Cuộc đời bình thường, sự nghiệp dậm chân, giả vờ sống ổn: Lựa chọn an nhàn lúc còn trẻ là hành động tàn nhẫn nhất với chính mình
Tâm sự tuổi 30: Hồi trẻ, cứ tưởng tiến về phía trước rất mệt mỏi, bây giờ mới biết, thụt lùi về phía sau còn đớn đau hơn ngàn lần.
- 1 - Việc trưởng thành chưa bao giờ là ấm áp cả
Tôi từng nghe qua một câu nói: "Có một kênh rạch giữa những gì bạn muốn và những gì thế giới đáp trả lại cho bạn. Bạn rơi vào đó rồi, gọi là thất bại, bạn trèo lên được, gọi là trưởng thành."
Rất nhiều lúc, chúng ta đứng giữa kháng cự và khao khát, giữa chần chừ và đấu tranh, vô tình sẽ rơi vào một tình huống khó khăn do việc trưởng thành tạo ra.
Tài, một người bạn của tôi đã từng như vậy. Công ty mà anh ấy đang làm việc rất ổn định nhưng cuộc sống lại không như ý, làm việc cũng sắp năm năm rồi, ngoại trừ cách xưng hô từ "anh tài" thành "chú Tài" ra thì vẫn là một nhân viên nhỏ.
Những người trẻ tuổi vào làm muộn hơn anh ấy cũng đã được đề bạt hết rồi, mỗi ngày anh ấy được gọi đi gọi lại làm một vài việc vặt, cuộc sống có vẻ nhẹ nhàng thảnh thơi, nhưng trong lòng cảm thấy vô cùng chán nản.
Có một lần, anh ấy nói với tôi: "Mọi người đều cảm thấy công việc này của tớ thoải mái lại ổn định, quả thật là một nơi tốt để sống qua ngày và dưỡng già, nhưng trong lòng tớ chán nản thì người ngoài đâu ai biết? Hồi trước cứ tưởng tiến về phía trước rất mệt mỏi, bây giờ tớ mới biết, thụt lùi về phía sau còn vất vả hơn".
Thật vậy, đằng sau thảnh thơi và ổn định ngoài sự chán ngán vì phải lặp đi lặp lại những công việc máy mọc, còn có sự hoang mang cho sự nghiệp sau này khi đến tuổi trung niên.
Bề ngoài họ trông an nhàn thảnh thơi, nhưng thật ra cuộc sống không hề dễ thở chút nào, bởi vì thiếu sự phát triển, tiến bộ mà trong lòng bứt rứt không yên. Đằng sau sự bứt rứt đó là mông lung vì cuộc sống mãi chẳng chịu thay đổi, là thất vọng khi nhìn thấy phần còn lại của cuộc đời...
- 2 - Đã rất lâu không còn cảm giác mỗi ngày đều đang lớn
Thời gian trước trong một chuyến đi công tác, tôi có cuộc hẹn với Hoàng Trung, một đồng nghiệp cũ giờ đã khởi nghiệp. Anh ấy nói: "Tối nay tớ sẽ uống với các cậu một bữa ra trò, cũng đã hai tháng rồi tớ chưa được nghỉ ngơi, bây giờ mệt hơn hẳn so với trước đây khi đi làm..."
Ban đầu Hoàng Trung là quản lý của công ty chúng tôi và luôn được cấp trên trọng dụng. Đầu năm ngoái, anh ấy đột nhiên nói với công ty muốn từ chức để học tập, muốn đổi sang ngành thiết kế thời trang.
Về việc này, tôi ngoại trừ cảm thấy đáng tiếc ra còn cảm thấy khó hiểu. Suy cho cùng khoảng cách giữa ngành tiếp thị và thiết kế thời trang thật sự là quá lớn. Buổi tối chúng tôi tìm một quán rượu nhỏ, vừa ngồi xuống không bao lâu thì Trung đến. Anh ấy đội một chiếc nón jazz, khoác áo ghi lê, trông hệt như người mẫu thời trang.
Đang trò chuyện với nhau, khi chúng tôi nhắc đến lý do anh ấy xin nghỉ, Hoàng Trung nói: "Thật ra trước khi từ chức anh ấy cũng do dự rất lâu, mặc dù đã làm trong công ty ba năm, nhưng đặc biệt là năm cuối cùng, những việc đã làm so với công việc trong hai năm qua không khác là bao, chỉ là thuần thục hơn thôi."
Tiền lương và chức vụ cũng đã đủ cao, nhưng quan trọng nhất là đã rất lâu không còn cảm giác mỗi ngày đều đang trưởng thành.
Mặc dù bề ngoài anh ấy làm việc có vẻ rất tích cực, nhưng mỗi tối trước khi đi ngủ trong lòng lại thấy trống rỗng, có loại cảm giác bứt rứt và mông lung không tài nào diễn tả được.
Thật ra lúc anh ấy vừa khởi nghiệp cũng không thuận lợi cho lắm, khi đó trong nhóm chỉ có ba người, vừa phải phụ trách các hoạt động triển lãm vừa phải học thiết kế, chụp hình... Khoảng thời gian đó, anh ấy cảm thấy như đẽo gọt chính mình mà trưởng thành, mặc dù rất đau đớn, nhưng bản thân càng tôi luyện càng trở nên mạnh mẽ hơn, mỗi ngày thức dậy đều cảm nhận được những thay đổi mới mẻ.
