“Tấm Cám: Chuyện chưa kể”: Đấu đá vì lợi nhuận nhưng núp bóng lợi ích của người yêu điện ảnh Việt
Cả BHD và CGV đều cho biết, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” không được chiếu tại cụm rạp lớn nhất Việt Nam do không đạt được thoả thuận kinh doanh. Tuy nhiên, lợi ích của người yêu điện ảnh Việt lại được dùng làm chiêu bài để 2 bên tấn công lẫn nhau.
Trong cuộc họp báo hôm 17/8, diễn viên Ngô Thanh Vân và BHD cho biết dù đã qua nhiều lần thỏa thuận, nhưng tỷ lệ 50/50 mà phía đơn vị phát hành là công ty BHD đưa ra vẫn không được CGV chấp nhận. Theo Đả nữ, đây là khoản ăn chia mà BHD đã ký kết với các nhà phát hành khác tại Việt Nam như Lotte, Galaxy... trong việc công chiếu “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” .
Thông báo cái gọi là “tin buồn cho những nỗ lực của người làm phim Việt muốn bộ phim được đến với đông đảo khán giả cả nước” trong nước mắt, đả nữ Ngô Thanh Vân, đạo diễn/diễn viên của bộ phim, chia sẻ những nỗ lực của BHD trong quá trình làm việc với CGV để bộ phim thuần Việt được công chiếu tại hệ thống rạp lớn nhất Việt Nam.
Dù Ngô Thanh Vân nhắc nhiều tới công sức và tâm huyết của bộ phim thuần Việt nhưng thực chất đây là thỏa thuận kinh tế, tuân theo nguyên tắc thị trường là thuận mua, vừa bán. Theo giới thạo tin, tỷ lệ ăn chia mà CGV đưa ra là 55 – 45%, trong đó nhà rạp Hàn Quốc muốn lấy phần hơn. Lý do của CGV là họ đang vận hành hệ thống rạp chiếu phim lớn và chất lượng hàng đầu Việt Nam kéo theo chi phí trong quá trình chiếu lớn hơn các rạp khác.
Tiền thân của CGV là MegaStar, bắt đầu mở ra các rạp chiếu phim lớn tại Việt Nam từ năm 2006. Nhà rạp này đã góp phần không nhỏ trong việc lôi kéo người dân tới các rạp chiếu phim. Hiện tại, CGV cũng được đánh giá là tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh rạp chiếu phim ở Việt Nam, với hơn 40% thị phần trên toàn quốc. Đi kèm với chất lượng, giá vé của CGV luôn cao hơn so với các rạp chiếu khác.
Tuy nhiên, Ngô Thanh Vân và BHD không hoàn toàn vô lý khi nghi ngờ sự công bằng của CGV. Không chỉ kinh doanh rạp chiếu, CGV còn là nhà phát hành phim tại Việt Nam. Việc CGV ưu tiên cho một số bộ phim mà họ bỏ tiền sản xuất không phải là điều khó hiểu.
Trong quá khứ, CGV từng có những quyết định tương tự và nếm trái đắng. “Fan Cuồng” là một ví dụ. Bất chấp việc được nhiều kỳ vọng và quảng bá lớn, sức hút của bộ phim thua kém khá nhiều so với các bom tấn của “diễn viên triệu đô” Thái Hòa trước đó.
Về phần mình, CGV đổ lỗi cho BHD trong việc “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” không được khởi chiếu bởi “BHD đơn phương từ chối hợp tác”. Theo CGV, hai bên đã không tìm được tiếng nói chung về vấn đề ăn chia.
Theo lập luận của CGV, suất chiếu lớn thì chi phí để vận hành rạp tương ứng sẽ rất cao. CGV và đối tác sẽ xây dựng và thống nhất áp dụng tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé dựa trên chất lượng phim, số lượng rạp chiếu và phòng chiếu của đơn vị phát hành. Tỷ lệ này đã thống nhất từ trước tới nay cho tất cả các phim Việt Nam khi phát hành tại rạp CGV.
Như cách nói của CGV, BHD dường như muốn nhiều hơn so với “thông lệ” của hãng. Trong khi đó, CGV đòi phần hơn là vì những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ nhiều hơn so với cụm rạp khác, đồng thời cũng khẳng định những đóng góp của họ đối với điện ảnh Việt Nam.
Tiếp sau đó, chủ của hệ thống rạp lớn nhất Việt Nam cũng tố luôn BHD đã chơi xấu họ khi không hỗ trợ các phim Việt do CGV sản xuất và phát hành, cụ thể là: Truy sát, Ma Dai, Già Gân... Thậm chí một bom tấn được cụm rạp lớn nhất Việt Nam đầu tư là Găng Tay Đỏ sắp phát hành nhưng cũng chưa được BHD đồng ý.
Phía BHD thì cho rằng, họ cần CGV công bằng như Lotte, Galaxy và các đối tác khác. Lý do của BHD là bộ phim thuần Việt “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” được đầu tư kỹ lưỡng và tâm huyết với chất lượng cao. BHD muốn bộ phim đến với đông đảo công chúng Việt nhưng “đã đơn phương ngừng hợp tác vì bất đồng lợi nhuận” với CGV.
Rõ ràng, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” không được chiếu tại hệ thống rạp tốt và lớn nhất Việt Nam là do bất đồng về ăn chia tiền bạc giữa 2 công ty kinh doanh. Thế nhưng, câu chuyện sặc mùi tiền bạc đó lại được núp bóng “tâm huyết của những người đam mê với điện ảnh Việt” và “CGV sẵn sàng quảng bá cho phim dù chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng” để bào chữa cho quyền định của mình.
Tuy nhiên, dư luận vẫn dậy sóng khi người ta đẩy mạnh yếu tố phim Việt vào sự thất bại của thương vụ này dù không ngoa khi nói nhiều người Việt mất đi cơ hội xem “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” nếu CGV không chiếu.
Về mặt nguyên tắc thị trường, các rạp chiếu sẽ nhìn vào khán giả để quyết định tần suất chiếu cũng như giờ chiếu thay vì nhìn vào xuất xứ của bộ phim. Việc lợi dụng yếu tố thuần Việt để đòi lợi ích cao hơn trong thương vụ với CGV cho thấy BHD và Ngô Thanh Vân đã đánh giá sai tình hình. Nhà rạp Hàn Quốc cũng “chơi rắn” chứ không khuất phục trước chiêu trò của đối tác.
Ở góc độ này, với BHD hay CGV, công chúng yêu điện ảnh chỉ là những con tốt mà họ muốn sử dụng để chơi xấu nhau. Điều vô cùng tức cười là cả 2 bên đều nói thẳng rằng việc phim không được chiếu tại cụm rạp CGV là do bài toán kinh doanh nhưng vẫn ra sức bào chữa cho mình bằng những mục đích tốt đẹp cho công chúng và phim Việt.
Xét về mặt đạo đức kinh doanh, cả 2 nên bị trả giá cho những chiêu trò của mình.
Điều gì sẽ xảy ra nếu sắp tới cả 2 bên lại tiếp tục "ăn miếng trả miếng" khi cấm chiếu phim của đối thủ? Họ sẽ là những người thiệt hại đầu tiên nhưng nhiều người yêu thích và ủng hộ điện ảnh trong nước chắc sẽ ngao ngán hơn và giảm nhiệt. Lúc đó thì dù đầu tư mạnh hơn cho phim Việt và bắt tay hòa giải, cả CGV cũng như các rạp phim đối thủ (trong đó có BHD) sẽ không còn cười khẩy hay khóc giả vờ được nữa.
Trong diễn biến mới nhất, BHD phát đi thông cáo báo chí khẳng định CGV "nói dối" khi thông tin với truyền thông về hỗ trợ 10.000 suất chiếu. Nhà phát hành Việt Nam nói: "Chưa từng nhận được bất cứ thông tin nào của CGV về việc đồng ý hỗ trợ cho bộ phim 'Tấm Cám: Chuyện chưa kể' 10.000 suất chiếu trong thời gian phát hành". Như vậy, cuộc chiến bôi nhọ lẫn nhau giữa 2 nhà phát hành này vẫn chưa dừng lại và người yêu điện ảnh thì chịu khó đến những rạp thuộc liên minh của BHD để xem.
Khi người nước ngoài nói thẳng
"Nếu ai đó nghĩ rằng khách hàng Việt Nam sẽ tẩy chay CGV do thông tin sai lệch được cung cấp bởi một nhóm nhỏ những người không quan tâm đến pháp luật và đang cố gắng khai thác LÒNG TỰ TÔN DÂN TỘC cho lợi ích thương mại cá nhân, sẽ là một sự xúc phạm đến cộng đồng nói chung. Bởi người có tri thức cao và nhận thức tốt sẽ không bị dẫn dắt một cách vô lý. Và tôi tin tưởng rằng người dân Việt Nam luôn đánh giá cao môi trường công bằng và sự cạnh tranh minh bạch".
Vâng, thưa anh bạn xứ Kim chi, lòng tự tôn dân tộc ở nước chúng tôi là cái thứ được rất nhiều người cố gắng khai thác. Xem phim Việt là yêu nước, bất kể chất lượng của phim thế nào. Uống cà phê Việt là yêu nước, bất kể cà phê được độn bột ngô, đậu nành và hoá chất thế nào. Họ muốn chúng tôi yêu nước (theo cách hiểu của họ), trong khi họ chỉ yêu tiền.
Anh yên tâm, tối nay, nhà tôi vẫn ra rạp CGV xem phim
(Status trên facebook của TS Lương Hoài Nam sau khi đọc thông tin về trận chiến giữa BHD và CGV trên báo và mạng xã hội)