Bitcoin: Bắt đầu vòng lặp mới?

18/01/2018 14:01 PM | Xã hội

"Tôi có thể nói khá chắc chắn rằng tiền ảo sẽ có kết thúc tồi tệ… Nhưng khi nào chuyện đó xảy ra hoặc như thế nào thì tôi không rõ lắm", tỷ phú Warren Buffett nói.

Có lẽ sự kết thúc của bong bóng tiền ảo đã bắt đầu khi giá Bitcoin hạ xuống dưới ngưỡng 10.000 USD, tức mất gần 50% so với giá cao kỷ lục của tháng 12/2017. Hàng loạt đồng tiền số như Ethereum hay Ripple cũng lao dốc theo.

Đây phải chăng là sự bắt đầu của vòng lặp mới, khi một thị trường xì hơi để bắt đầu cho chu kỳ tăng trưởng tiếp theo?

Hiệu ứng FOMO

Với cổ phiếu, những nhà phân tích có thể dùng số liệu kỹ thuật để dự đoán về hướng đi của giá chứng khoán nhưng điều này lại chẳng dễ dàng với tiền ảo. Tuy nhiên, nguyên nhân sụp đổ của đồng tiền số thì lại khá rõ ràng.

Sự tăng giá mạnh mẽ của Bitcoin bắt nguồn từ nhu cầu tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bởi vậy khi hàng loạt các quan chức tuyên bố đóng cửa sàn giao dịch tiền ảo ở Hàn Quốc, Trung Quốc đã khiến Bitcoin lao đao.

Bitcoin: Bắt đầu vòng lặp mới? - Ảnh 1.

Tốc độ tăng giá đến mức đỉnh và thời gian xì hơi của Bitcoin so với các vụ bong bóng khác trong lịch sử

Trên thực tế, do là loại tiền mới nên Bitcoin bị nắm giữ quá nhiều trong tay một số ít người, Số liệu của Bloomberg cho thấy 40% Bitcoin được giữ bởi khoảng 1.000 người và bất kỳ ai trong số này bán tháo cũng sẽ khiến tiền ảo lao dốc mạnh.

Ngoài ra, khả năng thanh khoản dễ dàng không chịu ràng buộc của ngân hàng trung ương là thứ khiến tiền ảo trở nên vô cùng hấp dẫn. Do đó khi các sàn giao dịch gặp vấn đề, giá tiền ảo sẽ cắm đầu đi xuống. Năm 2014, hàng nghìn Bitcoin đã bị tin tặc ăn trộm tại sàn Mt.Gox ở Tokyo khiến đồng tiền ảo này mất giá.

Năm 2016, Bitcoin tiếp tục bị đánh cắp tại một sàn tiền ảo ở Hong Kong khiến chúng giảm giá. Đến hiện tại, việc chính phủ đóng cửa sàn giao dịch ở Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục tác động mạnh vào thị trường tiền ảo như đã làm trong lịch sử.

Một yếu tố nữa khiến Bitcoin giảm giá mạnh là sự tác động của chính phủ các nước. Dù được vận hành trên một hệ thống không liên quan đến các ngân hàng trung ương nhưng tiền ảo lại bị tác động rất lớn từ tin đồn cũng như quyết sách của các nhà hoạch định chính sách. Năm 2013, giá tiền ảo đã tăng gấp 3 lần lên 900 USD sau khi một vài nghị sĩ ủng hộ công nghệ này và có tin đồn rằng chúng sẽ được hợp pháp hóa ở Mỹ.

Cuối cùng và cũng quan trọng nhất, việc các nhà đầu tư sợ bỏ lỡ cơ hội và sợ bị bỏ rơi (Fear of Missing Out-FOMO) trên thị trường đã khiến bong bóng Bitcoin phồng mạnh xẹp nhanh đến vậy, bất chấp nhứng yếu tố cơ bản của nền kinh tế có ổn định ra sao.

Bitcoin: Bắt đầu vòng lặp mới? - Ảnh 2.

Tại Trung Quốc, nhu cầu hàng hóa và lợi nhuận của các công ty quốc doanh vẫn ở mức cao. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã tăng hơn 20% trong 12 tháng qua còn chứng khoán Nhật Bản cũng tăng trưởng tốt. Thậm chí thị trường chứng khoán Mỹ còn phá kỷ lục về mức điểm trong lịch sử do tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan.

Do đó có thể nói rằng sự tăng giảm giá của thị trường tiền ảo hoàn toàn do hiệu ứng tâm lý nhà đầu tư hơn là chịu sự tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô và khó đoán trước được rằng đợt giảm giá mạnh hiện nay sẽ khởi đầu cho đợt giảm giá sâu tiếp hay cho một chu kỳ tăng trưởng mới.

Bitcoin: Lịch sử lặp lại?

Đồng tiền số là một trong những chủ đề được bàn tán nhiều nhất năm 2017 khi tăng giá hơn 1.000%. Tuy nhiên đầu năm 2018, đồng Bitcoin lại giảm giá tới 50% so với thời kỳ đỉnh cao, khiến các nhà đầu cơ sợ hãi.

Bitcoin: Bắt đầu vòng lặp mới? - Ảnh 3.

Bitcoin: Bắt đầu vòng lặp mới? - Ảnh 4.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại cuối năm 2013 đầu năm 2014, chúng ta có thể thấy lịch sử đang lặp lại. Việc cố gắng phân tích nguyên nhân tăng giảm giá của Bitcoin là điều vô cùng khó khăn, nhưng có một điều chắc chắn rằng đây là kênh đầu tư khá nguy hiểm.

Việc các nhà đầu cơ không muốn bỏ lỡ cơ hội cũng như sợ bị bỏ lại đằng sau cơn tháo chạy là nguyên nhân chính khiến giá tiền ảo năm 2013-2014 lên xuống mạnh như vậy. Dẫu vậy, tình hình hiện nay khá hơn nhiều so với năm 2013 khi các sàn giao dịch kỳ hạn (hợp đồng tương lai) hỗ trợ nhà đầu tư có kênh bỏ tiền chính thức hơn là giao dịch tại những sàn lẻ.

Thêm vào đó, quan điểm với tiền ảo tại các nước cũng đã cởi mở hơn so với thời 2013, bất chấp việc các chuyên gia nhận định tiền ảo là một loại tài sản nguy hiểm khi không có sự quản lý của nhà nước. Dù phải giải quyết đống lộn xộn năm 2014 khi sản Mt.Gox bị mất cắp tiền ảo nhưng chính quyền Tokyo những năm gần đây đã cởi mở hơn với Bitcoin, qua đó trở thành một trong những thị trường hấp dẫn cho tiền ảo.

Theo Bloomberg Gadfly, chúng ta không thể không thừa nhận rằng tiền ảo vẫn là sẽ thu hút được những nhà đầu cơ ưa mạo hiểm. Chuyên gia Lionel Laurent của Bloomberg cho rằng nếu lịch sử lặp lại, giá tiền ảo có thể rơi tiếp và mất tới 80% giá trị nhưng trong tương lai sẽ quay đầu tăng trở lại bởi thị trường luôn có những "con bạc" khát nước.

AB

Cùng chuyên mục
XEM