'Nói miệng như anh... quê tôi nhiều': Có một thế hệ lười, đầu vẫn ước ao thành công nhưng ngày ngày chỉ ngủ, ăn chơi, hứa nhiều nhưng làm thì ít
Cuộc sống không thể diễn kịch cùng bạn, và 25 tuổi thất nghiệp, nó là một món nợ cả vốn lẫn lãi mà bạn phải trả. Hôm nay bạn không muốn đổ mồ hôi, thì ngày mai bạn chỉ có thể thấy thất bại mà thôi. Hy vọng những nỗ lực của bạn không phải là nói miệng.
(1) Miệng thì nói cố gắng...
Gần đây tôi có gặp cô em họ Tuyết Mai, vừa nhìn thấy tôi, cô đã bắt đầu khóc lóc kể khổ.
Lúc tốt nghiệp, em cảm thấy mình rất may mắn vì không mất nhiều công sức để vào được công ty này. Không tăng ca, không làm việc đêm, mỗi tháng chỉ có bận rộn vài ngày, thu nhập cũng ổn định.
Tuy nhiên, một vài ngày trước, công ty đột nhiên muốn cắt giảm nhân sự, tất cả bộ phận đều phải thực hiện, đây không phải là muốn chèn ép người khác hay sao? Em sắp 30 tuổi rồi, vừa không có tiền, vừa không có kinh nghiệm chuyên môn sâu, hơn nữa lại đang nuôi con nhỏ, làm sao có thể so sánh với mấy người hai mấy tuổi vừa tốt nghiệp? Nếu nghỉ việc, em lấy gì để nuôi con đây?
Tôi không biết phải nói gì với cô ấy. Cuộc khủng hoảng mà cô ấy hiện đang gặp phải thực sự chính là sự tích lũy từng tý, từng tý một gộp lại.
Lúc sinh viên năm 4, các sinh viên đang lần lượt chuẩn bị nghiên cứu luận văn, Tuyết Mai cũng tự tin sẽ tự nghiên cứu một mình. Tuy nhiên, vài ngày sau lại thấy cô ấy đang vui vẻ đi dạo phố.
Cô ấy nói: "Nghiên cứu làm sao có thể dễ dàng như vậy? Nói chung, trình độ của nghiên cứu sinh không thể nói lên được gì trong suốt 4 năm học. Trường em lại là trường thường, không giống nơi có thiên thời địa lợi nhân hòa, lấy cái gì đi so sánh với người ta?"
Tôi nói lại: "Vậy thì chuẩn bị hồ sơ phỏng vấn tìm một công việc đi". Bởi vì thời gian học đại học cô ấy đều dành để xem phim, mua sắm và ngủ trong những giờ học, thành tích học tập của Tuyết Mai rất thấp và kinh nghiệm thực tập không có gì đáng nói.
Một số công ty thậm chí chưa mở sơ yếu lý lịch của cô ra đã vứt đi rồi, có công ty cũng gọi đến mời làm bài kiểm tra nhưng cô vẫn không vượt qua.
Sau đó, Tuyết Mai trở về quê và tìm thấy công việc tiết kiệm thời gian và công sức. Cô ấy luôn nói rằng cô ấy phải làm việc chăm chỉ và phấn đấu trong một vài năm tới để nhảy tới một công ty nổi tiếng hơn trong ngành.
Tuy nhiên, tất cả sự cố gắng của cô ấy chỉ là nói miệng, chỉ là đối phó tạm thời tại nơi làm việc, và sau khi tan ca không bao giờ nghĩ đến việc học tập hoàn thiện bản thân mình. Cuộc sống không thể diễn kịch cùng bạn, và 25 tuổi thất nghiệp, nó là một món nợ cả vốn lẫn lãi mà bạn phải trả.
Ảnh minh họa: Cristóbal Schmal
(2) Tâm trí thì vẫn bảo mình phải thay đổi...
Cuộc sống không hề dễ đi, mỗi bước đi cần phải tính toán rõ ràng. Một số người đang nghĩ cách để tiếp tục bước tiếp, và một số người đang tìm kiếm lý do để lùi bước.
Trung Quân đang học năm cuối cấp 3. Cậu nói rằng bản thân không dám nhìn vào đồng hồ đếm ngược, vì trong tâm đang có cảm giác lo sợ.
Khi mới vào lớp 10, mục tiêu của Trung Quân là trở thành thủ khoa của trường, cậu ấy lúc đó phong thái tự tin hiên ngang bước vào. Còn nhớ khi mang cặp xách vào trường, cậu ấy nghĩ mọi thứ ở đây dường như đang chờ đợi cậu và bản thân cậu sẽ mang lại cho nó một khoảng thời gian tuyệt vời.
Tuy nhiên, ba năm sắp trôi qua, cậu phát hiện ra rằng cậu đã không có duyên với danh học sinh xuất sắc, và phải thừa nhận rằng cậu là một học sinh học lực kém.
Bây giờ, điều làm cậu lo lắng mỗi ngày không phải là thi vào trường đại học uy tín nào, mà liệu cậu có thể tốt nghiệp cấp 3 ở trường tỉnh hay không? Trung Quân nói rằng cậu không muốn nghĩ gì nữa, còn mười mấy ngày nữa thi nên cậu phải cố gắng theo kịp.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi cậu nói sẽ cố gắng, tôi thấy cậu ấy đăng lên mạng xã hội hình chụp vé tàu. Cậu ấy đang tham gia một chuyến du lịch ba ngày dịp nghỉ lễ tết Thanh Minh.
Tôi rất ngạc nhiên, không phải bảo cố gắng để học sao? Còn lại ít ngày nữa là đến kỳ thi tuyển sinh đại học mà vẫn có thể ung dung tự tại đi chơi được?
Cậu ấy nói rằng học đến mức đau đầu rồi, việc học nên được kết hợp giữa học và nghỉ ngơi điều độ. Tuổi trẻ không buông thả, không phải uổng phí tuổi trẻ à?
Tôi không biết nên nói gì. Thì ra, những nỗ lực của cậu ấy chỉ là nói miệng. Khi bạn "trả giá" cho sự phấn đấu của mình, cũng giống như bán phá giá ước mơ của mình. Hôm nay bạn không muốn đổ mồ hôi, thì ngày mai bạn chỉ có thể thấy thất bại mà thôi.
Ảnh minh họa: Beastfromeast/Getty images
(3) Hãy làm đi, nói ít thôi...
Vào đầu năm, tôi đã cùng một vài người bạn tổ chức một nhóm đọc sách. Chúng tôi ý chí hừng hực lên kế hoạch, trong một tuần chúng tôi đọc xong một cuốn sách và ghi chép lại nội dung, vào cuối năm tất cả chúng tôi sẽ trở thành những độc giả tuyệt vời.
Trong hai tuần đầu tiên, mỗi ngày trong nhóm đều đăng lên nhiều hình ảnh chăm chú đọc sách, tràn đầy năng lượng tích cực.
Tuy nhiên, càng về sau càng có ít người kiên trì, hiếm khi thấy một người đăng hình đọc sách. Sau đó, nhóm im lặng và không ai bàn luận nữa.
Có lúc tôi không chịu được, bất lực lên nhóm hỏi thẳng, các bạn đang đọc sách gì vậy? Chờ nửa ngày cũng không ai lên tiếng. Sau đó, một người bạn nói rằng, cuốn sách đầu tiên còn đọc không xong, những cuốn sách mua cùng mọi người thậm chí còn chưa có cơ hội mở ra.
Không phải nói rằng mỗi ngày bạn bận rộn bao nhiêu, chỉ là, những nỗ lực đã nói ra đã bị những thứ khác che lấp.
Những ước mơ được nói ra từ miệng, những kế hoạch bị mắc kẹt, và tôi thực sự sợ rằng một ngày tôi sẽ nhìn lại những năm tháng này, sự kiên trì mỗi ngày của tôi chỉ dùng để sạc điện thoại di động.
Mỗi khi bạn gặp khó khăn mà lùi bước, bạn có thể tìm ra nhiều lý do để ngụy biện, đường đường chính chính cầm cố giấc mơ của mình. Cuối cùng, cánh cửa dẫn đến thành công đã trở nên xa vời mãi mãi.
Kiên trì một hướng nhất định, miễn là nó không phải là nhất thời, không phải nghĩ một đường làm một nẻo, sau tất cả những khó khăn đó có thể mở ra một kết quả viên mãn.
Con đường thành công, không quá khó khăn để đi, chỉ là trong giấc mơ của nhiều người chính là vượt qua trăm sông nghìn núi, đến lúc tỉnh dậy mặt trời đã lên cao.
Hy vọng những nỗ lực của bạn không phải là nói miệng.