Tại sao những vùng nhạy cảm ít tiếp xúc với nắng nhất của chúng ta lại thường sẫm màu hơn những chỗ khác?

27/09/2016 19:43 PM | Công nghệ

Có lẽ đây không phải là một trong những câu hỏi quan trọng nhất, chẳng hạn như "Ý nghĩa của sự sống là gì?" hoặc "Tại sao chúng ta lại có mặt trên Trái đất này?" - nhưng đừng giả vờ là bạn chưa từng băn khoăn về điều này bao giờ nhé.

Theo bác sĩ chuyên khoa da liễu - Lindsey Bordone đến từ Trung tâm Y tế Đại học Columbia, sự thay đổi màu sắc này là sự kết hợp của 2 yếu tố: melanin (hắc tố) và hormon.

Khi một người đến tuổi dậy thì, mức tăng đột biến của 2 loại hormone là oestrogen và testosterone khiến cơ thể tạo ra melanin - một loại axit amin cũng có chức năng tạo màu cho tóc và da.

Chính đây là lý do khiến "cậu nhỏ" của nam giới, đầu vú, cũng như vùng tam giác của chị em có màu sắc đậm hơn các vùng khác.

Hiện tượng này cũng lý giải tại sao trẻ có tóc vàng lại chuyển màu thành tóc nâu khi lớn lên.

Da của phụ nữ cũng có thể trở nên sậm hơn trong thời kỳ mang thai vì lý do tương tự, đặc biệt là vùng quanh đầu vú. Nốt ruồi và vết tàn nhang cũng đậm màu hơn, trong khi một số người còn bị nám trên trán, má và cổ.

Nhưng hãy cẩn thận...

Bác sĩ Bordone cũng cảnh báo rằng, vùng da sậm màu có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường.

Đây là một loại bệnh được gọi là "bệnh gai đen", khiến người mắc bệnh bị sậm dần da ở các vùng quanh cổ, nách và gần háng.

Những biến đổi này thường diễn ra khi một người bị tăng cân quá mức, và sẽ dần biến mất khi người đó trở lại cân nặng bình thường.

Theo Viện nghiên cứu Quốc gia về Ung thư của Mỹ, sự thay đổi màu da trên ngực còn có thể là dấu hiệu của ung thư, chẳng hạn nếu vùng da trên ngực chuyển sắc hồng hoặc tím.

Sự chà xát cũng khiến da trở nên sậm hơn, và có thể điều này là do mặc quần áo quá chật hoặc dùng miếng xốp quá cứng khi tắm.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM