Cứ nghĩ "bất tử" sau khi khỏi Covid-19, nhiều người chủ quan rồi tái nhiễm lần 2
Các bác sĩ cho biết hiện đã xuất hiện tình trạng tái nhiễm Covid-19, tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra ngay sau khi bệnh nhân mới khỏi bệnh.
Cứ ngỡ "bất tử" sau khi khỏi Covid-19 nhưng bất ngờ tái nhiễm lần 2
Anh T.L.N.T., 29 tuổi, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội ngày 17/2 xuất hiện triệu chứng đau rát họng, không sốt, không ho. Trước đó một tuần, anh cùng nhóm bạn tổ chức ăn uống, trong số đó nhiều người xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Test nhanh dương tính, anh T. khá bất ngờ, vì hồi tháng 11 năm ngoái, anh từng nhiễm Covid-19 khi về từ TP.HCM. Để chắc chắn, anh đến phòng khám gần nhà làm xét nghiệm PCR, kết quả dương tính với chỉ số CT 19.98.
"Mình không nghĩ bị tái nhiễm nhanh như vậy. Triệu chứng bệnh lần 2 nhẹ hơn, nhưng buổi tối, mình bị khó thở, giấc ngủ không sâu, nghẹt mũi", anh T. kể.
Lần đầu nhiễm Covid-19, anh T. được chuyển điều trị tại khu cách ly tập trung của Kí túc xá Pháp Vân (Bệnh viện Dã chiến Hà Đông). Lần này, anh điều trị tại nhà, kết hợp tập thể dục, chế độ sinh hoạt lành mạnh và điều độ để sớm khỏi bệnh. Sau 5 ngày, anh test nhanh âm tính lần 1, sức khoẻ ổn định.
"Ban đầu mình cũng nghĩ đã khỏi Covid-19 là 'bất tử', nên thoải mái đi chơi, không đeo khẩu trang. Nhưng khi mắc bệnh lần 2, nhờ đã có kinh nghiệm nên mình không quá lo lắng, khuyến cáo mọi người nên thường xuyên tập thể dục, nâng cao sức đề kháng của bản thân", anh T. nói.
Các bệnh nhân Covid-19 nặng điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Cũng nhiễm Covid-19 lần 2, chị Đ.T.M.L., 39 tuổi, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội nói rằng cơ thể mệt mỏi và ho nhiều hơn so với lần mắc bệnh cách đây một tháng.
Ngày 16/2, chị L. sốt và đau rát họng, chỉ nghĩ là bị viêm họng. Để an tâm, chị gọi dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nhà, ngày 17/2 trả kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2, chỉ số CT 17.9.
"Tôi rất bất ngờ, đã từng nghĩ khỏi Covid-19 sẽ không bao giờ bị lại lần nữa", chị L. nói. Nếu như lần trước, chị không ho, chỉ sốt 1-2 ngày rồi dứt, thì lần thứ 2 "nặng nề" hơn. Chị kể sốt và ho nhiều, sau 7 ngày vẫn chưa dứt dù đã âm tính lần 1.
"Tôi đã tiêm 2 mũi Pfizer, tháng trước mắc bệnh và khỏi, nên rất chủ quan nghĩ là trong 6 tháng sẽ miễn dịch. Do đó, tôi đi chơi khắp nơi và nhiều khi không đeo khẩu trang. Mọi người đừng chủ quan như tôi", chị L. khuyến cáo.
Cách ly và điều trị tại nhà, người phụ nữ rất mệt mỏi và bế tắc khi phải huỷ chuyến bay về lại Nhật Bản ngày 20/2. Mỗi lần đi cầu thang, chị cảm thấy hụt hơi, sức khoẻ yếu đi trông thấy. Tuy không mất vị giác, nhưng chán ăn, khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng.
"Đừng nghĩ Covid-19 là căn bệnh đơn giản. Khi mắc bệnh rồi mới thấy cơ thể yếu đi như thế nào", chị L. nói.
Nhiều người tái nhiễm Covid-19 sau 1, 2 tháng mắc bệnh lần thứ nhất
Chuyên gia nói gì?
Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, hiện đã xuất hiện tình trạng tái nhiễm, tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra ngay sau khi bệnh nhân mới khỏi bệnh.
Theo bác sĩ Hoàng, F0 sau thời gian điều trị, xét nghiệm PCR âm tính, nhưng sau đó lại tái dương tính, có thể do quá trình lấy mẫu chưa đúng. Hoặc, cơ thể người bệnh chưa hết hẳn virus, vẫn còn lại xác virus, nhưng đề kháng kém nên virus tiếp tục nhân lên.
"Có nhiều người dù không có triệu chứng gì đặc biệt, nhưng 15-20 ngày rồi, virus vẫn chưa hết hẳn, chỉ số CT vẫn dao động ở khoảng 25-30. Với các trường hợp này, cần ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi tốt hơn để sớm có kết quả PCR âm tính", bác sĩ Hoàng nói.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tái nhiễm là trạng thái một bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, sau một thời gian vẫn bị mắc lại bệnh đó.
Cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định một bệnh nhân tái nhiễm SARS-CoV-2 là khi bệnh nhân đó từng nhiễm Covid-19, đã đủ tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh, một thời gian dài sạch virus. Sau đó, bị nhiễm bệnh lại và nuôi cấy virus có mọc lại. Tức là lần nhiễm sau bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh xác virus tồn lưu từ lần nhiễm trước.
Tuy nhiên, có một số trường hợp có thời gian mang virus rất dài tới 174 ngày, nên cơ sở thứ 2 để khẳng định một người có tái nhiễm hay không vẫn phải căn cứ vào nuôi cấy virus, giải trình tự gene. Nếu hai lần nhiễm mà mắc hai chủng khác hẳn nhau thì chắc chắn đó là tái nhiễm.
Trong khi đó, tái dương tính là trạng thái một bệnh nhân đang trong quá trình tiến triển của bệnh, đã có những giai đoạn xét nghiệm âm tính, nhưng lại xuất hiện những lần xét nghiệm dương tính sau đó.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thông tin, nguyên tắc tái nhiễm là mang chủng khác. Nếu người bệnh hiện giờ phát hiện tái nhiễm, thì khả năng mắc chủng Omicron.
"Nếu F0 mắc chủng Delta khỏi bệnh, nhiễm lại khả năng mắc Omicron, nhưng nhẹ hơn", bác sĩ Khanh nói.