Uống xong bữa này, tôi có phần cảm khái.
Giống như Hoàng Trung nói, trưởng thành thật sự rất mệt mỏi, lại còn không nhất định sẽ có kết quả, nhưng trong lòng lại cảm thấy hài lòng và thỏa mãn, ít nhất biết được mỗi ngày bản thân đều sống theo cách mình muốn, và còn từng bước tiến về phía trước để đến gần mục tiêu, vậy là ổn.
- 3 - Sống ở đâu không quan trọng, điều quan trọng là đừng quá an nhàn
Tôi về nhà vào dịp tết, đúng lúc bạn thời trung học kết hôn. Lúc tôi trò chuyện với vài bạn học cũ trong bữa tiệc có bàn đến công việc của mỗi người.
Một người bạn ở lại quê làm việc nói với tôi: "Thấy cậu lên thành phố bôn ba nỗ lực, tớ thật sự cũng rất ngưỡng mộ, dù sao thì nơi đó cũng có đất thể hiện hơn, nhiều cơ hội hơn, còn có một nhóm anh em có chung lí tưởng cùng nhau phấn đấu.
Chúng tớ ở lại thị trấn nhỏ, mỗi ngày yên ổn đi làm, giữ một chức vụ như có như không, nhận về mức lương không cao không thấp, sống một cuộc sống có thể thấy trước kết cục trong vòng tròn nhỏ bé quen thuộc này.
Cơ hội ít ỏi đến nỗi dù có ý tưởng cũng không có chỗ để phát huy. Nếu không phải bây giờ đã có gia đình, tớ cũng muốn lên thành phố để trải nghiệm..."
Thật ra, loại chuyện này cũng chỉ nói ra cho có mà thôi.
Rất nhiều lúc, ngoài miệng họ nói ngưỡng mộ với cuộc sống và sự trưởng thành hiện giờ của bạn, nhưng nếu thật sự bắt họ phải từ bỏ môi trường thoải mái và quen thuộc ngay trước mắt để đi đến một nơi xa lạ, nỗ lực lại từ đầu cho một tương lai không chắc chắn, hầu như là không có khả năng.
Đương nhiên, không hẳn là ở lại thành phố nhỏ dưới quê thì không thể phát triển. Những người có quyết tâm và can đảm trưởng thành thì cuộc sống của họ sẽ không quá tệ ngay cả khi sống trong các thành phố nhỏ. Vì vậy, sống ở đâu không quan trọng, điều quan trọng là bạn có đang trưởng thành hay không.
Trưởng thành thật sự rất gian nan, nhưng chỉ như vậy mới có thể cảm nhận được sự sảng khoái sau khi trưởng thành, mới có thể gặt hái hạnh phúc lâu dài, mới có thể lấp đầy sự hào hứng vào mỗi ngày không biết trước của sau này.
- 4 - Khi bạn ép bản thân đến không còn đường lùi, tiến về phía trước sẽ trở thành lựa chọn duy nhất.
Thật ra vốn không tồn tại một công việc hay một cuộc sống dễ dàng nào trên thế gian này. Đằng sau sự thảnh thơi mà bạn ngưỡng mộ, hoặc là ngày tháng tạm bợ trong lo lắng và dày vò, hoặc là nỗ lực phấn đấu để tôi luyện ra sự bình tĩnh và tự tin.
Thay vì theo đuổi cuộc sống an nhàn vốn không tồn tại, chi bằng hãy tận hưởng cảm giác trưởng thành từ nỗ lực của mình. Suy cho cùng, cuộc sống an nhàn thảnh thơi mà bạn đang theo đuổi, có thể từ từ biến mất theo sự thay đổi của hoàn cảnh và môi trường.
Chỉ khi không ngừng trưởng thành trong khó khăn mới có thể sớm thoát khỏi những khó khăn.
Rất nhiều người rõ ràng biết họ đã sa vào lối sống an nhàn nhưng không tài nào thoát ra được, lý do cơ bản nhất là: họ vẫn sợ hãi về sự thay đổi và việc không biết trước được kết quả.
Thật ra cho dù không thay đổi nơi làm hoặc chức vụ hiện tại, bạn vẫn có thể nhìn thẳng vào công việc trước mắt mà dốc sức xây dựng năng lực cạnh tranh. Bất kỳ loại công việc nào, nếu có thể làm đến trình độ cao nhất thì nhất định sẽ nhận về được lợi ích.
Đối với trưởng thành, mỗi người đều sẽ có sự trì trệ riêng của họ, trước khi bất kỳ thói quen nào được hình thành sẽ luôn bị cản trở bởi một vài yếu tố bên ngoài. Vì vậy, đôi khi bạn phải mạnh tay với mình một chút, phải gò ép bản thân. Khi bạn ép bản thân đến không còn đường lùi, tiến về phía trước sẽ trở thành lựa chọn duy nhất.
Nhất định đừng lựa chọn an nhàn vào độ tuổi nên phấn đấu nhất vì đó là hành động tàn nhẫn nhất đối với bản thân bạn. Chỉ có lựa chọn trưởng thành, mới là phần thưởng tốt nhất cho tương lai.