Tại quốc gia này, tiền phạt vi phạm giao thông tùy thuộc vào thu nhập của mỗi người

24/07/2017 21:13 PM | Xã hội

Vào năm 2015, doanh nhân Phần Lan Reima Kuisla bị bắt vì tội đi xe quá tốc độ. Với mức vi phạm này, những người dân Mỹ sẽ chỉ cần đóng phạt tối đa vài trăm USD. Tuy nhiên, điều khiến anh Kuisla hoảng hồn là số tiền phạt cho lỗi của ông lên đến 54.000 Euro.

Nguyên nhân của sự chênh lệch quá lớn này không phải vì anh Kuisla có thù hằn gì với cảnh sát hay có tiền án tiền sự gì. Trên thực tế, hầu hết các khoản phí phạt tại Phần Lan đều dựa một phần trên mức thu nhập của người đóng phạt. Đáng tiếc thay, anh Kuisla kê khai mức thu nhập là 6,5 triệu Euro/năm.

Trên thực tế, mức phạt cực cao này ở Phần Lan không có gì là mới lạ khi năm 2002, giám đốc điều hành Nokia bị phạt 103.000 USD vì đi quá tốc độ còn cầu thủ bóng rổ nổi tiếng Teemu Selanne cũng bị bắt đóng tới 39.000 USD vì lỗi tương tự.

Hệ thống tính phạt của Phần Lan khá đơn giản và kỳ lạ, họ bắt đầu với số chi tiêu của người vi phạm trong 1 ngày, sau đó chia số tiền này làm 2. Từ đây, chính phủ Phần Lan cho rằng họ có quyền tước đoạt 1/2 số tiền này nếu người dân vi phạm luật và sẽ tính toán xem có bao nhiêu ngày người vi phạm bị mất 1/2 số tiền chi tiêu trong ngày như vậy tùy vào mức độ phạm luật. Ví dụ, nếu đi quá 15 dặm Anh mỗi giờ, người đóng phạt sẽ bị mất 1/2 chi tiêu mỗi ngày nhân 12 ngày, với quá 25 dặm/giờ là 22 ngày…

Phần lớn những người thu nhập bình dân tại Phần Lan phải trả 30-50 Euro/ngày theo tính toán của chính phủ nếu vi phạm luật, nhưng con số này sẽ lớn hơn rất nhiều nếu giới nhà giàu vi phạm các quy tắc. Thông thường hạn mức tối đa để nhân số tiền là 120 ngày nhưng không có bất kỳ quy định nào về mức phạt tối đa. Nghĩa là dù bạn thu nhập bao nhiêu thì mức phạt cũng theo đó nhân lên.

Tại một số quốc gia như Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Áo, Pháp và Thụy Sĩ cũng có một số trường hợp phạt người vi phạm dựa trên thu nhập của họ nhưng điều này lại không hề được áp dụng tại Mỹ hay nhiều nước khác.

Vào cuối thập niên 1980, việc phạt người vi phạm dựa trên thu nhập đã từng được sử dụng tại Mỹ nhưng chúng khiến người dân giận dữ và gặp nhiều chỉ trích từ các chính trị gia.

Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng hình thức ghi phạt dựa trên thu nhập của người dân là biện pháp hiệu quả bởi suy cho cùng, những người giàu thường là những thành viên tham gia giao thông thiếu ý thức hơn những người nghèo có ít tiền. Điển hình là Steve Jobs với việc đỗ xe vào nơi chỉ dành riêng cho người tàn tật hoặc hiếm khi mang bằng lái xe khi tham gia giao thông.

Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức xử phạt dựa trên thu nhập kể từ năm 1921. Trên thực tế việc thực hiện những khoản xử phạt do vi phạm quy tắc đã tồn tại ở Châu Âu từ thập niên 1100. Đến năm 1748, nhiều học giả bắt đầu phân tích về hệ thống phân loại hình thức xử phạt dựa trên thu nhập của người dân và Phần Lan là nước đi tiên phong trong hình thức này.

Cách đây hơn 1 thập niên, khoảng 4/5 dân số Phần Lan đã ủng hộ chính sách này khi hệ thống phạt theo thu nhập được sửa đổi. Trước năm 1999, người dân chỉ cần kê khai thu nhập trung thực với cảnh sát mà không có nhiều chương trình giám sát, kiểm tra. Tuy nhiên, hệ thống này đã bị siết chặt hơn và số tiền phạt chính phủ thu được đã tăng 30%.

BT

Cùng chuyên mục
XEM