Tại sao võ sư người Mỹ "lọt" qua 5 bệnh viện từ Đà Nẵng đến TP.HCM mới phát hiện nhiễm virus SARS-COV-2?
Trước khi được Bộ Y tế công bố trở thành bệnh nhân 449 nhiễm Covid-19 vào tối 29/7, nam võ sư người Mỹ đã có thời gian gần một tháng điều trị viêm phổi, cảm sốt tại 2 bệnh viện ở Đà Nẵng rồi mới chuyển vào 3 bệnh viện khác tại TP.HCM.
Ngày 30/7, Sở Y tế TP.HCM cho biết tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 63 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 61 trường hợp đã được điều trị thành công. 2 ca nhiễm mới được ghi nhận là BN449 (nam võ sư người Mỹ) và BN450 (người chăm sóc cho nam võ sư) đã chấm dứt chuỗi 116 ngày TP.HCM không có ca nhiễm trong cộng đồng.
Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Y tế công bố lịch trình của 2 ca bệnh mới, nhiều người thắc mắc tại sao nam võ sư người Mỹ lại 'lọt' qua 5 bệnh viện mới phát hiện nhiễm Covid-19. Cụ thể, bệnh nhân 449 đã điều trị tại BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng và BV Đà Nẵng với chẩn đoán viêm phổi, sốt, ho, khó thở, đau mình từ 26/6/2020.
Đến 20/7, nam bệnh nhân được chuyển đến BV Chợ Rẫy, TP.HCM. 10 giờ sau, bệnh nhân yêu cầu được sang BV Triều An và BV Quốc tế City (quận Bình Tân, TP.HCM). Đến ngày 27/7, bệnh nhân mới được lấy dịch mũi, họng gửi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm, sau đó xác định dương tính với virus SARS-COV-2.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 lý giải về việc chậm phát hiện bệnh nhân 449 nhiễm Covid-19 tại TP.HCM.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết bệnh nhân được chuyển vào TP.HCM ngày 20/7. Thời điểm này, Đà Nẵng và TP.HCM chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
"Vấn đề ở đây là mình không có được sự phản xạ cần thiết, đặc biệt khi thấy một người có bệnh lý viêm phổi như người này đến điều trị. Đặc biệt là một thời gian dài mình không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, mình vô tình quên mất cái phản xạ mà trước đây mình đã thực hiện. Cho đến khi ca bệnh này khó chữa, lại xuất phát từ Đà Nẵng nên ngành y tế mới rà soát lại, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19" - bác sĩ Khanh nói.
Ngoài ra, bác sĩ Khanh cho biết ở các bệnh viện, yếu tố dịch tễ của bệnh nhân lúc này chưa xác định rõ khi bệnh nhân không di chuyển ra nước ngoài, tiền sử bệnh viêm phổi 10 năm của BN449 cũng là một tác động khiến các bệnh viện "chủ quan".
Nói về các ca lây nhiễm trong cộng đồng thời gian gần đây sau khi phát hiện ca đầu tiên từ Đà Nẵng (BN416 vào ngày 27/7), bác sĩ Khanh cho rằng nếu mình không quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh thì hậu quả sẽ rất khó lường.
"Mình cần phải làm quyết liệt hơn nữa, ở lần trước mình đã làm quyết liệt rồi, đã làm được rồi thì không có lý do gì lần này mình không làm được. Phải kích hoạt lại các biện pháp chống dịch một cách tích cực hơn, bởi "nó" (Covid-19) vô nhà mình hơi lâu rồi" - bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích.
Đeo khẩu trang khi ra đường, đến những nơi công cộng cũng là một biện pháp phòng chống dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng.
Đánh giá về việc lây lan trong cộng đồng, nhất là việc tìm ra F0, theo bác sĩ Khanh, việc này đã không còn quan trọng nữa. Bởi việc xác định F0 để biết được thời gian dịch xuất hiện trong nước mình bao lâu, ở chỗ nào. Với những thông tin hiện nay có được, mình hoàn toàn có thể suy đoán chính xác được vấn đề này.
"Mình tính số ca nặng mà nó xuất hiện, thường thì cũng phải 2-3 tuần rồi, gần như khả năng là dịch xuất hiện lại ở Đà Nẵng rồi, chỉ cần mình khoanh vùng lại, mình theo dõi, cố gắng phát hiện những ca nhiễm Covid-19 mới, đường đi của ca đó là được. Có nghĩa là mình đón đầu con virus, không cho nó chạy trước mình thì khả năng lây dịch bệnh sẽ không còn" - bác sĩ Khanh nói.
Trước việc một số địa phương như Đà Nẵng, Đắk Lắk, Hội An tiến hành việc giãn cách xã hội để đề phòng dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng tại TP.HCM, khi phát hiện 2 ca nhiễm mới, thành phố cũng đã giãn cách xã hội cho các đối tượng cụ thể, nhất là những người đến từ Đà Nẵng.
"2 ca bệnh này (BN 449 và 450), đường đi đã kiểm soát được rồi. Các nơi mà 2 bệnh nhân đi qua như bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Quốc tế City..., những người tiếp xúc gần với bệnh nhân thì đã âm tính, cách ly cả rồi. Tuy nhiên mình vẫn theo dõi sát các ca nhiễm mới (nếu có) để xem đường đi như thế nào. Ví dụ như việc khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm những người tới từ Đà Nẵng, thông báo cho người dân những việc cần làm để chủ động phòng chống dịch bệnh" - bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.