Tại sao những bộ phim võ thuật như Ngọa Hổ Tàng Long lại chính là thủ phạm giết chết võ thuật?

20/04/2016 09:00 AM | Kinh tế vĩ mô

Rõ ràng, hiệu ứng mật ít ruồi nhiều trên thị trường “người thắng được tất cả” đã đảo lộn ngành điện ảnh cũng như ảnh hưởng đến giới võ thuật.

Mãi cho đến năm 1999, nhà chỉ đạo võ thuật Viên Hòa Bình vẫn không thực sự được nhiều người biết đến, kể cả những người trong giới điện ảnh quốc tế.

Tuy nhiên, sau những màn võ thuật đẹp mắt trong phim Ma trận và Ngọa hổ Tàng long, hàng loạt lời mời đã đến với nhà chỉ đạo Viên Hòa Bình.

Trong khi đó, nhà chỉ đạo võ thuật nổi tiếng thế giới William Hobbs với những bộ phim kinh điển như Bá tước Monte Cristo, Ba chàng lính ngự lâm (1974), Những mối quan hệ nguy hiểm... lại dần chìm xuống và không được mấy người nhắc đến.

Trước đây, những trận đánh do biên đạo Hobbs dàn dựng được nhiều chuyên gia điện ảnh và khán giả yêu thích vì tính chính xác của các động tác võ thuật trên thực tế cũng như về mặt lịch sử và quân sự.

Dẫu vậy, từ khi biên đạo Viên Hòa Bình sử dụng nhiều kỹ xảo kéo dây với tốc độ cao, khiến diễn viên không phải dùng nhiều kỹ thuật thực sự và tạo ra những trận đánh màu mè khá giống các trò chơi điện tử, mọi chuyện đã dần thay đổi.

Dù việc làm này khiến những trận đánh không còn sát với thực tế cũng như khó thể hiện trung thực được tính căng thẳng so với những bộ phim do Hobbs dàn dựng, nhưng những đoạn quảng cáo phim lại cho ra hiệu ứng tuyệt đẹp và điều quan trọng là khán giả thích chúng.

Kể từ đó, biên đạo Viên được khán giả yêu thích, được các nhà làm phim và đạo diễn săn đón và có vị thế “người thắng được tất cả” trong thị trường dịch vụ biên đạo võ thuật.

Trong môi trường "mật ít ruồi nhiều", các nhà biên đạo võ thuật không có nhiều lựa chọn và phải cạnh tranh gay gắt để tham gia một bộ phim thì việc chỉ đạo Viên Hòa Bình cho ra mắt loại kỹ xảo mới đã làm đảo lộn mọi thứ, tương tự như việc Apple cho ra mắt iPhone.

Khán giả không còn thích những trận đánh tuân theo định luật vật lý mà theo đuổi những màn đánh đấm kỹ xảo đẹp mắt.

Tuy nhiên, cái giá của những trận đánh bay bướm trên màn bạc khiến công chúng ngày càng coi nhẹ võ thuật thực sự, đặc biệt là những gì mà các võ sư phải trả để hoàn thiện được các kỹ thuật điêu luyện.

Mọi người thích xem những cảnh bay nhảy, tung người ra đòn trên không trong khi thực tế, những trận đánh tay đôi hiếm khi xuất hiện những cảnh này, bởi các võ sư thừa hiểu chúng không có tác dụng gì ngoài sự đẹp mắt.

Ngay cả các đạo diễn và nhà sản xuất hiện cũng phải cố gắng thêm nhiều kỹ xảo, đẩy nhanh nhịp độ trận đánh, dùng càng nhiều dây kéo để tạo ra những cảnh bay bướm hơn các bộ phim trước và lôi kéo khán giả đến rạp.

Hậu quả là giờ đây các võ sư mất một nguồn thu đáng kể khi tham gia đóng các bộ phim võ thuật và người học võ ngày nay thích luyện các chiêu thức biểu diễn hơn là những đòn thực chiến khô khan.

Ngay cả Jackie Chan, ông vua của dòng phim hành động với những pha nguy hiểm diễn thật cũng đã phải tuyên bố sử dụng dây kéo thay vì trung thành với các cảnh mạo hiểm đầy thuyết phục.

Sự lạm dụng kỹ thuật số và các kỹ xảo khiến khán giả không còn ngạc nhiên trước những màn biểu diễn tài năng võ thuật thực sự, đồng thời khiến khoảng cách giữa phim ảnh và đời thực ngày càng nới rộng.

Mặc dù vậy, những cái giá phải trả trên không là gì so với lợi ích mà nó đem lại nét theo góc độ cá nhân trên thị trường mà “người thắng được tất cả”. Đây cũng là lý do khiến kỹ xảo màn ảnh ngày càng phát triển, còn võ thuật thực dụng ngày càng không được ưa chuộng.

Bên cạnh đó, xã hội cũng không được lợi gì khi giờ đây các diễn viên có thể bay nhảy tự do thay vì tuân theo các định luật vật lý thực tế. Giờ đây, xảo thuật đã trở nên quan trọng hơn so với sự rèn luyện và kỹ năng. Những đứa trẻ giờ đây muốn được nhảy lộn vòng hoa mỹ chỉ với vài tuần luyện tập thay vì mất hàng năm trời chỉ để luyện một cú đá uy lực và thực dụng

Rõ ràng, hiệu ứng "mật ít ruồi nhiều" trên thị trường “người thắng được tất cả” đã đảo lộn ngành điện ảnh cũng như ảnh hưởng đến giới võ thuật.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM