Tâm sự của gái 30: ‘Chồng không lấy cũng được nhưng nhất định phải mua nhà’
Việc độc lập tài chính, có nhà riêng giúp các cô gái trẻ tự tin khi đối mặt với những lời thúc ép kết hôn của gia đình.
Hiện nay, khoảng cách giới tính vẫn tồn tại khá phổ biến tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ít nhất ở thị trường bất động sản, nó đã bắt đầu bị thu hẹp. Theo nền tảng môi giới bất động sản trực tuyến Beike Zhaofang, phụ nữ Trung Quốc đang mua nhà với tỷ lệ cao hơn so với nam giới ở một số khu vực của nước này.
Một cô gái làm việc ở Bắc Kinh cho biết cô bắt đầu tích cực tiết kiệm từ năm 2017. Cùng với khoản vay, cô đã có thể mua một căn hộ ở quê nhà Ninh Ba vào năm ngoái.
Nữ nhân viên văn phòng 30 tuổi nói rằng dù có nhiều cơ hội đầu tư khác nhưng cô quyết định mua nhà vì muốn chứng minh cho cha mẹ là cô hoàn toàn có thể độc lập về tài chính. Hơn nữa, việc có chỗ ở riêng sẽ giúp cô tự tin khi đối mặt với áp lực kết hôn của gia đình.
Tuy bị đồng nghiệp cảnh báo rằng việc có nhà có thể gây ra bất lợi trong việc kết hôn vì nam giới thường không thích phụ nữ thành đạt nhưng cô gái này vẫn kiên quyết biến kế hoạch của mình thành hiện thực.
Hai người phụ nữ được khảo sát khác cho biết họ đã gặp phải một số sự cố trong quá trình thuê nhà. Sau khi tính toán, họ nhận ra rằng mua một ngôi nhà có ý nghĩa hơn việc đưa số tiền mình vất vả kiếm ra cho chủ nhà tồi tệ.
Năm 2019, Beike Zhaofang lần đầu tiên ghi nhận sự gia tăng mua nhà của phụ nữ. Trong báo cáo hàng năm về tỷ lệ sở hữu nhà của phụ nữ Trung Quốc, công ty này cho biết năm 2020, phụ nữ Trung Quốc chiếm tới 47,54% lượng mua nhà tại 30 thành phố quan trọng, bao gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải. Đây là mức tăng nhẹ so với năm 2019 và mức tăng siêu nhanh so với năm 2016 khi chỉ có khoảng 14,7% phụ nữ ở thành thị có bất động sản đứng tên họ.
Theo báo cáo của Beike Zhaofang, phụ nữ trên 50 tuổi vẫn là nhóm mua nhà lớn nhất bởi họ đã tích lũy được nhiều tài sản theo thời gian. Trong khi đó, phụ nữ dưới 30 cũng không "kém cạnh" khi có thể mua nhà riêng (thường là với sự hỗ trợ tài chính nhất định từ gia đình). Ở thành phố Trịnh Châu, nữ giới đã vượt qua nam giới về lượng mua nhà vào năm ngoái.
Với những cặp vợ chồng mua nhà cùng nhau, hơn 60% phụ nữ cho biết họ "đóng vai trò quan trọng" trong quá trình mua nhà. Điều đáng chú ý là tiếng nói của họ tương quan với trình độ học vấn. Theo đó, khoảng 66,4% những người có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ nói rằng họ là người ra quyết định chính. Phần lớn những người không học đại học cho biết chồng họ mới là người quyết định tất cả.
37,49% phụ nữ tham gia cuộc khảo sát cho biết họ đồng sở hữu ngôi nhà đầu tiên với bạn đời và 31,9% nói rằng họ được cha mẹ hỗ trợ mua nhà.
Theo truyền thống, sở hữu nhà là điều kiện tiên quyết để kết hôn ở Trung Quốc và nam giới thường là người chuẩn bị. Mặc dù vậy, báo cáo của Beike Zhaofang cho thấy điều này đang thay đổi mạnh mẽ khi 58,03% phụ nữ nói rằng họ sẵn sàng đóng góp cùng chồng để trả nợ mua nhà.
Tuy báo cáo của Beike Zhaofang có vẻ khả quan nhưng nhìn chung việc phụ nữ tự mua nhà vẫn không dễ dàng như đối với đàn ông hay các cặp vợ chồng do tình trạng chênh lệch thu nhập giữa nam giới và nữ giới ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, đối với những cô gái trong gia đình đông con, không phải lúc nào họ cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính của cha mẹ để mua nhà. Tệ hơn, trong một số gia đình trọng nam khinh nữ, những người chị em gái còn phải dốc hết sức cho việc kết hôn của em trai trước khi đáp ứng nhu cầu cá nhân.
Nguồn: Sup China