Tái nhiễm Covid-19 chỉ sau 1 tháng: Chuyên gia nêu nguyên nhân và chỉ ra điều may mắn

24/02/2022 21:00 PM | Xã hội

Theo các chuyên gia, sau một tháng mắc Covid-19, khả năng tái nhiễm là rất khó. Tuy nhiên, sau 2-3 tháng, người bệnh có thể tái nhiễm một biến chủng mới.

Tái nhiễm xảy ra khi nào?

Khi số ca nhiễm Covid-19 gần đây tăng liên tục, không ít người lo lắng về nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt, có những trường hợp tái nhiễm chỉ sau một tháng.

Chị N.T.A (tại Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, cách đây khoảng hơn một tháng chị có triệu chứng ho, sốt... test nhanh dương tính với Covid-19. Chị A theo dõi tới ngày thứ 10 thì test lại có kết quả âm tính.

Mới đây, chị A có triệu chứng rát họng, khi test thử kết quả dương tính. Theo chị A, từ lần dương tính thứ nhất tới lần dương tính thứ 2 cách nhau đúng 1 tháng.

Tái nhiễm Covid-19 chỉ sau 1 tháng: Chuyên gia nêu nguyên nhân và chỉ ra điều may mắn - Ảnh 1.

Xét nghiệm Covid-19 - ảnh Việt Hùng.

Tiến Bùi Lê Minh, trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết một người đã từng mắc Covid-19 trước đó (không phải chủng Omicron) thì vẫn có nguy cơ tái nhiễm biến thể Omicron cao. Còn trường hợp đã nhiễm Omicron rồi thì khó.

Ví dụ, đợt dịch đầu tiên mọi người bị mắc virus chủng gốc từ Vũ Hán thì nguy cơ nhiễm chủng Delta vẫn cao. Do vậy, một người đã nhiễm biến chủng Delta trước đó thì vẫn có thể nhiễm Omicron.

TS Minh cũng cho biết bản thân tiến sĩ cũng là người bị tái nhiễm với 2 biến chủng khác nhau: Delta và Omicron.

Theo TS Minh, giữa chủng Delta và Omicron sẽ có những đặc điểm khác nhau: Nhiều người nhiễm biến chủng Delta bị mất mùi (5-6 ngày sau phát bệnh sẽ mất mùi). Do vậy, trong một chuỗi lây nhiễm (khoảng 10 người), nếu không ai mất mùi thì rất có thể tin tưởng 80-90% là nhiễm Omicron.

Khi được hỏi liệu có xảy ra trường hợp tái nhiễm Covid-19 chỉ sau 1 tháng, TS Minh phân tích: "Thường sau một tháng nhiễm Covid-19 thì cơ thể vẫn ở trong thái đủ bảo vệ. Nhưng không thể loại trừ vẫn có thể xảy ra được ở một số người hệ miễn dịch không đủ mạnh.

Với biến chủng Omicron, kháng thể sinh ra ái lực không tốt. Do vậy, dù cơ thể còn kháng thể nhưng khả năng chống chịu suy giảm (đặc biệt ở người có hệ miễn dịch suy giảm) nên tái nhiễm có thể xảy ra trong 1 tháng. Nhưng thường 2-3 tháng nguy cơ tái nhiễm sẽ cao hơn".

TS Minh cũng phân tích thêm việc tái nhiễm cùng một biến thể rất ít khi xảy ra. Do hệ miễn dịch đã học được cách tấn công lại virus. Nhưng tái nhiễm 2 biến chủng khác nhau thì dễ hơn. Do vậy người đã từng nhiễm Delta thì vẫn có nguy cơ mắc Omicron.

Tái nhiễm Covid-19 chỉ sau 1 tháng: Chuyên gia nêu nguyên nhân và chỉ ra điều may mắn - Ảnh 2.

'76% mẫu tầm soát ngẫu nhiên ở TP HCM nhiễm biến chủng Omicron'

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP HCM cho biết nguy cơ tái nhiễm có thể xảy ra với tất cả các loại virus. Nhưng tái nhiễm cùng một biến chủng rất hiếm.

Khi bị nhiễm Covid-19, miễn dịch sẽ mạnh hơn rất nhiều so với tiêm vắc xin vì 2 lý do:

- Thứ nhất, khi bị nhiễm virus thì kháng thể sẽ nằm trên niêm mạc mũi, họng, phổi để chống lại lần xâm nhập tiếp theo của virus.

- Thứ hai, khi nhiễm virus sẽ tạo ra các loại kháng nguyên S, N, E có thể sẽ chống lại sự xâm nhập tiếp theo của virus. Do vậy, tái nhiễm xảy ra với tỷ lệ rất nhỏ.

Theo PGS Dũng, việc xảy ra tái nhiễm sau 1 tháng là rất hiếm và ngẫu nhiên. Nguyên nhân người tái nhiễm đó có thể do sức khỏe yếu, miễn dịch suy giảm hoặc người đó trước đó nhiễm biến chủng Delta và tái nhiễm biến chủng Omicron.

Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, tái nhiễm Covid-19 trong một thời gian ngắn có thể xảy ra với 2 biến chủng khác nhau. Và thông thường khi tái nhiễm với một biến chủng mới, đa phần các ca tái nhiễm này sẽ nhẹ hơn so với lần mắc đầu tiên.

THEO DÕI VÀ ĐIỀU TRỊ FO TẠI NHÀ - ĐỂ AN TOÀN VÀ KHÔNG MẮC SAI LẦM”

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện nay có 2.914.241 ca mắc Covid-19. Trừ đi 2.320.772 người đã khỏi bệnh và số người tử vong, hiện nay chúng ta đang có 554.799 F0 đang theo dõi và điều trị trên toàn quốc. Do chính sách của các địa phương, phần lớn trong số đó được theo dõi và điều trị tại nhà.

Toạ đàm trực tuyến “Theo dõi và điều trị F0 tại nhà: Để an toàn và không mắc sai lầm” với sự tham gia của khách mời - BS Bùi Nghĩa Thịnh - Phòng khám Gia đình TP HCM mong muốn cung cấp những thông tin thiết thực để F0 theo dõi điều trị tại nhà được hiệu quả và an toàn.

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM