Lãi suất năm nay sẽ ổn định

06/06/2016 08:50 AM | Kinh tế vĩ mô

Tại hội nghị doanh nghiệp (DN) do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào cuối tháng 4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã cam kết các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN ở một số khu vực.

Theo đó, lãi suất có thể giảm 0,3 - 0,5% cho kỳ hạn ngắn và giữ lãi suất cho vay trung dài hạn dưới 10%. Việc thực hiện cam kết này là khó khăn, khi năm nay lãi suất phải chịu nhiều áp lực, đặc biệt, lạm phát có thể lên đến 5%. Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn xung quanh vấn đề này.

* Cam kết vừa rồi của Thống đốc, theo ông có gây áp lực lên hệ thống ngân hàng không?

- Xét về ngắn hạn, việc điều chỉnh giảm lãi suất sẽ tạo áp lực về lợi nhuận cho ngân hàng, nhưng xét về lâu dài thì tạo điều kiện thúc đẩy cho vay, cải thiện chất lượng tín dụng và tăng trưởng. Nếu lãi suất được điều chỉnh giảm, mặt bằng lãi suất cho vay VND sẽ về mức khá thấp trong khi lãi suất huy động đang có xu hướng tăng, điều này sẽ khiến cho biên lợi nhuận của ngân hàng bị thu hẹp.

Do đó, ngân hàng sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí để đạt được kế hoạch lợi nhuận đã đề ra. Nhưng chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN bởi chỉ khi DN có "sức khỏe" tốt thì kinh doanh của ngân hàng mới tốt. Hơn nữa, lãi suất hợp lý tạo điều kiện cho DN có hiệu quả trong kinh doanh sẽ tác động trực tiếp tới chất lượng tín dụng của ngân hàng, giảm nợ xấu, giảm chi phí trích lập dự phòng.

* Ông có thể phân tích những hạn chế về khả năng giảm lãi suất của các ngân hàng?

- Đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam hiện nay thì lợi nhuận chủ yếu vẫn là nguồn thu từ hoạt động tín dụng, hay nói cách khác là chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Thực tế chênh lệch lãi suất cho vay, huy động hiện nay đã rất thấp. Ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định, đây cũng là chi phí rất lớn của các ngân hàng.

Bên cạnh đó còn phải sử dụng các nguồn lực chi phí cho cải tiến công nghệ, thực hiện chuyển đổi nâng cao năng lực phù hợp với hoạt động ngân hàng trong khu vực và thế giới.

* Đến nay giá trị các khoản cho vay còn khiêm tốn trong khi lãi suất chưa giảm nhiều. Ông nói gì về điều này?

- Theo tôi, giá trị các khoản vay còn khiêm tốn là do các DN Việt Nam chủ yếu là DN vừa và nhỏ, nhu cầu vay vốn phục vụ các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy mô DN nên không quá lớn. Do đó, việc giá trị các khoản vay chưa lớn không thực sự đến từ nguyên nhân lãi suất mà xuất phát từ nhu cầu vay vốn của DN.

Từ năm 2013 đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng nói chung và của VCB nói riêng khá tốt, mức tăng trưởng tín dụng đạt từ 13 - 21%. Chúng tôi luôn nỗ lực để đưa nguồn vốn với mức lãi suất hợp lý đến với các khách hàng tốt, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả.

Việc tín dụng tăng trưởng cao và ổn định phản ánh khả năng hấp thụ vốn khá tốt của nền kinh tế. Việc điều chỉnh giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ là bước hỗ trợ hơn nữa cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn với giá hợp lý, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

* Lãi suất đang chịu nhiều áp lực, đặc biệt là khi lạm phát tăng. Ông nhận định thế nào về mặt bằng lãi suất năm nay?

- Áp lực đối với lãi suất trong năm nay là hiện hữu, nhưng với cam kết giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay của NHNN và việc NHNN đã và đang điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, theo dõi sát mặt bằng lãi suất và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, bên cạnh đó là sự quyết tâm của Chính phủ trong việc tăng trưởng kinh tế với các chính sách tài khóa thích hợp, tôi tin tưởng lãi suất sẽ tiếp tục ổn định trong năm nay.

* Với mục tiêu đạt tăng trưởng tín dụng 18 - 20% cộng với yêu cầu giảm lãi suất cho vay bình quân, theo ông có nên áp dụng ngay quy định áp dụng Basel II (tiêu chuẩn để trở thành một ngân hàng an toàn), cũng như Thông tư 06/2016TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng?

- Việc áp dụng Basel II và Thông tư 06 trong hoạt động ngân hàng sẽ góp phần hoàn thiện và nâng cao năng lực quản trị rủi ro và tiềm lực tài chính của hệ thống ngân hàng. Vietcombank hoàn toàn đồng thuận với chủ trương về áp dụng các quy định này.

Thực tế, việc áp dụng các quy định của Basel II và Thông tư 06 trong thời điểm hiện nay khi các ngân hàng còn đang thực hiện các đề án tái cơ cấu nâng cao năng lực, sẽ có khó khăn nhất định đối với hệ thống NHTM.

Việc điều chỉnh giảm tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn cần có lộ trình giảm dần và dài hơn để các ngân hàng có biện pháp điều chỉnh đảm bảo tuân thủ quy định. Thời hạn áp dụng từ 1/1/2017 là tương đối khó cho các NHTM.

Tuy nhiên, với những cam kết hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể của NHNN, tôi tin rằng hệ thống NHTM sẽ nhanh chóng tuân thủ các quy định này.

* Cảm ơn ông!

Theo HẢI VÂN

Cùng chuyên mục
XEM