Tại sao chính phủ nhiều nước “hắt hủi” Bitcoin?
Họ lo lắng về tác động lên hệ thống tài chính của họ trong trường hợp bong bóng Bitcoin vỡ và gây ra nhiều hậu quả xấu.
Ngày 6/1/2018, một bức ảnh bị rò rỉ và được phát tán trên mạng Internet không khỏi thu hút sự chú ý của cơ quan quản lý Trung Quốc.
Hai ngày trước đó, giới chức Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền địa phương ngừng trợ cấp các doanh nghiệp tạo ra các loại Bitcoin mới và đảm bảo rằng bitcoin sẽ biến mất một cách có trật tự khỏi thị trường.
Đối với những ai ở bên ngoài thế giới Bitcoin, dường như điều này cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều hơn ngoài một quy định hành chính từ phía chính phủ Trung Quốc. Thế nhưng bên trong cộng đồng Bitcoin, nhiều nhà đầu tư, trong đó có cả những nhà đầu tư từng mua gom Bitcoin khi giá tăng cao trong năm 2017, đã vô cùng lo lắng.
Trung Quốc là nơi cung cấp khoảng 70% thiết bị đào Bitcoin của thế giới, tạo ra thêm đơn vị tiền bằng cách giải các thuật toán phức tạp. Nếu thắt chặt hoạt động đào Bitcoin tại Trung Quốc, ví dụ như giảm mạnh nguồn điện cung cấp cho các máy đào Bitcoin, chi phí để tạo ra Bitcoin sẽ tăng lên và sẽ có thể định hình lại thị trường Bitcoin. Và tồi tệ hơn nữa, có thể quá trình tăng giá của Bitcoin sẽ thực sự kết thúc.
Không ngạc nhiên, sau hàng loạt thông tin như trên, tâm lý của nhà đầu tư Bitcoin rất bất ổn. Giá Bitcoin giảm xuống mức 15.000USD sau thông báo của giới chức Trung Quốc. Phiên giao dịch trước đó, giá Bitcoin ở mức 17.000USD.
Sau đó, giá Bitcoin tiếp tục giảm, xuống dưới mức 10.000USD vào ngày 17/1/2018, chỉ bằng nửa so với mức 19.783USD của một tháng trước đó.
Thế nhưng ngay cả khi mà giá Bitcoin đang giảm đi bởi những lo sợ về khả năng Trung Quốc siết chặt quản lý, hoạt động đào và kinh doanh Bitcoin bên trong trụ sở của Bitmain Technologies, công ty quản lý Bitcoin lớn nhất thế giới, vẫn diễn ra bình thường.
Theo lý giải của giám đốc bộ phận marketing của công ty, ông Nishant Sharma, cơ quan quản lý Trung Quốc đơn giản chỉ nhắm đến một số đối tượng nhất định. Bitmain không thuộc diện công ty bị yêu cầu phải “biến mất” khỏi thị trường.
Việc các nhà chức trách Trung Quốc sẽ siết chặt quản lý Bitcoin đến đâu nữa sau khi họ đã cấm Bitcoin và những loại tiền tương tự hiện không ai có thể nói chắc chắn. Thế nhưng rõ ràng rằng giới chức Trung Quốc thừa hiểu tầm quan trọng của công nghệ blockchain và khả năng công nghệ này sẽ có thể gây gián đoạn hoạt động của thế giới ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán.
Không phải riêng Trung Quốc đang siết chặt các biện pháp quản lý Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự. Giữa tháng 1/2018, chính phủ Pháp và Đức cũng công bố sẽ đề xuất khung quản lý bitcoin trên toàn cầu trong hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 3/2018.
Ủy ban dịch vụ tài chính Hàn Quốc trong khi đó cũng chính thức ban bố lệnh cấm ẩn danh khi mở tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch bitcoin. Tại Nhật, đất nước có thái độ vô cùng cởi mở với Bitcoin, cuối cùng cũng đã phải tiến hành thanh tra vụ việc tin tặc lấy cắp 500 triệu USD từ sàn giao dịch Coincheck trong tháng 1/2018.
Các nhà quản lý trên toàn cầu không khỏi lo ngại khi tiền ảo có thể bị lạm dụng cho mục đích rửa tiền và nhiều mục đích xấu khác của bọn tội phạm. Họ cũng lo lắng về tác động lên hệ thống tài chính của họ trong trường hợp bong bóng Bitcoin vỡ và gây ra nhiều hậu quả xấu.
Việc Bitcoin tăng giá đến 1.300% trong năm ngoái không khỏi khiến nhiều chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư và chuyên gia ngân hàng lo lắng về một vụ lừa đảo quy mô lớn.