đơn giản và nhanh chóng

Qua hơn 4 tháng khẩn trương xây dựng, đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đã được UBND TPHCM cho phép tổ chức triển khai thí điểm giai đoạn 1, bắt đầu từ ngày 16.12 tại mạng lưới bán hàng của hệ thống phân phối hiện đại gồm có Sài Gòn Co.op, Satra, Vissan, Cocomart, Auchan, Aeoncitimart, Queenland, sau đó tiếp tục triển khai tại các hệ thống Sagrifood, Big C, Lotte, Aeon Việt Nam và C.P.

Từ 8h sáng, tại siêu thị Coopmart Foodcosa (Q.Gò Vấp), gian hàng bán thịt heo đã chật kín người đến tham gia thử nghiệm ứng dụng truy xuất nguồn gốc thịt heo. Mỗi vỉ thịt heo trong siêu thị đều dán “tem điện tử” để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc. Để truy xuất nguồn gốc miếng thịt heo mình mua, người tiêu dùng chỉ cần cài đặt ứng dụng có tên Te-food trong hệ thống App store hoặc Google store trên điện thoại để sử dụng. Phần mềm này được cung cấp miễn phí.

Khi mở ứng dụng Te-food, người tiêu dùng chọn “Truy xuất ngay”, lúc này camera trên điện thoại được kích hoạt để quét mã vạch trên tem điện tử dán trên miếng thịt. Chỉ mất vài giây, toàn bộ thông tin thịt heo xuất từ trang trại nào, giết mổ ở đâu và ngày nào, bán lẻ ở đâu được hiện ra. Ngoài ra, ứng dụng truy xuất nguồn gốc thịt heo cũng thể hiện bản đồ cụ thể địa điểm, các cửa hàng bán thịt gần vị trí khách hàng. Trong trường hợp không có điện thoại, người tiêu dùng có thể sử dụng các máy soi tem truy xuất nguồn gốc thịt heo đặt tại các điểm bán. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc miếng thịt heo nhanh hay chậm phụ thuộc vào tốc độ mạng Wifi và 3G tại khu vực người tiêu dùng đang đứng.

Chị Nguyễn Thị Hằng (quận Gò Vấp) chia sẻ: “Tôi cảm thấy an tâm hơn rất nhiều sau khi truy xuất được nguồn gốc thịt heo mà mình mua. Tôi khá tin tưởng vào hệ thống siêu thị, khi nguồn thịt rõ ràng buộc những nhà cung ứng sản phẩm phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng. Nếu sắp tới có thể truy xuất được nguồn gốc rau, quả, cá,... thì quá tốt”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho biết, trong 2 tháng đầu, chi phí phát sinh trong thực hiện đề án như tem, vòng nhận diện, người tiêu dùng sẽ được hỗ trợ. Sau khi hết hỗ trợ, chi phí phát sinh cao nhất trong đề án khoảng 2.000 đồng/1kg thịt heo. “Chi phí này căn cứ vào trong quá trình khảo sát, người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm ít nhất là 200 đồng và cao nhất là 2.000 đồng/kg thịt heo nếu đề án hoàn chỉnh và có thể truy xuất được nguồn gốc thịt heo” – ông Hòa cho biết.

Cũng theo ông Hòa, theo kế hoạch công bố ban đầu, đề án dự kiến sẽ triển khai ở cả kênh phân phối truyền thống (gồm hai chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, 4 chợ lẻ Bến Thành, An Đông, Hòa Bình, Thái Bình) và kênh phân phối hiện đại. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo tính hiệu quả của đề án triển khai trên thị trường, Sở Công Thương TP chỉ thực hiện thí điểm tại các hệ thống bán lẻ hiện đại, còn các chợ truyền thống sẽ được triển khai chậm hơn vài tuần. “Đề án có hơn 1.000 trang trại và hàng trăm thương nhân tham gia. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa mặn mà với chương trình vì họ đều có một tâm lý chờ đợi. Vì vậy hiện nay chương trình vẫn mở để các hộ kinh doanh này đăng ký tham gia” - ông Hòa nói.

Tem nhận diện có đảm bảo thịt heo sạch?

Theo đề án này, khi heo xuất chuồng, chủ trang trại sẽ đeo hai vòng nhận diện nguồn gốc vào hai chân heo, kích hoạt để theo dõi từ trang trại đến lò giết mổ, xẻ thịt, về chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, chợ lẻ, điểm bán. Tại những điểm bán, tiểu thương sẽ kích hoạt tem nhận diện trên mỗi miếng thịt. Người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh đã được cài đặt ứng dụng đọc mã vạch trên tem truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Quy định là thế nhưng nhiều người tỏ ra băn khoăn khi việc đeo vòng chỉ được tiến hành khi heo xuất chuồng nên chỉ truy xuất được lô heo, trại heo chứ chưa truy xuất được từng con heo trong quá trình nuôi như thế nào. Điều này gây lo ngại rằng chất lượng heo vẫn chưa được kiểm soát, heo vẫn có thể được cho ăn chất cấm, bơm nước… Như vậy, vấn đề mấu chốt của chất lượng thịt heo an toàn vẫn chưa giải quyết được. Chưa kể, nhiều người nuôi heo quy mô vài chục con nhờ thương lái trà trộn với heo trại khác, vì thế có tem nhưng chưa chắc thịt đó “chuẩn”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa khẳng định, tại các chợ đầu mối, tất cả hàng hóa đều phải có tem, niêm phong mới được cho nhập. Tương tự, tại chợ lẻ, ban quản lý chợ phải kiểm soát việc này. Ứng dụng cũng sẽ đưa ra một “danh sách đen” các quầy sạp nào, ở chợ nào tham gia chương trình nhưng bị phát hiện làm ăn gian dối, để từ đó người tiêu dùng sẽ nhận biết tẩy chay và tìm đến những quầy sạp khác bảo đảm an toàn. Ngoài ra, ở các chợ sẽ được gắn camera kiểm soát toàn bộ quá trình kinh doanh nhằm phát hiện vi phạm, gian lận nếu có.

“Yếu tố con người được đề cao trong quá trình thực hiện vì con người trực tiếp tham gia vào tất cả các quy trình. Chương trình không bắt buộc, nên đối với những người không tham gia thì phải có phương án tách bạch để kiểm soát thịt heo vào chợ. Phải làm sao vận động được tiểu thương, cho họ thấy được lợi ích khi tham gia, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thịt heo không thuộc chương trình đi vào các chợ lẻ” – ông Hòa nói.

Về việc mong muốn của người tiêu dùng sắp tới sẽ có thể truy xuất được nguồn gốc các thực phẩm khác (rau, quả, cá…), ông Hòa cho biết theo kế hoạch, đề án được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 16.12.2016, giai đoạn hai bắt đầu từ tháng 3.2017. Sau mặt hàng thịt heo, những loại thịt gia súc, gia cầm và rau củ quả khác sẽ được đưa vào đề án truy xuất nguồn gốc.

Theo Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM