Tại sao việc Starbucks cấm dùng ống hút nhựa chẳng giúp gì cho môi trường?
Việc Starbucks chuyển từ dùng ống hút nhựa sang nắp đậy nhựa với khe hở chỉ giải quyết được phần nhỏ nhất trong vấn đề rác thải nhựa và nó không có giúp ích gì nhiều với môi trường.
Khi Starbucks bắt đầu phục vụ đồ uống lạnh với nắp đậy nhựa có khe hở (sippy-cup-lid), thay vì nắp đậy với ống hút nhựa, loại nắp vốn chỉ sử dụng cho đồ uống lạnh Nitro – có lẽ khả năng tái chế những nắp nhựa này còn thấp hơn hiện tại.
Đối với Starbucks, thay đổi này như một lời hưởng ứng cho áp lực ngày càng tăng với việc loại bỏ các ống hút nhựa, vốn đang gây ô nhiễm đại dương và cuối cùng có thể trở thành những miếng nhựa microplastic trong chuỗi thức ăn. Các ống hút nhẹ không thể đi qua các thiết bị tái chế. Nhưng ngay cả với nắp đậy loại mới đang được công ty chuẩn bị ra mắt vào năm 2020, tình hình cũng không có nhiều cải thiện.
"Chúng ta không thể giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa bằng cách thay thế một loại nhựa sử dụng một lần không cần thiết với một loại nhựa khác." John Hocevar, giám đốc chiến dịch đại dương của Greenpeace cho biết.
Khi nhựa không thực sự được tái chế
Đầu tiên, vấn đề là những chiếc nắp đậy mới chỉ có thể được đưa vào thùng tái chế, khi có ai đó sau khi uống trà hoặc café trên phố đang ở gần một thùng rác nào đó. Nhưng ngay cả khi ai đó cố gắng tái chế chiếc nắp đậy này, điều đó cũng có thể không thực sự xảy ra. Nắp đậy này làm từ vật liệu polypropylene, hay nhựa số #5.
Người Mỹ từng gửi nhựa số #5 cũ này tới Trung Quốc, nhưng giờ đây khi Trung Quốc không cho phép nhập loại nhựa này cũ này nữa, và khi các nhà tái chế gặp khó khăn trong việc xử lý với số rác thải đó, một số người không nhận nó nữa. Ở Sacramento, California, gần đây Phòng Quản lý chất thải đã thông báo rằng họ sẽ không chấp nhận nhựa số #5 nữa. Các thành phố khác cũng đã cấm loại vật liệu này, và nhiều thành phố cũng đang tiếp bước họ.
"Nó là về vấn đề kinh tế." Hocevar cho biết. "Nó không hiệu quả về mặt chi phí. Không có đủ nhu cầu liên quan tới chi phí của việc thực sự biến nó thành sản phẩm khác."
Thay vì được tái chế, đa số rác thải nhựa của Mỹ được đóng gói lại và xuất sang các nước kém phát triển.
Một số loại rác thải nhựa giờ đây được gửi tới các bãi rác hoặc bãi thiêu, và các loại rác thải nhựa khác đã được gửi tới những quốc gia ở Đông Nam Á. Trong quý đầu năm 2018, sau khi lệnh cấm của Trung Quốc có hiệu lực, nước Mỹ đã gửi thêm 6,895% rác thải nhựa tới Thái Lan so với năm trước đó.
Lượng rác thải gửi tới Malaysia cũng tăng thêm 611%, tới Việt Nam tăng thêm 82% - tất cả các quốc gia này đều không có đủ cơ sở hạ tầng để thực sự tái chế rác thải, và cuối cùng chúng sẽ bị đổ thẳng ra đại dương. (Một báo cáo năm 2017 cho thấy Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam chịu trách nhiệm cho rác thải nhựa trên đại dương nhiều hơn tất cả các quốc gia còn lại trên thế giới cộng lại).
Vào tháng Năm, khi phải đối phó với một cơn lũ rác thải nhựa từ Mỹ và các nước khác tràn về, Việt Nam thông báo lệnh cấm nhập khẩu tạm thời với rác thải. Tiếp đó vào tháng Bẩy, Thái Lan cũng thông báo lệnh cấm sử dụng phế liệu nhựa. Malaysia cũng đang cân nhắc một lệnh cấm tương tự.
Thay ống hút nhựa bằng nắp đậy nhựa không phải giải pháp toàn diện
Khi số lượng cửa hàng của Starbucks ở Đông Nam Á gia tăng, loại nắp đậy mới cũng sẽ bổ sung trực tiếp vào lượng nhựa ở đây. Hơn một nửa số cửa hàng Starbucks ở ngoài nước Mỹ và châu Âu, cho biết một phong trào với 1.300 nhóm ủng hộ sử dụng ít nhựa hơn, và phần nhiều trong số các địa điểm đó không có cơ sở hạ tầng tái chế để dễ dàng xử lý các nắp nhựa – ngay cả khi Starbucks cho biết chúng dễ tái chế hơn ống hút.
"Chúng tôi đang bóc trần những tuyên bố mà Starbucks đưa ra, bởi vì họ không xem xét nó một cách toàn diện, một cách hệ thống hay toàn cầu." Shilpi Chhotray, phụ trách truyền thông cấp cao của phong trào có tên Break Free From Plastic, cho biết. Nhóm đã gửi cho CEO Starbucks, ông Kevin Johnson một bức thư mở để mời ông đến thăm một số thành viên của họ tại Đông Nam Á để chứng kiến những gì đang xảy ra với rác thải của Starbucks.
Giải pháp cho vấn đề rác thải của công ty là không rõ ràng. Đối với các ống hút, cho dù một số người khuyết tật vẫn cần đến chúng, nhưng chúng gần như không cần thiết đối với hầu hết mọi người – và rộng hơn, cả nắp đậy cũng vậy.
Starbucks có kế hoạch đưa ra các ống hút làm từ một vật liệu thay thế, hoặc bằng giấy hoặc nhựa có thể phân hủy, cho bất kỳ ai muốn dùng (mặc dù những người ủng hộ người khuyết tật cho rằng các ống hút này không đủ chức năng cho họ để sử dụng).
Còn đối với vấn đề còn lớn hơn của những chiếc cốc dùng một lần – dù Starbucks đang cố gắng thiết kế lại nó từ một thập kỷ nay – họ có thể làm nhiều hơn để chấm dứt việc sử dụng những chiếc cốc dùng một lần cho những người ở trong cửa hàng, và khuyến khích những người khác sử dụng cốc tái sử dụng. (Gần đây, chuỗi cửa hàng café của Anh, Boston Tea Party đã cấm hoàn toàn các cốc dùng một lần, cho dù doanh số café mang đi của họ đã giảm đáng kể sau đó).
Rác thải nhựa làm nghẽn đập Vancha ở Bulgari.
Những ống hút nhựa chỉ là phần dễ nhất
Theo Hocevar, thật tốt nếu Starbucks loại bỏ các ống hút bằng nhựa của mình. "Chỉ là cuộc đối thoại không kết thúc ở đó. Chúng tôi cần các tập đoàn và các chính phủ nghĩ về các kế hoạch toàn diện để loại bỏ nhựa dùng một lần, chứ không chỉ giải quyết phần dễ nhất và nghĩ rằng điều đó là đủ."
Cho dù có thể có hàng trăm triệu hoặc thậm chí hàng tỷ ống hút trên các bờ biển, nó chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ việc ô nhiễm nhựa. (Hội đồng hóa học Mỹ, một nhóm thương mại đã vận động để bảo vệ túi nhựa khỏi một lệnh cấm, cũng cho biết sẽ không chiến đấu cho ống hút nhựa, vì chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường.) Mỗi năm có thể có khoảng 9 tấn nhựa được đổ xuống đại dương.
Các công ty bắt đầu nhận ra rằng họ cần giải quyết một cách toàn diện vấn đề nhựa, ví dụ công ty dịch vụ thực phẩm Aramark gần đây đã thông báo rằng họ có kế hoạch giảm mạnh sử dụng nhựa – không chỉ ống hút và thìa khuấy, mà còn túi, kéo, chai đựng nước, hộp đựng đồ ăn và đồ đóng gói từ nhà cung cấp.
"Hai năm trước, tôi không có các cuộc đối thoại như thế này." Hocevar cho biết hiện tại mỗi ngày anh đều có các cuộc nói chuyện với các tập đoàn về sử dụng nhựa. "Không phải không có ai biết về vấn đề này, nhưng quy mô của vấn đề và mức độ nhận thức đang tăng nhanh đến mức mọi người hiểu được rằng nó là điều đáng báo động và không có cách nào bỏ qua nó."
Tham khảo Fastcompany